Bà bùi thị xuân, trú tại thôn thắng lộc, xã ngư lộc, huyện hậu lộc, (thanh hóa) về nhà đúng mùa vu lan. những ngày này, ở chợ làng biển diêm phố đã bày bán hoa huệ, hoa cúc và đồ vàng mã nhiều hơn thường nhật. giống như bà, nhiều người tha hương khác cũng về quê dịp này để đốt áo cho cha, chồng, con và những ngư dân khác đã rủi phận trong những chuyến ra khơi…
Đặt mớ hoa, vàng mã và cả một con tàu cá khá hiện đại được người ta khéo léo làm bằng nan giấy, có đủ buồm, neo, bộ đàm và đặc biệt nhiều phao cứu sinh xuống bậc thềm, rêu đã lấn vào quá nửa, bà bảo: “trần sao âm vậy. hi vọng ở dưới kia, ông ấy và các anh em, con cháu được bình an, độ trì cho những phận người còn đang phải gắn đời mưu sinh với sóng to, gió cả!” - giọng bà nặng trĩu, chất chứa nỗi niềm.
Tôi phải thuyết phục mãi bà mới đồng ý kể cho tôi nghe về quãng đời đau buồn mà đã lâu, bà không muốn gợi lại. nghề biển gắn với cuộc mưu sinh của người dân diêm phố tự lâu lắm. đời nối đời, đàn ông cứ qua tuổi 15 là cùng cha, chú theo luồng cá, lênh đênh từ vùng biển này, qua vùng biển khác, đàn bà ra bờ biển đứng ngóng chồng mỗi rạng ngày đã trở thành quy luật. tuổi cập kê, bà cũng bắt đầu cùng mẹ ra biển ngóng cha và chờ đợi cả bóng người trai trong làng hơn bà 1 tuổi về bến. mẹ nhìn bà thở dài hoang hoải, “lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm”! ngày ấy, bà chưa đủ lớn để hiểu hết những bất trắc của số phận dành cho đàn bà vùng biển, ẩn sâu trong câu nói có phần cay nghiệt như một lời nguyền ấy.
Một bữa cùng mẹ lên lễ đền Liên Hoa - nơi dân làng thờ gần 400 vong hồn là ngư dân của làng mất trong trận bão biển từ những năm 30 của thế kỷ trước. Ông thủ đền nhìn bà đang vào thì con gái, thở dài khuyên: “Con nên đi bỏ nốt ruồi son dưới mi mắt đi! Đời con gái rồi khổ đấy”- bà chả tin và quên bẵng ngay lời của ông thủ từ sau những cái nắm tay vội vàng của người trai làng mà bà thầm thương nhớ. Thêm một, hai cái Tết nữa, bà lập gia đình, rồi 4 đứa con “trứng gà trứng vịt” lần lượt nối nhau ra đời. Nhà có thêm nhiều miệng ăn, những chuyến đi khơi của chồng và các bạn nghề cứ dài thêm mãi. Nhưng đấy có lẽ là quãng thời gian đẹp và hạnh phúc nhất của đời bà. Như người ta vẫn thường nói, ngày vui thường qua mau. 34 tuổi, bà trở thành góa phụ.
Những người phụ nữ làng biển Diêm Phố.Bà còn nhớ như in, ngày 3/7/1996 - ngày thuyền cá của gia đình gặp nạn, nốt ruồi son dưới mi mắt trái của bà cứ giật liên hồi, bụng cồn cào như có người xát muối. Đem hoa quả lên đền thắp hương cầu may nhưng rồi cái điều tồi tệ nhất mà bà và nhiều người dân trong làng không chờ đợi đã đến. Cơn áp thấp nhiệt đới gần bờ đã đánh đắm hàng chục thuyền cá và khiến 57 ngư dân của làng Diêm Phố vĩnh viễn nằm lại giữa lòng biển khơi, trong đó có chồng bà và 2 thành viên khác trong gia đình. Buổi sáng ngày hôm sau, khi dáng người em chồng tả tơi, thất thểu bước từ tàu bạn lên bến, bà đã đổ sụp xuống bờ biển, lồng ngực như bị một bàn tay vô hình bóp nghẹt nhưng lạ là không thể nào khóc được, chỉ có sự trống rỗng, vô thức.
Giữa lúc cả vùng Diêm Phố trắng khăn tang, bà vẫn không tin rằng, chồng bà sẽ không về nữa. Gần 2 tháng sau, ngoài Nam Định thông báo tìm thấy nhiều thi thể dạt vào bờ biển, nhiều gia đình trong xã đã tất tả ra nhận diện người thân. Chính quyền xã Ngư Lộc, người thân động viên bà ra nhận dạng chồng nhưng bà cương quyết không đi. Nhiều gia đình không tìm thấy thân nhân đã lập mộ gió nhưng bà thì không vì bà còn khắc khoải hi vọng - hi vọng mong manh rằng một ngày nào đó, chồng bà lại sẽ trở về, tươi cười trên bến, dang tay đón bà và những đứa con như chưa từng có điều gì xảy ra.
