cách đây 20 năm, ngày 4/5/2001, thủ tướng chính phủ đã ban hành quyết định số 72/2001/qđ-ttg về ngày gia đình việt nam. quyết định nêu rõ: lấy ngày 28/6 hàng năm là ngày gia đình việt nam, nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Qua nhiều thời kỳ phát triển, cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam có những thay đổi nhưng chức năng cơ bản của gia đình vẫn còn tồn tại và gia đình vẫn là một nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Các gia đình hạnh phúc, kinh tế phát triển mới tạo dựng nên một quốc gia văn minh, vững mạnh. Đây cũng là ngày để mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, xã hội quan tâm đến trẻ nhỏ và hoàn cảnh không có bố mẹ, các cặp vợ chồng phải hiểu được giá trị mái ấm và cùng nhau vượt qua sóng gió để có một gia đình hạnh phúc.
Ngày Gia đình Việt Nam không chỉ là dịp tôn vinh những mái ấm gia đình Việt, còn là cơ hội để mỗi thành viên thấu hiểu và biết quý trọng hạnh phúc mình đang có. Vào ngày này, các gia đình thường có nhiều cách khác nhau để bày tỏ tình cảm và gắn kết các thành viên trong gia đình như: Tặng nhau những món quà, cùng nấu một bữa cơm ấm cúng hay trao nhau lời chúc ý nghĩa. Thông qua các hoạt động này, phụ huynh cũng có cơ hội để giáo dục con em, các thế hệ sau về ý nghĩa, trách nhiệm đối với gia đình.
Hiện tại, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, có thể nhiều gia đình không có cơ hội sum họp cùng nhau trong ngày Gia đình Việt Nam 28/6 này do phải thực hiện các quy tắc phòng dịch. Nhưng không vì thế mà không có cách thể hiện tình thân gia đình nhân dịp đặc biệt này. Thời buổi công nghệ phát triển, mọi người có thể kết nối tốt được với nhau dù bất cứ nơi đâu. Như nhiều gia đình đã chọn gặp mặt nhau thông qua công cụ kết nối của mạng xã hội Facebook, Zalo..., Tại đây, các thành viên trong gia đình không chỉ trò chuyện mà còn có thấy đủ mặt các thành viên, kể cả các cháu nhỏ.
Ngược lại, nhịp sống chậm trong bối cảnh cả nước phòng, chống đại dịch Covid-19 thời gian qua cũng đã tạo cơ hội cho mọi gia đình có thêm nhiều thời gian, cơ hội để quây quần, sum họp, chia sẻ cùng nhau - điều mà nhiều người khó thực hiện được trong nhịp sống hối hả trước đây. Từ đó, nhiều giá trị văn hóa gia đình tốt đẹp có dịp được khơi gợi, củng cố, bồi đắp và phát huy mạnh mẽ.
Tiến sỹ Nguyễn Thị Phượng (Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam) có chia sẻ rằng, các hoạt động sinh hoạt trong gia đình, sự quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ ân cần chỉ bảo của ông bà, cha mẹ sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến thói quen, nề nếp, tác phong sinh hoạt của con cái.
Bên cạnh những yếu tố đạo đức, ứng xử trong giao tiếp thì tác phong sinh hoạt, thói quen trong hoạt động lao động sản xuất cũng đều trở thành những chuẩn mực mà gia đình tạo cho con cái từ nhỏ cho đến khi trưởng thành.
Gia đình luôn là hạt nhân, là tế bào của xã hội. Hạt nhân ấy, tế bào ấy có mạnh khỏe, có lành mạnh thì xã hội mới lành mạnh. Để xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, nhân văn hơn, bao dung hơn, việc phát huy các giá trị của văn hóa gia đình phải luôn được coi trọng và nâng cao hơn nữa. Nhất là trong giai đoạn hiện nay khi hệ giá trị gia đình Việt Nam đang chuyển đổi từ truyền thống sang hiện đại với một số giá trị, chuẩn mực bị thay đổi, mất đi, một số giá trị tuy giữ nguyên tên gọi nhưng nội hàm đã biến đổi.
| Vietjet tặng vé 0 đồng từ Hà Nội bay muôn nơi mừng Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 |
| Ngày Gia đình Việt Nam 28/6: Sống xanh giữa mùa đại dịch |
Chủ đề liên quan:
Ngày Gia đình Việt Nam