Vào tháng qua, nhà dịch tễ học Hendrik Streeck thuộc đại học Bonn tiến hành nghiên cứu tại thị trấn Heinsberg (tâm dịch của Đức). Nghiên cứu ghi nhận 14% trong tổng số 500 trường hợp xét nghiệm có kháng thể chống SARS-CoV-2. Từ đây ông rút ra kết luận, “có thể 15% dân số Heinsberg không bị tái nhiễm nữa, quá trình đạt miễn dịch cộng đồng đã bắt đầu”.
Không tin tưởng kết luận trên, chuyên gia vi rút Christian Drosten thuộc đại học Charité (Berlin) lưu ý đến khả năng kháng thể mà xét nghiệm phát hiện là kháng thể cúm mùa, không phải kháng thể SARS-CoV-2.
Vài nghiên cứu kháng thể khác cũng hứng chịu hoài nghi tương tự. Hai học giả Jayanta Bhattacharya cùng Eran Bendavid thuộc đại học Stanford xác định khoảng 48.000 - 81.000 người ở thành phố Santa Clara (California) vào đầu tháng 4 đã mắc COVID-19 - cao gấp 50 đến 85 lần con số chính thức.
Tuần trước, đại học Nam California xác định 221.000 - 442.00 người ở Los Angeles mắc bệnh sau khi phát hiện kháng thể ở 4,1% người trưởng thành. Con số công bố chính thức chỉ có 8.000.
Giới chuyên gia chỉ trích nghiên cứu của đại học Stanford vì nhiều vấn đề: tuyển người tham gia thông qua Facebook thu hút đối tượng có triệu chứng giống như mắc COVID-19 và chỉ muốn được xét nghiệm, có rất ít người tham gia thuộc nhóm dân số thiểu số hay thu nhập thấp, khả năng “dương tính giả” (phát hiện kháng thể cúm mùa), phương pháp kiểm soát sai lệch.
Tại Hà Lan, chuyên gia vi rút Hans Zaaijer thuộc ngân hàng máu Sanquin tìm thấy kháng thể trong 3% dân số. Tuy nhiên, ông khuyến cáo như vậy chưa đủ tạo nên miễn dịch cộng đồng.
Hai nhà bệnh lý học John Iafrate cùng Vivek Naranbhai thuộc bệnh viện Đa khoa Massachusetts lấy mẫu ngẫu nhiên 200 người đi bộ ở thành phố Chelsea, 31,5% trong số này có kháng thể COVID-19. Họ thừa nhận kết quả này không đại diện cho toàn thành phố, có thể là “dương tính giả”, và có kháng thể chưa chắc miễn dịch với SARS-CoV-2.