Vào mỗi tuần trăng, sau khi các con đã ngủ say, bà lại một mình ra bờ biển ngồi bó gối, nhìn vô định vào biển đêm đến hừng đông mới lững thững ra về. Bà gọi tên chồng và chờ đợi - chờ đợi với những nỗi khao khát rất đàn bà đang gào thét, giằng xé từ trong sâu thẳm… nhưng đáp lại, chỉ có những con sóng như được dát bạc dưới trăng, đuổi nhau vỗ mãi vào bờ bãi. “Thôi, đừng khơi lại những ký ức đau thương ấy nữa. Niềm hi vọng cũng đã cũ và phai mờ theo thời gian. Giờ tôi đã chấp nhận sự thật rằng, kiếp này ông ấy đã vĩnh viễn không về với mẹ con tôi nữa!” - bà nói.
Hơn 25 năm - kể từ ngày cơn áp thấp nhiệt đới gần bờ nghiệt ngã khiến chồng bà và hơn 50 ngư dân khác của Diêm Phố vĩnh viễn nằm lại đâu đó trong lòng biển khơi mênh mông - qua đi như một tiếng thở dài. Bà Xuân không thể nào nhớ được, bằng cách nào mình đã nuôi nổi 4 đứa con và một bà cô bên nhà chồng, quanh năm bệnh tật. Với tay thắp nén hương lên ban thờ, bà kể: Ngày bi kịch ập xuống, điều thôi thúc bà phải tiếp tục sống là những đứa con còn đang ngơ ngác, chưa hiểu được biến cố khủng khiếp vừa xảy đến với đời chúng. Bằng mọi giá, bọn trẻ phải được đi học. Vì chỉ bằng con đường học hành, chúng mới có thể thoát khỏi nghiệp biển và giúp bà thôi phải chờ đợi trong lo âu, thấp thỏm mỗi khi gió mùa về.
Họ chờ đợi những chuyến tàu nặng cá về bến.Ngày ấy, để có tiền trang trải cho các con ăn học, bà xin vào làm nhân viên môi trường, thu gom rác thải của xã. Công việc này cũng giúp bà có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng vài trăm nghìn đồng. Rồi trong xã ai thuê gì bà làm nấy, miễn là lương thiện và có tiền. Nhưng rồi, 4 đứa con càng lớn, học lên cao hơn, đòi hỏi bà phải nỗ lực hơn nữa. Bà sắm thêm đôi sọt, buộc vào sau chiếc xe đạp cà tàng, đến các xã lân cận như Hoa Lộc, Minh Lộc mua các loại rau, hoa quả như: Chuối, ổi, na, xu hào... về bán ở chợ Diêm Phố. Nhiều người biết hoàn cảnh của bà đã không vội đòi thanh toán ngay tiền mua hàng mà cho bà nợ, đến khi nào bán được hàng sẽ đem trả sau. Nhiều bận, thấy bà không có tiền đóng học phí cho các con, ông Trưởng thôn đã phải chủ động cho bà vay tiền và trừ sau vào khoản lương môi trường mà bà nhận được hàng tháng.
Từ tinh mơ đến tối mịt, cứ như vậy một mình bà đánh vật với cuộc mưu sinh đằng đẵng. điều an ủi duy nhất với bà là cả 4 đứa con đều rất chăm ngoan và thương mẹ. vắng mẹ, đứa lớn bảo ban, chăm sóc đứa bé, tự giác ngồi vào bàn học khi đến giờ. “giữa những khó khăn ấy, có khi nào bà có ý định tái giá để tìm người cùng chia sẻ gánh nặng cuộc với mình?” - tôi bất chợt hỏi cắt ngang câu chuyện. “không, chưa bao giờ tôi nghĩ đến việc đi bước nữa. sẽ chẳng có ai có đủ can đảm để chia sẻ gánh nặng ấy với tôi đâu. hơn nữa, lúc ấy tôi còn chờ… nhỡ một ngày nào đó ông ấy trở về!” - giọng bà như hụt vào làn khói hương đang vẽ vào thinh không.
25 năm, sau những gồng gánh cơ cực, nay 4 đứa con của bà đều đã trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định. Dù kẻ Bắc, người Nam nhưng tất cả đều dành cho cho bà sự yêu thương, hiếu thuận. Cũng từ mấy năm trở lại đây, bà lên ở hẳn với anh con cả trên thành phố để tiện bề chăm cháu, vui tuổi già. “Giờ hai bên song thân cũng đã chu toàn nên mỗi tháng các cháu đưa tôi về quê 2 bận vào ngày tuần để thắp hương cho ông ấy và gia tiên. Nhiều khi nhớ quê lắm nhưng… thôi, để bọn trẻ yên lòng!”
Tôi rời làng biển diêm phố khi nắng chiều đã đổ bóng dài trên cảng cá. câu chuyện với người đàn bà góa làng biển đã dẫn tôi đi hết từ cung bậc cảm xúc này qua cung bậc khác. và đó là một câu chuyện có hậu khi cuộc đời đã trả lại cho bà những ngọt ngào sau nhiều đắng cay, giông bão. với tôi, bà và những người phụ nữ khác ở làng biển này - họ như những cây bần trước biển. mong manh nhưng cũng dẻo dai và tiềm tàng một khát vọng sống mãnh liệt đến phi thường trước sóng gió.