Dưới triều Nguyễn, rồi qua thời Pháp thuộc, hàng ngàn chí sĩ yêu nước, chiến sĩ cách mạng đã bị giam cầm tại đây, song gông cùm chế độ phong kiến, thực dân dường như chỉ càng tôi rèn thêm ý chí, bản lĩnh trung kiên, ngời sáng khí tiết một lòng vì dân, vì nước.
Chúng tôi mang máng đoán định như vậy về nhà lao Vinh, khi đặt trong phép so sánh về thời điểm ra đời với nhiều nhà lao, nhà tù “nổi tiếng” khác trong cả nước. Thì đây, nhà tù Côn Đảo được Thống đốc Nam Kỳ Bonard ký quyết định thành lập năm 1862; nhà tù Hỏa Lò được xây dựng năm 1896; nhà lao Thừa Phủ có từ năm 1899… Còn những “thế hệ” nhà tù “sinh sau đẻ muộn” như nhà tù Lao Bảo xây dựng năm 1908; nhà đày Buôn Ma Thuột xây dựng trong những năm 1930 - 1931; khám Chí Hòa xây dựng năm 1943, nhà tù Phú Quốc xây dựng từ năm 1967…
Toàn cảnh thành Nghệ An được xây dựng năm 1804. Nhà lao Vinh là công trình nằm trong quần thể này. Ảnh tư liệu
Nếu chiếu theo số liệu này, thì nhà lao Vinh được xây dựng từ năm 1804 có thể được xem là (một trong những) nhà tù lâu đời nhất Việt Nam? Dĩ nhiên, cái “danh hiệu” ấy, dù đúng hay không, khi được “trao” cho nhà lao Vinh cũng chẳng phải là niềm vinh dự gì. Trái lại, nó lại càng khắc sâu thêm tội ác của chế độ phong kiến - thực dân khi áp dụng những đòn thù tra tấn dã man lên người dân yêu nước, chiến sĩ cách mạng.
Nhằm có được một hình dung tương đối về nhà lao Vinh cách đây 140 năm, chúng tôi đã tìm đến nhiều nhà nghiên cứu và nguồn sử liệu. Đặc biệt trong số đó, chúng tôi may mắn được tiếp cận với bản tường thuật gốc của một cựu tù chính trị tại nhà lao Vinh - cụ Đặng Quang Minh. Bản tường thuật được cụ viết năm 1995, đây cũng là một trong nhiều nguồn tài liệu tham khảo quý giá để đến năm 2005, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy biên soạn cuốn “Nhà lao Vinh”.
Hình thể chung của nhà lao Vinh được ghi chép lại như sau: Nhà lao nằm trong khu vực thành cổ Nghệ An, phía Tây giáp Cửa Hữu, phía Đông giáp trại lính, phía Bắc giáp hồ và bờ thành, phía Nam giáp con đường cắt ngang thành, nó nối từ Cửa Tả sang Cửa Hữu và đối diện với Hành Cung. Toàn khu nhà lao dài 150m, rộng 130m, tức 19.500 m2 diện tích, chiếm trên 4,6% bề mặt toàn thành. Nhà lao được rào quanh kín mít bằng 4 bức tường cao 3m, dày 0,4m. Mỗi góc tường có một bốt gác, trên tường cắm nhiều mảnh chai.
Dưới thời thực dân Pháp, chúng dùng những phương tiện tối tân hơn để tăng cường, củng cố thêm cho nhà lao Vinh. Trong khu vực nhà lao có nhiều ngôi nhà được xếp thành từng dãy, mà phần chính dành cho tù nhân là 6 ngôi nhà giam, mỗi nhà dài 20m, rộng 5,2m, có 2 cánh cửa sắt to nặng. 6 nhà giam có 12 phòng, trong mỗi phòng đều thiết kế chỗ đặt cùm chân tù nhân, từng phòng lại có cửa sắt rất dày.
Bốt gác còn lại của nhà lao Vinh trên đường Đào Tấn. Ảnh: Phước Anh
Hệ thống các phòng giam được gọi theo thứ tự từ phải qua trái và phân ra từng “chức năng”: Nhất Đông, Nhất Tây giam phụ nữ; Tam Đông, Tam Tây, Tứ Đông, Tứ Tây giam những người bị án kinh tế; các phòng khác thì giam những người bị kết tội là chống lại triều đình và nhà nước bảo hộ… Phòng Nhị Đông, Nhị Tây và các phòng giam cầm cố là khu vực riêng biệt có 2 bức tường ngăn cao 3m dùng để giam tù chính trị… Việc sinh hoạt, ăn uống của tù nhân tồi tệ vô cùng: gạo mốc, mắm dòi, cá thối…
Nhà lao Vinh còn như “địa ngục trần gian” bởi hàng loạt đòn tra tấn, bức cung dã man, tàn bạo đối với tù nhân chính trị.
