Cầm trên tay chiếc điện thoại từ đời "Na - pô - lê - ông", anh Lê Chín hiện là công nhân xây dựng thời vụ cho một công trình trên địa bàn TP.Đà Nẵng) chăm chú đọc dòng tin: "TP.Đà Nẵng tổ chức đưa gần 1.700 du khách “mắc kẹt" về nhà" được đăng tải trên báo.
Người đàn ông với làn da cháy nắng thở dài, ngẫm lại phận mình, bản thân anh cũng mắc kẹt nơi tâm dịch Đà Nẵng nửa tháng nay với đủ khó khăn nơi ăn, chốn ở.
"Chẳng mong có máy bay đưa về nhà như du khách du lịch, chỉ xin một chuyến xe về nhà rồi chấp nhận cách ly theo quy định. Gọi là công nhân cho oai chứ mình là thợ hồ, quen cảnh nằm phản, ngủ lều rồi. Nhưng thực sự giờ những anh em như mình gặp nhiều khó khăn. Công việc thì dừng, suốt ngày nằm lê la ở võng", anh Chín tâm sự thật lòng.
Nghe đồng nghiệp nói, nhóm công nhân đang nằm trên chiếc võng bật dậy. Họ, 1, 2, 3, 4, 5,... người đều là những người đàn ông vốn là trụ cột của gia đình nay bỗng thấy mình bất lực biết bao.
"Chịu không nổi anh ơi! Em, mấy chú, mấy bác ở đây quen lao động rồi, không làm là tay chân bứt rứt lắm, nhưng nửa tháng nay bọn em nằm không đến mòn võng" - Trần Văn Quảng, một thanh niên vừa tròn đôi mươi nhanh nhảu.
Quảng cũng như anh Chín, hay tất cả mười mấy phận người ở trong cái lán xập xệ này nơi phía Tây Bắc TP.Đà Nẵng. Họ sinh ra ở huyện Lệ Thủy (Quảng Bình).
Ở quê nhà, họ là những người chồng, người cha nhưng vì cuộc sống mưu sinh mà đành xa gia đình vất vả bươn chải nơi xứ người những mong kiếm được đồng tiền công gửi về lo cho gia đình. Thế rồi, vì dịch bệnh, từ ngày 31/7, UBND TP.Đà Nẵng dừng mọi hoạt thi công công trình. Những con người xa quê hương này thành kẻ thất nghiệp. Tất nhiên, như lời Quảng nói, mình phải chấp hành vì dịch bệnh, vì trách nhiệm chung.
Nói là vậy, nhưng sâu thẳm trong ánh mắt, suy nghĩ của cậu trai 20 lộ rõ bao âu lo. Từ nơi ăn chốn ngủ cho đến quãng thời gian phía trước. Được mấy đồng tiền công thì Quảng đã gửi về nhà cho vợ con.
Ngày công trường dừng thi công, bà lao công "hậu cần" cũng biệt tăm luôn. Để chống chọi, những thanh niên choai choai như Quảng trở thành "anh nuôi" bất đắc dĩ. Bữa mì tôm, bữa cơm chiên, bữa canh rau, mặn nhạt, chua cay có đủ... Vui nhất là những hôm đoàn từ thiện đến trao những suất cơm nóng hổi.
Những tâm tư của Quảng có lẽ cũng là nỗi niềm chung của hàng ngàn lao động, công nhân xây dựng xa xứ ở TP.Đà Nẵng những ngày này.
Theo chân chị Hoàng Mai - nữ tình nguyện viên từ thiện người Quảng Bình tại TP.Đà Nẵng, PV mới thấy hết những khó khăn mà những người lao động này gặp phải. Tại các lán trại công trình phía Tây Bắc TP.Đà Nẵng... luôn tập trung một số lượng lớn lao động. Những cái lán được dựng tạm bợ bằng gỗ, trên che bạt, xập xệ. Có trường hợp, họ phải túm tụm nhau nhau lại dưới góc chân cầu. Công trình dừng thi công, họ chỉ biết quanh quẩn tại công trường, nằm trong lán.
