Ngắm ngẫm nghĩ hôm nay

Nhiều lần ngã sõng soài trên dốc núi đầy bùn đất, nữ giáo viên 9X xinh đẹp vẫn quyết tâm cõng chữ lên vùng cao, bám bản dạy học

Dù gặp không ít khó khăn trong quá trình di chuyển, điều kiện sống thiếu thốn nhưng cô giáo trẻ vẫn kiên trì tới điểm trường dạy học với một tình yêu thương bao la và nhiệt huyết.

Những ngày gần cuối tháng 9, mưa lớn ở khu vực tây bắc bất ngờ biến nhiều cung đường vùng cao bình thường đã cheo leo nay lại càng thêm gập ghềnh, dốc núi lầy lội, trơn trượt hơn bao giờ hết. vậy mà các thầy cô giáo không hề quản ngại vất vả, vẫn âm thầm băng rừng vượt suối đến điểm trường được giao để kịp giờ lên lớp.

cuộc sống khó khăn thiếu thốn, thậm chí phải di chuyển hàng chục cây số mới tới điểm dạy học, rồi vào từng nhà dân vận động con em đến trường,... nhưng các giáo viên vùng cao đang cố gắng từng ngày. đó chắc chắn là những hình ảnh cao cả, rạo rực tình yêu nghề, yêu học trò, họ không chỉ "cõng" từng con chữ, cõng bàn ghế lên bản mà còn hy sinh hạnh phúc cá nhân với mong muốn tạo điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh.

Những cung đường cheo leo, gập ghềnh, khó khăn vô cùng đối với các thầy cô bám bản dạy học.

Liên hệ với chủ nhân của loạt ảnh, cô giáo có tên Diệu Linh, sinh năm 1998, hiện đang công tác tại trường Mầm non Bình Minh, xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái. Theo chia sẻ của cô Linh, hình ảnh trên được chụp vào một buổi sáng thứ 2 đầu tuần khi cô trên đường di chuyển từ nhà đến điểm trường dạy học. "Tình trạng này không còn mấy xa lạ bởi hễ trời mưa là đường khó đi hơn rất nhiều. Lúc đó mình tủi thân lắm, đường trơn trượt nên ngã lên ngã xuống, chẳng biết làm thế nào cứ ngồi cầm điện thoại gọi cho mẹ khóc, chỉ muốn về nhà. Nhưng nghĩ lại, giờ về cũng không được, đã cố thì cố cho trót nên đành cố gồng mình dựng xe lên, dắt đi tiếp, đi mãi rồi cũng đến."

Động lực dạy học lớn nhất của cô giáo 9x là chính nhờ gia đình và các em học sinh ở vùng cao. chấp nhận từ bỏ ánh đèn thành phố, gắn bó với học trò miền núi, chẳng ngại những bữa cơm thiếu thịt thiếu cá, những giấc ngủ trằn trọc âu lo,... thầy cô sẵn sàng đánh đổi cả tuổi thanh xuân để bám bản, bám trường với tâm nguyện đưa ánh sáng tương lai đến với các em nhỏ dân tộc thiểu số. đó là hành động của những con người thực sự mạnh mẽ, nhiệt huyết và có một tình yêu thương bao la.

cuộc sống khó khăn thiếu thốn, phải di chuyển hàng chục cây số mới tới điểm dạy học nhưng các giáo viên vùng cao vẫn không ngừng cố gắng.

Cô Diệu Linh đã đi làm được 2 năm, hiện đang phụ trách điểm trường xa nhất của xã, có 25 em học sinh mầm non. Mỗi lần di chuyển từ nhà đến trường tầm khoảng 40km, một nửa quãng đường đó là đường đất. Cho nên khi đi hết đường bê tông, cô phải lắp xích tự chế vào bánh xe mới có thể tiếp tục vượt qua những con dốc đầy bùn đất, lầy lội. Hành trình này bắt đầu từ 5 rưỡi tới tận 9 giờ sáng, quả thực không hề dễ dàng. Nếu may mắn gặp người dân sống quanh bản, họ cũng sẵn sàng giúp đỡ nhiệt tình.

