Mùa xuân năm ấy, khi nhà nhà đang chuẩn bị đón tết thì chị chồng tôi nằm một chỗ trên giường để chiến đấu với căn bệnh ung thư thời kỳ cuối. Mỗi giây phút qua đi là cái ch*t lại từng bước tiến gần hơn.
Một năm trước đó, chị tôi còn háo hức đón chào vụ mùa thanh long lớn nhất sẽ đem đến nguồn thu nhập cao cho cả gia đình. Là người nhanh nhẹn và tháo vát, khi khuynh hướng trồng thanh long mới phát triển ở miền Tây, chị là một trong những người đầu tiên bắt tay vào nghiên cứu kỹ thuật gieo trồng và chăm sóc, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Chị còn tham gia tư vấn cho các hộ nông dân trồng thanh long khác, khuyến khích họ không lạm dụng hóa chất trên cây để an toàn cho người tiêu dùng.
Dịch bệnh đang giúp chúng ta nhận ra những giây phút được sống mạnh khỏe bên những người thân yêu mới thực sự là điều đáng quý.
Tôi thường dành nhưng buổi sáng rảnh rỗi đến ngồi cạnh giường bệnh, lắng nghe những chia sẻ của chị, kể cho chị nghe ở ngoài kia cuộc sống vẫn đang diễn ra như thế nào.
Có một lần chị chăm chú nhìn tôi rồi đột nhiên căn dặn: “Cuộc sống của chị không dài nhưng phải đến đoạn cuối chị mới dám làm điều mình mong muốn, ai cũng chỉ có một cuộc đời để sống, nên hãy sống thực sự, sống để không phải hối tiếc”.
Hai năm sau khi chị qua đời, tôi đang chứng kiến thế giới đối mặt với một loại dịch bệnh mới. Mỗi sáng mở mắt ra là lại tìm đọc những bài báo để biết có bao nhiêu người nhiễm bệnh, bao nhiêu người ch*t, đã có phương cách đẩy lùi sự lây nhiễm hay chưa. Tôi tự hỏi: Nếu trên đời có thượng đế thì ngài đem dịch bệnh đến với thế giới này để nhắc nhở con người điều gì?.
Chúng ta yếu đuối và mong manh khi đứng trước thế giới rộng lớn tiềm ẩn biết bao rủi ro và nguy cơ không lường trước được. Bệnh tật có lẽ là một đòn giáng mạnh vào sự tự mãn, kiêu ngạo, vào cái tôi cho rằng mình là động vật bậc cao, có thể thay đổi và khống chế vạn vật của con người.
Nhìn một góc độ khác, bệnh tật có thể cũng giúp người ta biết trân trọng sức khỏe của chính mình. Chúng ta thường không đánh giá cao thứ mà mình đang có cho đến khi mất đi. Mỗi ngày, có rất nhiều bạn trẻ dành phần lớn thời gian cho việc ăn nhậu, hút Thu*c hơn là tập thể dục, sinh hoạt lành mạnh. Dường như chúng ta vẫn chưa biết trân trọng những khoảnh khắc được bước đi mạnh mẽ trên đôi chân của mình, được ngắm nhìn những đường phố ngập tràn ánh nắng, được hít thở không khí và được mỉm cười, chào hỏi những người thân yêu.
Một chị bạn đồng môn của tôi sau khi ra trường nhanh chóng chuyển qua công tác trong ngành ngân hàng và bắt đầu với niềm đam mê công nghệ thông tin của mình. Khi đang hăng say với công việc mới, chị bất ngờ đưa ra quyết định nghỉ làm để ở nhà chăm sóc ba mẹ đang bị bệnh nặng do chị là con gái duy nhất trong nhà.
Khi tôi hỏi chị có cảm thấy luyến tiếc khi phải hi sinh sự nghiệp để làm tròn chữ hiếu, chị trả lời rằng bản thân không suy nghĩ nhiều đến thế, trước mắt, việc được ở bên cạnh chăm sóc ba mẹ lúc già yếu là điều may mắn mà chị có được. Tôi chợt nghĩ, đôi khi nếu nhìn tích cực một chút, bệnh tật cũng là cơ hội để chúng ta có thể ở bên cạnh chăm sóc và nâng đỡ những người thân yêu trong giây phút họ yếu đuối nhất.
Khi tốc độ tăng trưởng kinh tế, tốc độ phát triển khoa học kỹ thuật đang rất nhanh, những ngày gần đây, chúng ta lại chứng kiến thế giới buộc phải sống chậm hơn, mọi hoạt động đều bị đình đốn, gần nhất đó là các em học sinh ở nhiều nơi buộc phải hoãn việc học sau tết để phòng chống dịch bệnh. Điều này có thể gây ra hệ quả là sự chậm phát triển, thậm chí là khủng hoảng kinh tế ở một số quốc gia.
Tuy nhiên, nếu nhìn vấn đề tích cực hơn, chúng ta có thể tận dụng cơ hội sống chậm để thể hiện tình yêu thương với những người thân chung quanh. Cha mẹ có thể tranh thủ thời gian con cái nghỉ học để trò chuyện, vui chơi, bồi đắp tình cảm. Và quan trọng hơn, dịch bệnh đang giúp chúng ta nhận ra những giây phút được sống mạnh khỏe bên những người thân yêu mới thực sự là điều đáng quý.
Một người thầy từng nói với tôi rằng: “Trong dài hạn tất cả chúng ta đều sẽ ch*t”. Trong quá khứ, sự lựa chọn tự nhiên đã diễn ra qua rất nhiều thời kỳ con người đối diện với những khó khăn đến từ thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh, một số người mất đi, một số khác có thể thích ứng và tồn tại.
Chừng nào con người còn hiểu rằng chúng ta không đứng ngoài quy luật chọn lọc của tạo hóa, chúng ta sẽ biết cách dung hòa những xung đột trong ngắn hạn và dài hạn. Trong ngắn hạn, mỗi người chúng ta cần xây dựng và kiến tạo một thế giới tốt đẹp, giúp chúng ta có thể thích ứng và hòa hợp với tự nhiên. Nhờ vậy trong dài hạn, con người sẽ có thể tiếp tục tồn tại trước bất cứ sự thay đổi nào.