Theo chị Mai, dịch bệnh bùng phát ảnh hưởng rất lớn đến những người Quảng Bình nói riêng và các địa phương trên cả nước nói chung. Đặc biệt là những người Quảng Bình xa quê hương ở tâm dịch TP.Đà Nẵng, nhất là bộ phận sinh viên, công nhân... nên chị đã vận động, hỗ trợ các mạnh thường quân đến trực tiếp nơi ở các lán trại công nhân.
Hầu hết họ là những lao động chính trong nhà, đi làm xa để cải thiện cuộc sống nhưng nay gặp dịch không về quê được, ở lại không có công việc, tiền và lương thực rất hạn chế và khó khăn. "Hiện tại, hoàn cảnh các chú rất khó khăn và có mong muốn được về quê", chị Mai chia sẻ.
Một cán bộ quản lý công trình ở TP.Đà Nẵng cho biết, hiện, có gần 20 công nhân đang làm việc cho ông "mắc kẹt" lại vì ảnh hưởng của dịch. "Bên mình đảm bảo cho đời sống anh em vì mình nuôi quân dài hạn. Nhưng có một số nơi họ làm thời vụ nên gặp nhiều vất vả trong điều kiện không làm việc, không về nhà được như hiện tại. Tiền lương không có, chỗ ăn ở thì tạm bợ nên họ rất khổ", anh nói.
Là người từng có nhiều năm "ăn dầm ở dề" với bộ phận công nhân xây dựng, ông Nguyễn Văn Châu - Phó Tổng Giám đốc công ty Xây dựng DACINCO - lộ rõ những trăn trở khi nghe PV hỏi về đời sống công nhân công ty thời điểm hiện tại.
Theo ông Châu, là đơn vị lớn, uy tín nên công ty của ông đã thực hiện công tác phòng, chống dịch cũng như đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần rất tốt cho bộ phận công nhân. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều điều phải làm trong thời điểm hiện nay. Đó là, các cơ quan chức năng ngoài việc cùng với các chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng đảm bảo nhu cầu ăn ở cho công nhân thì cũng nên tính đến phương án phân loại các công trình xây dựng để cho phép thi công trở lại các công trình phù hợp, đảm bảo.
"Có nhiều công trình như dạng công trình xây dựng cơ bản có số lượng công nhân thi công ít, chủ yếu là công nhân vận hành máy móc nên cho phép hoạt động trở lại. Chứ thực tế cho công nhân nghỉ cả, họ túm tụm trong lán lại thêm nhiều chuyện", ông Châu kiến nghị.
Trả lời PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Lê Tùng Lâm - Giám đốc sở Xây dựng TP.Đà Nẵng - cho biết, đơn vị vừa nhận được chỉ đạo từ UBND TP.Đà Nẵng chủ trì, phối hợp với sở LĐ-TB&XH, sở Y tế, UBND các quận, huyện và các cơ quan liên quan làm việc với tất cả các nhà thầu, chủ đầu tư, chủ sử dụng lao động các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố đang dừng thi công để phòng, chống dịch có trách nhiệm hỗ trợ điều kiện ăn, ở.
Đặc biệt, các cơ quan chức năng sẽ đưa người lao động về quê nếu họ có nhu cầu. Kiên quyết, không để tình trạng người lao động ở lại các công trình, lán trại, không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, dễ lây lan dịch bệnh.
"Trước đây, UBND các quận, huyện quản lý vấn đề này. UBND thành phố mới giao Sở hôm qua. Chiều 13/8, cán bộ Sở bắt tay vào việc. Hiện, vẫn chưa có con số thống kê về số lượng lao động này", ông Lâm nói.
Ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng - thông tin, UBND thành phố đã chỉ đạo sở Xây dựng làm việc với các nhà thầu để các đơn vị này có trách nhiệm với công nhân. Chính quyền cũng sẽ hỗ trợ xét nghiệm, các nhu cầu về y tế... |
NguồnNgười đưa tin Pháp luật
Link bàigốc
Copy link
Chủ đề liên quan: