Kinh tế xã hội hôm nay

Người giao liên đã đi

ngót một vòng trái đấtÐại tá Nguyễn Viết Sinh, người lính bộ đội Cụ Hồ năm xưa được vinh dự nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang năm 1967

ngót một vòng trái đấtÐại tá Nguyễn Viết Sinh, người lính bộ đội Cụ Hồ năm xưa được vinh dự nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang năm 1967. Gần 50 năm trôi qua, niềm vui, lòng tự hào và những ký ức vẫn chưa bao giờ phôi pha ở ông. Hiện ông Sinh sống cùng vợ và các con ở xóm 10, xã Xuân Hòa (Nam Ðàn, Nghệ An).

Tất cả chung một ý chí

Cuối chiều một ngày xuân, chúng tôi đến tìm thì vị anh hùng đi tập thể dục cùng vợ là bà Đinh Thị Vân ở cánh đồng xóm 10. Hai ông bà vẫn giữ thói quen đó suốt nhiều năm nay, như là cách để giữ sức khỏe. Cũng là cách giúp ông Sinh nguôi nỗi nhớ những cung đường...

Là con của vùng đất anh hùng, năm 1961, chàng thanh niên Nguyễn Viết Sinh tròn 21 tuổi (sinh năm 1940) đã xin tòng quân. Ông được phân vào Tiểu đoàn 301, được chia thành 3 đại đội gồm (C2, C3 và C4) chuyên làm nhiệm vụ gùi, thồ hàng. Ông Sinh còn nhớ rất rõ, khi ấy Tiểu đoàn trưởng là ông Chu Đăng Chữ, ông Nguyễn Danh làm Chính trị viên. Cán bộ phổ biến: Thu hết giấy tờ, tiền bạc, tư trang vật dụng mang “nhãn hiệu” miền Bắc để đơn vị cất vào kho!

Vượt quãng đường dài, ông cùng đồng đội đến đóng quân tại làng Ho, xã Kim Thủy (Lệ Thủy - Quảng Bình). Nhiệm vụ của đơn vị là tải hàng vào chiến trường miền Nam. Vào những năm đó, quân ta vừa tiến vào Nam vừa mở đường, bởi vậy các phương tiện vận tải cơ giới không có. Lúc này, để vận chuyển súng đạn và thực phẩm tiếp viện cho miền Nam chỉ mỗi cách gùi hoặc thồ bằng sức người. Ông Sinh nhớ lại: “Chiến trường miền Nam ác liệt, kêu gọi từng giây từng phút, mọi chuyện rất cấp bách để đánh bại âm mưu của kẻ thù. Ngày đó còn có khẩu hiệu: “Một cân hàng là một đồng bào miền Nam đỡ đổ máu, một viên đạn là một kẻ thù”. Hay có các đợt phát động kiện tướng gùi hàng, chiến sĩ thi đua, chiến sĩ quyết thắng. Bởi thế nên công việc của người chiến sĩ càng gấp gáp hơn. Các chiến sĩ thi đua làm việc, lập công. Bởi thế nên trong mỗi năm vẫn có người được phong kiện tướng vì có thành tích xuất sắc trong thồ, gùi nhiều hàng. Bản thân tôi cũng nhiều lần được phong kiện tướng!”.

Không kể ngày đêm, chẳng xá gian lao vất vả và mưa bom đạn của kẻ thù, ông Sinh đã cùng đồng đội vận chuyển hàng nghìn chuyến hàng bằng hình thức gùi, thồ, vác, vận chuyển bằng thuyền... vào miền Nam. Mỗi ngày, số hàng trên lưng ông cứ nặng dần từ 45-50kg và có lúc cao điểm ông gùi được 75kg, nhiều hơn trọng lượng cơ thể ông lúc bấy giờ chừng 20kg. Đặc biệt là vào những năm 1965, ông đã mang được đến 70-80kg với quãng đường dài 20km. Tiểu đội ông có 9 chiến sĩ và ông chính là Tiểu đội trưởng nhưng năng suất làm việc bằng 12 người. Đó là không kể những khi đồng đội trong tiểu đội của ông bị sốt rét rừng hành hạ nhưng vẫn gắng gượng giải phóng nhanh hàng trên xe, nhằm tránh sự đánh phá của máy bay giặc. Những ngày mới bắt đầu gùi hàng, toàn thân ê ẩm đau, có lúc tưởng chừng không chịu nổi. Hai bên người ai cũng bị quai gùi thít chặt, tứa máu nhưng lâu dần thành những vết chai sần. Về quần áo thì lấm bụi, rách liên tục và suốt ngày ướt đẫm mồ hôi. “Cuối năm 1962, có chuyến đi của tôi 10 ngày, chiến tranh ác liệt quá, bị đói mất mấy ngày. May mắn sau đó được đồng bào cưu mang. Chuyến đi ngày đó không chỉ cần khỏe mà cần cả dẻo dai nữa. Dù có bị sốt, bị ốm chúng tôi vẫn cố gắng đi để cho kịp hành trình”, ông Sinh chia sẻ.

