Số liệu ghi nhận từ Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19, từ 16h ngày 13/11 đến 16h ngày 14/11, nước ta ghi nhận 8.176 ca mắc mới tại 52 tỉnh, thành phố, trong đó có 3.705 ca trong cộng đồng.
Dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp khiến nhiều địa phương buộc phải nâng cao mức đánh giá cấp độ dịch mới và kích hoạt các biện pháp phòng, chống Covid-19 như Hà Nội, Bắc Giang…
Tại Bắc Giang, tính từ ngày 1/11 tới nay, địa phương này có hơn 200 ca mắc mới Covid-19 tập trung tại 15 xã, thị trấn cùng một số ổ dịch phức tạp tại các khu công nghiệp. Trong đó, huyện Yên Thế có số ca nhiễm cao nhất tính từ ngày 26/10 tới nay với hơn 200 ca.
Theo Sở Y tế tỉnh Bắc Giang, từ ngày 7/11 tới nay, dịch có xu hướng giảm nhẹ nhưng vẫn có ổ dịch diễn biến phức tạp tại một khu công nghiệp trên địa bàn huyện Việt Yên. Sở Y tế Bắc Giang dự báo, những ngày tới, số ca mắc mới vẫn sẽ ở mức cao trong cộng đồng và các khu cách ly.
Ông lê ánh dương, chủ tịch ubnd tỉnh bắc giang nhận định, dịch bệnh trên địa bàn bắc giang đang từng bước được kiểm soát. tuy nhiên, hiện nay ổ dịch trong một doanh nghiệp ở khu công nghiệp đã lây nhiễm lẻ tẻ sang đơn vị khác, nếu không kiểm soát triệt để, dịch bệnh có thể bùng phát trên diện rộng. bên cạnh đó, thời điểm hiện nay, dịch covid-19 cũng đang diễn biến phức tạp tại các tỉnh thành lân cận, nguy cơ xâm nhập vào bắc giang là rất lớn. các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh cần đề cao cảnh giác, ứng phó nhanh, hiệu quả khi xuất hiện ổ dịch mới.
Được biết, Bắc Giang đã kích hoạt các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn, bên cạnh việc đẩy mạnh tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân, khu cách ly tập trung trong các khu công nghiệp đã được thành lập để ứng phó với dịch bệnh.
Còn tại Hà Nội, số ca mắc mới hàng ngày vẫn ở trên mức 100 ca với nhiều ổ dịch phức tạp trong 7 ngày gần đây. Hiện nay, thành phố này đang có 14 ổ dịch, chùm ca bệnh phức tạp.
Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, nguyên nhân số ca mắc trên địa bàn tăng cao trong thời gian qua là do người dân đi lại, giao lưu khi được nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch, đồng thời, việc thực hiện các biện pháp theo dõi sức khỏe, cách ly tại nhà còn chưa nghiêm túc, bộ phận người dân xuất hiện tâm lý chủ quan khi đã tiêm vaccine phòng Covid-19. “Dịch bệnh tại Hà Nội cơ bản được kiểm soát, nhưng vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn, thời gian tới có thể xuất hiện thêm chùm ca bệnh mới” - bà Hà nhận định.
Nhận định về tình hình dịch Covid-19 hiện nay, BS Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nói: “Tình hình dịch đang được kiểm soát, việc số ca mắc tăng trong thời gian qua là hệ quả tất yếu khi chúng ta xác định chung sống an toàn cùng Covid-19, với việc nới lỏng đi lại của người dân. Bên cạnh đó, dù số ca mắc mới trên cả nước ở mức hơn 8.000 ca/ngày nhưng số ca bệnh này được trải rộng trên nhiều tỉnh, thành phố nên không gây quá tải cho hệ thống y tế ở các địa phương. Trong khi đó hệ thống y tế tại các địa phương đã được chuẩn bị kỹ lưỡng để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. Đồng thời, với tỷ lệ tiêm chủng tăng cao, người dân không nên quá hoang mang khi các ca nhiễm mới, các ổ dịch mới được phát hiện”.
BS Hà cũng nhấn mạnh, chúng ta có thể thả lỏng để đảm bảo phát triển kinh tế, sống an toàn cùng dịch Covid-19 nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc thả trôi các biện pháp phòng, chống dịch: “Đối với dịch bệnh có tính lây lan mạnh, diễn biến phức tạp như Covid-19, theo tôi, tỷ lệ tiêm vaccine 70% toàn dân vẫn chưa thể tạo ra được miễn dịch cộng đồng. Có thể phải ở mức trên 85% người dân được tiêm vaccine mới có thể yên tâm. Kinh nghiệm từ các nước khác trên thế giới cho thấy, kể cả khi tỷ lệ tiêm vaccine ở mức rất cao nhưng nếu lơ là phòng dịch, Covid-19 vẫn có thể bùng phát”.
Một vấn đề khác được cảnh báo, đó là tỷ lệ tiêm vaccine ở nước ta là tỷ lệ chung cả nước, trong đó, Hà Nội và TP HCM đã tiêm được cho phần lớn người trên 18 tuổi, nhưng cũng có nhiều địa phương tỷ lệ tiêm vaccine ở mức thấp. Nếu dịch bệnh bùng phát tại những địa phương này thì rất nguy hiểm, khi đó hệ thống y tế quá tải, số ca mắc và số người T* vong sẽ tăng cao. Bởi vậy, tại các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp, chính quyền và người dân vẫn cần nâng cao cảnh giác với dịch bệnh, các biện pháp truy vết, xét nghiệm, 5K vẫn cần thực hiện nghiêm túc.
“Chỉ khi nào tỷ lệ vaccine được trên 85% và Thu*c điều trị Covid-19 được phổ biến thì chúng ta mới có thể hoàn toàn yên tâm về khả năng chống chọi với SARS-CoV-2. Khi đó, số người mắc mới Covid-19 sẽ giảm, và nếu mắc sẽ được điều trị ngay từ khi chưa có triệu chứng bằng các Thu*c kháng virus, như cảm cúm. Còn hiện tại, người dân cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, không thể có tâm lý chủ quan, lơ là” – BS Hà nhấn mạnh.
PGS. TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội nhiễm khuẩn Hà Nội khuyến cáo, đối với vaccine phòng Covid-19, khả năng miễn dịch không cao khi mới chỉ tiêm mũi đầu tiên. Chỉ khi tiêm đủ 2 mũi, người dân mới có được khả năng miễn dịch. Bên cạnh đó, sau khi tiêm vaccine vẫn cần khoảng thời gian 1-2 tuần, cơ thể mới có thể sinh ra kháng thể để chống lại virus. Bởi vậy, nhiều người dân có tâm lý rằng tiêm vaccine xong là có thể yên tâm là hoàn toàn sai lầm và nguy hiểm.