Số nước thải này đang được chứa trong các thùng đặt ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima vốn đã dừng hoạt động sau thảm họa kép động đất-sóng thần năm 2011.
Việc xử lý nước thải từ Nhà máy Daiichi ở Fukushima bị tàn phá sau thảm họa động đất, sóng thần cách đây 10 năm là một vấn đề nan giải của Nhật Bản.
"Chính phủ Nhật Bản đã tổng hợp các chính sách cơ bản về việc xả nước đã xử lý ra đại dương, sau khi đảm bảo mức an toàn của nước", Hãng tin AFP dẫn lời Thủ tướng Yoshihide Suga nói ngày 13/4 trong cuộc họp với nội các, nhấn mạnh rằng xử lý số nước thải này là một việc không thể né tránh.
Hơn 1,2 triệu tấn nước đang chứa trong các bồn lớn tại Nhà máy Daiichi, gồm nước dùng để làm mát trong nhà máy, nước mưa và nước ngầm. Tokyo vẫn đang lọc nước từ nhà máy mỗi ngày.
Theo Chính phủ Nhật, số nước này đã được xử lý loại bỏ hầu hết phóng xạ như strontium, cesium, nhưng vẫn còn tritium vốn ít gây hại hơn ở nồng độ thấp, và làm loãng theo quy chuẩn quốc tế.
Tokyo cho biết Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế đánh giá việc xả thải này cũng tương tự tại các cơ sở hạt nhân khác trên thế giới.
Dự kiến việc xả nước sẽ bắt đầu trong 2 năm tới và toàn bộ quá trình có thể kéo dài hàng thập kỷ.
Tuy nhiên, việc xả nước vấp phải sự phản đối từ các cộng đồng đánh bắt cá ở Nhật Bản cũng như lo ngại từ các nước láng giềng như Trung Quốc, Hàn Quốc.
Chủ đề liên quan:
Nhật sẽ xả 1 triệu tấn nước thải hạt nhân