Ký ức một thời

Đến giờ, những ký ức trong tâm khảm ông Nguyễn Viết Sinh vẫn còn nguyên vẹn, như vừa mới hôm qua để thi thoảng ông vẫn ôn lại, giáo dục con cháu. Đồng thời, có điều kiện, ông vẫn về thăm lại chiến trường xưa và làm từ thiện. Ông Sinh nhớ rất rõ, mùa mưa năm 1962 khi đơn vị đang ở Hạ Lào. Mưa khủng khiếp, anh em hết thức ăn dự trữ, có gạo sau lưng đấy nhưng gạo của chiến trường, mình ăn, anh em trực tiếp cầm súng sẽ bị đói. Có những khoảng thời gian, cỡ hơn 10 ngày ròng rã, đơn vị ông chỉ ăn măng và rau rừng. Bụng réo, chân mỏi, vai đau nhưng vẫn sốt sắng làm nhiệm vụ. Ông Sinh hồi tưởng thêm, những cơn mưa rừng, nắng gắt từ đại ngàn Trường Sơn khiến công việc gùi, thồ hàng càng thêm khó khăn vất vả. Sau cơn mưa rừng, những cung đường lầy lội trơn trượt, những vách núi dựng đứng là nỗi ám ảnh của những người lính gùi, thồ hàng.

Song, vượt trên hết mọi khó khăn ông Sinh đã làm được những điều tưởng chừng không thể. Đó là bảng thành tích: Năm 1962: gùi 13.553kg hàng trên đoạn đường 10.196km; năm 1963: gùi 9.365kg hàng và khiêng 23 cáng thương; năm 1964: mang vác 11.445kg, thồ 8.230kg, khiêng 62 ca thương binh trên đoạn đường 10.982km... 5 năm trèo đèo lội suối, quãng đường ông đi đã ngót một vòng trái đất. Bảng thành tích vẻ vang đó, sau này ông vẫn tự hào nói lại cho con cháu nghe vào những chuyến cùng họ đi du lịch, ôn lại quá khứ.

Đến năm 1965, khi các phương tiện xe cơ giới bắt đầu thay dần sức người vận chuyển hàng vào miền Nam, nỗi vất vả thồ gùi hàng mới thuyên giảm. Năm 1966, đơn vị ông bị một đợt bom Mỹ oanh tạc, bị thương mất 9 người, 4 người đã hy sinh. Đợt đó, ông cũng bị thương. Đó là một ngày nằm trên võng nghỉ ngơi ít phút, ông Sinh bị bom bi xuyên phổi, phải phẫu thuật. 7 ngày sau kiểm tra lại vẫn thấy còn viên bi đang nằm trong người nên lại phải mổ tiếp. Cũng trong năm đó, ông được chuyển lên phụ trách kho huyện Mường Nòng (Lào). Chiến tranh ngày càng ác liệt, giặc liên tục oanh tạc nên rất khó khăn để tiếp cận những thương binh và đưa họ ra ngoài. Mùa khô 1966, nhiều đêm không được nghỉ, mà phải thức để bốc vác, chỉ ban ngày mới len lỏi vào rừng ăn và nghỉ ngơi. Nước thiếu, khô, lại phải tránh xa sông, suối vì sợ giặc thả bom, nên có tháng người bẩn thỉu, bụi bặm cũng chẳng dám tắm lấy một lần.

Với những nỗ lực vượt trên mọi chông gai, thử thách để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ngày 1/1/1967, Tiểu đội trưởng - Trung sĩ Nguyễn Viết Sinh đã vinh dự trở thành một trong ba người lính Trường Sơn đầu tiên được Bác Hồ ký quyết định công nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang và được ra Hà Nội báo cáo thành tích. “Vào năm 1968, tôi phục vụ ở trạm giao liên 10, có nhiệm vụ chuyển thương binh ra trạm B4, B5. Tôi nhớ rất rõ, có những thương binh được chuyển lên xe, đi được vài cây số thì bị bom giặc, nên hy sinh tất cả. Thật đau xót!”, ông Sinh hồi tưởng.

Hai vợ chồng trọn vẹn tình yêu nước

Qua câu chuyện của ông Sinh và sau đó bà Vân cũng hồi tưởng chuyện của hai ông bà. Bà Vân sinh năm 1947, cùng quê với ông Sinh. Cuối năm 1964, trong lần về phép ông đã gặp bà Vân ở xóm 5, xã Xuân Hòa. Hai người có tình cảm và từ đó viết thư cho nhau. Năm 1965, lòng sục sôi tình yêu nước, bà Vân đi Thanh niên xung phong và được người yêu ủng hộ nhiệt tình. Năm 1969, bà Vân về học ở Trường đại học Xây dựng (hệ dự bị). Cũng năm đó, ông Sinh về phép và xin cưới bà. Mấy năm sau bà Vân được giữ lại công tác tại trường. Ông Sinh vẫn tiếp tục con đường binh nghiệp, dốc lòng vì ngày toàn thắng.