Đặc biệt, với tù nhân chính trị, nhà lao Vinh còn như “địa ngục trần gian” bởi hàng loạt đòn tra tấn, bức cung dã man, tàn bạo của tụi cai tù. Các loại roi cao su, vặn thừng, roi gân bò, dùi cui, roi xương cá sấu thay nhau đánh túi bụi lên người tù nhân; chúng còn dí điện, dùng đèn cồn đốt 10 ngón tay, lấy mâm đồng đốt nóng đỏ rồi bắt tù nhân ngồi lên, bắt quỳ phơi dưới nắng trên tổ kiến lửa, thả rắn rết chui vào người…
Hình ảnh những chiến sĩ cách mạng kiên trung bị giam cầm trong nhà lao Vinh. Ảnh: Phước Anh
Bị đánh biến dạng trước mặt cha - "Hãy cứng rắn lên con!"Hồi ký của những cựu tù chính trị và hồ sơ mật thám Pháp còn ghi rõ những câu chuyện “thử lửa” áp dụng lên những người cầm đầu phong trào. Điển hình như đồng chí Lê Viết Thuật - Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ (1931), khi mọi đòn tra tấn dã man không thể lay chuyển tinh thần, bọn mật thám đã hèn hạ bắt người cha của đồng chí là thầy giáo Lê Viết Hiến vào nhà lao Vinh để nhận mặt con. Chúng dùng cực hình cả 2 cha con trước mặt nhau, song không như ý nguyện của chúng, đứng trước người con trai bị đánh đến biến dạng, thầy giáo Lê Viết Hiến đã nén thương đau, mở mắt thật to nhìn chằm chằm vào mắt con trai: “Hãy cứng rắn lên con! Đừng mềm lòng để mắc mưu kẻ địch”… Câu chuyện được truyền khắp các phòng giam, trở thành bài học nêu gương cho mọi tù chính trị và quần chúng cách mạng bị giam cầm tại nhà lao Vinh suốt nhiều năm. |
Bài thơ cổ động tinh thần do tù chính trị sáng tác trong nhà lao Vinh. Ảnh: Phước Anh
Bất chấp đòn thù trong tù ngục, những sỹ phu yêu nước, các chiến sĩ cộng sản và quần chúng cách mạng đều thể hiện ý chí kiên định về lý tưởng và con đường đấu tranh đã chọn. Nhà lao Vinh là nơi từng giam giữ nhiều thế hệ tù chính trị từ phong trào Văn Thân, Cần Vương đến Cách mạng tháng Tám năm 1945 như cụ Nghè Nguyễn Xuân Ôn, ông Nguyễn Sinh Khiêm, bà Nguyễn Thị Thanh, bà Lụa Trần Thị Trâm, Tôn Quang Phiệt, Nguyễn Phong Sắc, Lê Hồng Phong, Lê Viết Thuật, Siêu Hải, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Duy Trinh…
Trong vô số cuộc tra tấn dã man, sự sống và cái ch*t chỉ là ranh giới rất đỗi mong manh, song họ “thà ch*t vinh còn hơn sống nhục”, không bao giờ phản bội nhân dân, phản bội Đảng và thành quả cách mạng.
Khu vực tượng mô phỏng buồng giam tù chính trị tại nhà lao Vinh. Ảnh: Phước Anh
Công tác binh vận hiệu quả đến mức nhiều binh lính cai tù đã trở thành người giúp đỡ, bố trí vượt ngục cho các đồng chí trở về với phong trào.
Điều ít người biết đến là ngay trong cuộc sống lao tù nghiệt ngã ấy, từ tháng 6/1930, Chi bộ Đảng cộng sản tại nhà lao Vinh được thành lập do đồng chí Hoàng Trọng Trì làm bí thư chi bộ. Hoạt động của chi bộ có tác dụng củng cố niềm tin cho tù chính trị, lãnh đạo các cuộc đấu tranh chống chế độ dã man của thực dân Pháp và phong kiến Nam triều.
Đặc biệt, các đảng viên cốt cán trong chi bộ còn là những hạt nhân cảm hóa, giác ngộ tù thường phạm, tuyên truyền, lôi kéo binh lính đứng về phía cách mạng. Trong lao tù, các đảng viên còn dạy chữ cho tù nhân, làm thơ cổ động tinh thần… Công tác binh vận hiệu quả đến mức nhiều binh lính cai tù đã trở thành người giúp đỡ, bố trí vượt ngục cho các đồng chí trở về với phong trào.
Tồn tại 140 năm (1804 - 1945), nhà lao Vinh là chứng tích tội ác phong kiến - thực dân; đồng thời là biểu tượng của tinh thần, khí tiết cách mạng kiên trung. Qua thời gian và biến động lịch sử, hiện nay nhà lao Vinh chỉ còn lại duy nhất 1 phần bốt gác; trong khuôn viên Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh - vị trí nhà lao Vinh năm xưa, một khu vực tượng đài tưởng niệm đã được dựng lên. Trong bảo tàng cũng còn lưu lại rất nhiều tài liệu, hiện vật, câu chuyện cảm động về tù chính trị tại nhà lao Vinh, mà mỗi câu chuyện đều là một bài học chân thực, sinh động cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Đài tưởng niệm nhà lao Vinh tại khuôn viên Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh. Hai ảnh dưới: Trên đài tưởng niệm khắc dòng chữ thể hiện khí tiết kiên trung của những người cộng sản; Phù điêu minh họa hình ảnh đấu tranh bất khuất của chiến sĩ cách mạng, quần chúng yêu nước trong nhà lao Vinh. Ảnh: Phước Anh
Nguồnbaonghean.vn
Link bàigốc
Copy linkhttps://baonghean.vn/nha-lao-vinh-ven-man-bi-mat-ve-chon-dia-nguc-tran-gian-251822.html
Chủ đề liên quan: