Nhà nghiên cứu văn hóa, nhà văn, nhà ngôn ngữ, dịch giả Phan Ngọc vừa qua đời tối 26.8. Ông được coi là nhà bách khoa cuối cùng của thế hệ tri thức Việt Nam dưới thời Pháp thuộc.
Ông Phan Ngọc sinh năm 1925, nguyên quán Nghệ An. Ông được GS Đào Duy Anh đưa lên Việt Bắc làm việc năm 1950, sau đó được GS Trần Đức Thảo đưa về Trường đại học Sư phạm Hà Nội và Trường đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1955. Từ 1980, ông làm việc tại Viện Đông Nam Á cho tới lúc nghỉ hưu.
Ông Phan Ngọc là một dịch giả biết nhiều ngoại ngữ. Ông từng dịch bộ Triết học Hegel từ tiếng Đức sang tiếng Việt. Bên cạnh đó, ông cũng dịch Chiến tranh và hoà bình từ nguyên bản tiếng Nga (dịch chung với Cao Xuân Huy, Cao Xuân Hạo và Thiếu Sơn); Sử ký Tư Mã Thiên, Thơ Đỗ Phủ... từ nguyên bản tiếng Hán; Shakespeare từ nguyên bản tiếng Anh.
Ông cũng xuất bản Từ điển Anh - Việt hơn 100.000 từ và sau đó soạn tiếp Từ điển Việt - Anh với số từ tương đương.
Ông cũng là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu. Công trình Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều và Văn hóa Việt Nam một cách tiếp cận mới của ông đã được trao Giải thưởng Nhà nước ngay đợt đầu tiên 2001. Ông còn có các công trình nghiên cứu khác như: Bản sắc Văn hóa Việt Nam, Văn hóa Việt Nam tiếp xúc với Pháp, Thức nhận về Văn hóa Việt Nam, Thi Thánh Đỗ Phủ và một nghìn bài thơ…
Về ông, PGS - TS Đỗ Lai Thúy từng viết: “Phan Ngọc là một nhà khoa học đồng thời là một nhà tư tưởng. Và có lẽ, ông ham trở thành một nhà tư tưởng hơn, thậm chí một nhà lập thuyết… Phan Ngọc là người muốn lắp ghép (hay dung hóa) những thành tựu khoa học của phương Tây và triết học phương Đông, chủ yếu là Khổng giáo và chủ nghĩa Marx”.