Năm 1972, ông Sinh chuyển sang giao liên cơ giới, tiếp tục nhiệm vụ chuyển hàng, đạn vào Nam, đồng thời đưa thương binh ra vùng an toàn điều trị. Tháng 3/1975, ông được đơn vị cử ra Vĩnh Phúc học chính trị, nên không được tham gia trận đánh cuối cùng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. “Ấy thế nhưng, nghe tin từ đồng đội, lòng tôi vô cùng sung sướng”, ông Sinh bộc lộ. Sau ngày thống nhất đất nước, ông Sinh về công tác tại Đơn vị 185 - Binh đoàn 12

Không phải sớm, nhưng chưa là muộn, thật vinh dự, vào ngày 21/4/2012, đại diện Ban Tổ chức Chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn” phối hợp với Hội Cựu chiến binh tỉnh Nghệ An đã tổ chức lễ trao Bằng Kỷ lục Việt Nam cho Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Viết Sinh - “Người chiến sĩ giao liên Trường Sơn gùi thồ hàng và dẫn quân với đoạn đường dài nhất” - tương đương một vòng trái đất. Ông Sinh nói: “Điều đó là sự động viên, khích lệ rất lớn đối với tôi và gia đình. Vui hơn là đất nước ta đã thống nhất!”. Còn bà Vân chia sẻ: “Tôi không quan trọng ông ấy có được danh hiệu nào hay không. Tôi chỉ biết rằng ông ấy yêu tôi. Và trong chiến tranh, hai người đã trọn vẹn tình yêu nước, dốc sức cho các chiến dịch. Cả hai đều là thương binh, nay được sống bình yên nơi quê nhà, nhờ sống vui vẻ nên khỏe mạnh. Tôi chẳng mong muốn gì hơn, là giữ được sức để tiếp tục là chỗ dựa tinh thần cho con cháu. Còn sức khỏe, thì chúng tôi đi thăm bè bạn, đi du lịch, đồng thời có chia sẻ với bà con còn khó khăn”.

Ông Sinh nghỉ hưu năm 1990, với hàm Đại tá sau ngót 30 năm ròng gắn bó với đường Trường Sơn, gắn bó với Đoàn 559 từ thuở binh nhì. Trở về đời thường đúng thời điểm đời sống kinh tế - xã hội cực kỳ khó khăn, mà gia đình ông cũng không là ngoại lệ, người anh hùng quân đội lại bước vào cuộc chiến đấu mới, cam go chẳng kém những năm tháng gùi thồ vượt Trường Sơn. Lương hưu không đủ nuôi con ăn học, thế là ông xoay đủ, từ nuôi lợn, vịt, ốc cho đến ba ba... bất cứ con vật gì thiên hạ từng nuôi ông cũng đều thử sức cả. Rồi cuối cùng, ông bà cũng mãn nguyện, có đủ cháu nội, cháu ngoại. Nhiều năm trở lại đây, vào dịp 27/7 hay ngày 30/4, ông thường cùng bà Vân về thăm lại chiến trường xưa, nghĩa trang Trường Sơn và làm từ thiện. Ngày lễ 30/4/2015 tới, ông bà dự kiến đưa các cháu vào thắp hương, viếng các liệt sĩ ở nghĩa trang Trường Sơn. Ông Sinh bảo, đó là cách để giáo dục con cháu lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc và hiểu thêm lịch sử đất nước mình.

Anh hùng Nguyễn Viết Sinh dân giã, đời thường. Chẳng ai có thể ngờ, một người chiến sĩ không cao lớn, vậy mà có sự dẻo dai, sức khỏe và chinh phục biết bao cung đường gian nan. Phải chăng, sức mạnh của tinh thần yêu nước đã thấm nhuần những người con đất Việt giàu lòng yêu nước!

Suốt gần 5 năm gùi hàng, chuyển thương binh ra vùng ngoài bằng sức người, ông Sinh nói rằng mình không nghỉ ngày nào. Ông không nhớ rõ mình phải thay bao nhiêu đôi dép cao su, bao nhiêu đôi giày. Và để có được sức mạnh ấy, ngoài tình yêu nước là sức mạnh tập thể, ý chí căm thù giặc. Các đồng đội chúng tôi ngày đó đồng lòng, chung một ý chí tất cả cho tiền tuyến.

Bài, ảnh: Thụy Miên

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-nguoi-giao-lien-da-di-9759.html)

Chủ đề liên quan:

người giao liên

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY