“vâng, đúng vậy, nhờ có mẹ mà chúng ta có mặt ở cõi đời này. chỉ riêng điều đó thôi chúng ta đã thấy biết ơn mẹ”, nhà văn - họa sĩ trần thị trường chia sẻ.
Thưa bà, bà có thể chia sẻ về mẹ của bà, những ký ức tuổi thơ đẹp mà bà thường nhớ về?
- Mẹ tôi rời xa chúng tôi về với tổ tiên ở tuổi 87. Sinh thời, bà là người hay nói hay làm. Rất chịu khó. Thương chồng, thương con. Cha tôi mất sớm, mẹ tôi dồn tất cả tình cảm vào con, rồi đến cháu. Mẹ tôi đúng như câu thơ: “Chỗ ướt mẹ nằm, miếng ngon nhường con”. Khi tôi đã lớn, làm việc ở nước ngoài sống đầy đủ, vậy mà chỉ lỡ miệng nói, nhớ món ăn Việt Nam, mẹ tôi kỳ công thuê thợ gò, gò hai cái hộp inox đựng ruốc và mắm gửi sang cho tôi. Nhận được, tôi đã khóc mấy ngày. Chỉ riêng tiền gò hai cái hộp đã tốn tiền của mẹ. Chưa kể mẹ phải mất bao nhiêu để nhờ được người ta mang tận sang Sofia (Bulgaria) cho tôi.
Mẹ của bà đã mang tình yêu thương và bình an đến với gia đình, là hậu phương của chồng và dạy dỗ chăm sóc con cái ra sao?
- Hồi bố tôi đi dân công Điện Biên Phủ, mẹ tôi ở nhà nuôi những đứa con (ở Tuyên Quang - nơi gia đình sơ tán từ Hà Nội) bằng nghề xay lúa, giã gạo và may thuê cho hợp tác xã. Tôi không hiểu làm thế nào mà người đàn bà trẻ Hà Nội lại có thể làm ngần ấy việc khác nhau, vất vả, khó nhọc và khéo léo nữa. Đến khi bố tôi về, hai ông bà tiếp tục làm thợ may. Bố mẹ tôi sinh liền 8 người con. Xây được nhà. Lúc nào ông bà cũng lạc quan yêu đời và tin vào tương lai… Chúng tôi đều được đến trường. Đều được dạy dỗ để nhận thức được đạo đức nền tảng của con người và xã hội.
Để có được những thành quả như vậy, cả cuộc đời của mẹ của bà phải nỗ lực, hi sinh rất nhiều?
- Dĩ nhiên rồi. Mẹ tôi là người sống tất cả cho gia đình từ lúc còn nhỏ cho đến khi mất đi. Quan niệm hạnh phúc của phụ nữ thời đó là: người chồng tốt, con ngoan, con khỏe, con được học hành.
Với bà, khi trở thành mẹ, bà đã học từ mẹ những gì để tiếp nối tình yêu thương đối với các con?
- Tôi giống mẹ tôi ở lòng thương yêu vô bờ bến với con và cháu. Các con tôi thành đạt. Tôi đã nhiều lần sang thăm con cháu ở nước ngoài. Nhưng, tôi giữ cho tôi một sở thích. Đó là điều tôi khác mẹ. Mẹ tôi quên bản thân. Ý của các con là gì thì mẹ sẽ làm theo y như thế. Tôi thì không. Tôi yêu các con tôi bảy phần thôi. Còn ba phần tôi yêu tôi. Tôi muốn ba phần ấy sẽ làm nên những điều mà suốt đời các con cháu tôi thấy hình bóng tôi ở đó. Và hợp lý. Ba phần ấy, cũng sẽ là nền tảng để làm nên một truyền thống gia đình.
Mỗi dịp tháng 7 về, chúng ta lại xúc động với lễ Vu lan báo hiếu. Ảnh: Độc Lập.Nhìn lại chặng đường đã qua, với vai trò vừa làm mẹ, vừa là một nhà văn, hoạ sĩ, và có rất nhiều đóng góp khác cho nghệ thuật, bà đã gặp những khó khăn gì và làm thế nào để vượt qua?
- Hoàn toàn không dễ dàng. Nhưng dường như, bản năng mách bảo tôi khá chính xác. Khi các con còn nhỏ, tôi dồn sức nuôi chúng và hướng cho chúng cách lựa chọn con đường. Thời con còn nhỏ tôi rất nghèo.
Tôi phải bỏ đại học để dồn sức nuôi con. Rồi sau này tôi mới quay lại giảng đường… Tôi cũng thấy đạo đức nền tảng sẽ xui khiến đứa trẻ, cùng với năng khiếu của nó, nó sẽ chọn con đường đúng đắn và có ích cho chính nó cũng như xã hội. Khi chúng ra trường, nhờ có đạo đức và khả năng chúng tìm thấy và được nhận vào những nơi làm việc xứng đáng. Các con tôi thành đạt khi tôi vẫn còn dồi dào năng lượng sáng tạo. Cho nên, có thể nói đời sống của tôi khá phong phú và thú vị. Tiếp bước truyền thống gia đình, các cháu nội ngoại của tôi giờ cũng đỗ các trường đại học có tiếng trên thế giới.
Với bà, người phụ nữ có vai trò gì trong gia đình và nên làm gì để đảm đương tốt vai trò ấy?
- Tôi không nói ra là tôi sống để làm gương, nhưng tôi luôn quan niệm, mẹ nào con nấy. Tôi sống thế nào thì con tôi sẽ nhìn thấy, sẽ nhiễm tập, sẽ dập khuôn… Một mặt tôi gần gũi, thương yêu, nhưng mặt khác tôi rất nghị lực, quyết làm những điều tôi cho là tốt dù khó đến mấy. Tôi cho rằng người mẹ thời nay vừa yêu thương chăm sóc con cháu, nhưng vừa biết hướng cho chúng tự lo, tự lập và bản thân mình cũng biết chăm sóc bản thân đồng thời dũng cảm tự lập khi về già.
Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!