Cuộc sống của các thầy cô và học sinh nơi đây hết sức khó khăn, cô giáo phải tự túc nấu cơm bằng bếp củi, điện nước lúc có lúc không. May sao vẫn bắt được sóng điện thoại và có một bóng điện thắp sáng. Thường thì cô Linh ở bản dạy học, đến cuối tuần mới tranh thủ về nhà thăm bố mẹ, bạn bè hoặc tham gia những chuyến thiện nguyện cùng địa phương.

Cô giáo trẻ tâm sự: "mình sinh ra và lớn lên tại huyện vùng cao, bản thân hiểu được cuộc sống khó khăn của trẻ em ở đây nên mình rất yêu thương chúng. thêm nữa phía gia đình mong muốn mình được vào biên chế luôn, bố mẹ khuyên làm giáo viên vừa có công việc ổn định lại gần nhà, mình thấy hợp lý vì vậy đã đồng ý. ban đầu mình hy vọng sẽ tìm một ngôi trường ở gần, chưa bao giờ nghĩ đi làm xa khó khăn vậy. lúc nhận trường cũng khóc hết nước mắt, rồi khi ngã xe một mình trong rừng chẳng biết kêu ai; từng có ý định từ bỏ bởi cảm thấy không thể tiếp tục nhưng đi mãi rồi thành quen, suy cho cùng, cái nghề chọn mình chứ đâu phải mình chọn nghề nữa!"

Cô giáo 9x xinh đẹp và những câu chuyện vô cùng nể phục.

Qua nhận xét của cô giáo, các em nhỏ ở trường Mầm non Bình Minh, xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái rất ngoan ngoãn, biết nghe lời. Tuy nhiên vì các em đa số là người dân tộc nên đôi khi cô và trò hay gặp khó khăn trong vấn đề ngôn ngữ giao tiếp. Còn bạn bè đồng nghiệp thì cực thân thiện, luôn giúp đỡ quan tâm nhau, trao đổi nhiều kiến thức chuyên môn nghiệp vụ.

"Hằng ngày mình tới lớp đón trẻ, có em mấy ngày không được tắm rửa nên mình đun nước vệ sinh cá nhân cho học sinh rồi mới bắt đầu dạy học. Buổi trưa, các em ăn uống xong, mình lại dọn dẹp, sắp xếp để học sinh ngủ rồi mới đi nấu ăn, sau đó tranh thủ làm đồ dùng, đồ chơi trang trí lớp học. Tới 4 giờ chiều tan học, mình chủ động nấu cơm, tắm giặt thật nhanh còn đi phổ cập xem có hộ nào mới sinh hay chuyển đi chuyển đến không. Hồi đầu tiên mình bị stress vì nghe tiếng học sinh khóc, đến đêm ngủ còn ám ảnh. Thế mà cứ như vậy, ngoảnh đi ngoảnh lại cũng được hai năm trời rồi, mọi thứ đều dần ổn định và đi vào quỹ đạo hoạt động của nó. Hiện tại mình chỉ hy vọng có thêm đồng nghiệp nữa để đỡ đần nhau lúc ốm đau, khó khăn.", cô Linh kể.

Có lẽ động lực to lớn nhất khiến các thầy cô càng thêm cố gắng chính là lòng yêu nghề, mến trẻ.

Ảnh: Nhân vật cung cấp

Diệu Thu

Mạng Y Tế
Nguồn: CafeBiz (https://cafebiz.vn/nhieu-lan-nga-song-soai-tren-doc-nui-day-bun-dat-nu-giao-vien-9x-xinh-dep-van-quyet-tam-cong-chu-len-vung-cao-bam-ban-day-hoc-20200925154602818.chn)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY