Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Nên cho trẻ ngủ chung hay ngủ riêng?

Một nghiên cứu ở trẻ từ 5-11 tuổi cho thấy, trẻ ngủ cùng giường với bố mẹ dễ gặp phải các vấn đề liên quan đến giấc ngủ như ngủ muộn, ngủ bất an, hay tỉnh giấc...

Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện để tạo cho con một “giang sơn” riêng. Đó là còn chưa kể quan niệm cho con cái ngủ riêng là không tình cảm... Vậy nên xử lý vấn đề này như thế nào?

Lợi ít, hại nhiều

Nhiều cha mẹ tỏ ra lo lắng, bất an nếu như “rời mắt” khỏi con cái, luôn cảm thấy “tội tội” nếu để trẻ ngủ một mình. Thực tế, khi trẻ còn nhỏ (khoảng 6 tháng đầu), nó có thể nằm sai tư thế, bị nôn (trớ), quấy khóc vì đói, tỉnh giấc vì ẩm ướt do tè dầm... nên việc cha mẹ luôn ở bên cạnh là rất cần thiết. Sợi dây tình cảm giữa cha mẹ và con cái sẽ khăng khít hơn nếu như tối tối bé được say giấc nồng trong vòng tay yêu thương của bố hoặc mẹ.

Tuy nhiên, việc ngủ chung với người lớn có thể khiến trẻ mất ngủ bởi những tác động như: thói quen nói chuyện, xem tivi muộn. Mặt khác, nếu thường xuyên ôm trẻ ngủ sẽ ảnh hưởng đến sự trao đổi chất và thói quen sống độc lập của trẻ.

Bên cạnh đó, còn có khá nhiều chuyện dở khóc dở cười xung quanh cái sự ngủ chung của trẻ. Đã có không ít cha mẹ xấu hổ đến độ muốn “độn thổ” khi con bô bô kể với mọi người rằng đã thấy bố mẹ trong trạng thái “đặc biệt”. Thậm chí, chuyện tế nhị của người lớn dưới con mắt của trẻ thơ đã trở nên lệch lạc, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý bình thường ở trẻ như: trẻ có quan hệ tình dục vị thành niên, lệch lạc về giới tính, rối loạn về tính dục, đôi khi kèm theo những vấn đề về stress, các rối loạn như trầm cảm, lo âu, suy nhược hay những biến đổi về ứng xử (lạnh nhạt, xa lánh bố mẹ), rối nhiễu về hành vi và nhận thức...

Ảnh minh họa

Các nghiên cứu tâm lý cho thấy, khi lên ba tuổi trẻ đã có nhận thức và muốn khám phá cái mới. Lên tám, chín tuổi, trẻ bắt đầu ở lứa tuổi tiền dậy thì, sự phát triển của yếu tố tâm, sinh lý và sự ham muốn khám phá càng tăng. Chính lúc này, các hành vi của người lớn sẽ ảnh hưởng đến trẻ nhanh chóng. Sự nhận thức không đúng đắn của các bậc cha mẹ về vấn đề phát triển của trẻ vô tình tạo cho chúng sự tò mò không đáng có. Hầu hết những trò “thí nghiệm” về tình dục là do tò mò. Những hành vi này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ và tính cách của trẻ về sau.

Nếu rơi vào hoàn cảnh éo lé ấy, cha mẹ nên gần gũi, cũng như bình tĩnh giải thích cho con trẻ hiểu những vấn đề nhạy cảm ấy một cách khoa học, phù hợp với từng lứa tuổi. Và nếu có điều kiện, nên cho trẻ ngủ riêng.

Ngủ riêng - tạo thói quen sống độc lập

Theo tiến sĩ Nguyễn Công Khanh, chuyên gia tâm lý ĐH Sư phạm Hà Nội: “Ở phương Tây, trẻ em không ngủ cùng bố mẹ từ rất sớm, và đến 3 tuổi thì hầu hết đã có phòng riêng. Điều này rất cần thiết đối với cả bố mẹ và đứa trẻ, nó không chỉ giúp bố mẹ có đời sống riêng, mà còn giúp trẻ tăng tính tự lập, tự tin”.

Chị Hoàng Thị Dung, khu tập thể B2, Đại học An Ninh, Hà Nội chia sẻ: “Bốn tháng đã phải đi làm, nhưng mình thấy yên tâm vì đã “luyện” cho bé thói quen ngủ riêng khá sớm nên bé không hề quấy khóc. Cho đến bây giờ cũng vậy, bé có thể chơi cả ngày không cần mẹ, khi mẹ đi làm về thì quấn hơn mọi người một chút, chứ không quá bện hơi mẹ”.

Trẻ con ngủ riêng sẽ giúp trẻ tự lập, tự tin. (Ảnh minh họa)

Thế nhưng, để tách trẻ ra khỏi không gian riêng của vợ chồng là chuyện không đơn giản. Đã có nhiều người phải đầu hàng trước các chiêu mà trẻ dùng để “uy hiếp, bắt nạt” cha mẹ khi biết mình phải ngủ riêng.

Bởi vậy muốn cho trẻ ngủ riêng, có thể đặt bé trong một căn phòng sạch sẽ, thoáng đãng. Khi còn bé có thể trẻ sẽ thức vào ban đêm, cha mẹ hãy qua thăm con, biểu lộ sự có mặt của mình để bé yên tâm, hãy bế bé trên tay và trò chuyện với bé những lời ngọt ngào để giúp con quay trở lại giấc ngủ.

Với trẻ lớn hơn, cha mẹ có thể khơi niềm thích thú với việc làm chủ không gian riêng của mình như cho trẻ tham gia trang trí phòng, cũng như chuẩn bị tâm lý cho trẻ. Không nên dọa nạt kiểu “con mà không ngủ riêng bố mẹ sẽ đánh đòn”. Đồng thời, người lớn nên dành thời gian chăm sóc, ôm ấp, vuốt ve trẻ để trẻ không cảm thấy bị bỏ rơi, nếu được nên dành 10-15 phút cho việc tâm sự, kể chuyện cho con trước khi đi ngủ.

Thu Dịu

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/nen-cho-tre-ngu-chung-hay-ngu-rieng-26465/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY