Cùng tìm lại bầu trời ký ức ấy, trở lại những mùa tết đã qua của thời thanh xuân chúng ta, qua những hình ảnh rất tết.
Nhớ về Tết Việt, không người Việt nào là không nhớ đến những phiên chợ ngày Tết. Nhất là chợ hoa. Chợ hoa Tết từ lâu đã trở thành một trong những nét đặc trưng của ngày Tết cổ truyền Việt Nam. Người Việt đi chợ hoa Tết không chỉ để mua hoa trưng Tết mà còn như một dịp đi thưởng ngoạn vị Xuân, cảm nhận không khí mùa Xuân đang dần ngập tràn qua hương sắc hoa đào, hoa mai, lay ơn, thược dược… Là người có nhiều năm sống và tác nghiệp, đi khắp các địa phương của dải đất hình chữ S, nhiếp ảnh gia - nhà báo người Pháp Michel Blanchard, nguyên trưởng đại diện Văn phòng Thông tấn Pháp AFP tại Hà Nội những năm 1980- có dịp cảm nhận rõ nét những phiên chợ hoa Tết của người Việt. Hình ảnh ông ghi lại về một phiên chợ hoa Tết tại Hà Nội năm 1983 là một trong những cảm nhận ấy của Michel Blanchard (ảnh 1, ảnh 2). Hay hình ảnh những cô gái Hà Nội đi chợ Tết (ảnh 14-TTXVN) đủ làm xao xuyến lòng người.
Xưa hơn nữa, qua những bức ảnh tư liệu, có thể thấy những hình ảnh về cái Tết của người Việt, cũng chợ hoa, cũng nhộn nhịp chợ Tết nhưng mang một màu sắc rất riêng (ảnh 10- một cửa hàng bán tranh Tết tại Hà Nội năm 1929; ảnh 11: Ông đồ viết câu đối ngày Tết, ở Hà Nội cuối thập niên 1940 qua ống kính của nhiếp ảnh gia Võ An Ninh; ảnh 12: Chợ hoa Tết Hà Nội năm 1929).
Tại Sài Gòn, nổi tiếng nhất vẫn là chợ hoa Nguyễn Huệ. Nơi đây dù là trong những năm tháng còn chiến tranh (ảnh 5- Chợ hoa Tết trên đường Nguyễn Huệ dịp Tết Đinh Mùi 1967. Hình ảnh do một cựu binh Mỹ tại VN chụp) vẫn là nơi để người dân đến đây vừa mua hoa vừa thưởng ngoạn vẻ đẹp của mùa Xuân, nhất là các cô gái Sài Gòn, chỉ nhân cơ hội này để đến đây chụp ảnh. Chợ hoa Tết trên đường Nguyễn Huệ hình thành từ thời Pháp thuộc ở Sài Gòn. Ban đầu, vị trí đường Nguyễn Huệ là kênh đào Charner, nối liền với sông Sài Gòn, sau này bị người Pháp lắp lại và hình thành Đại lộ Charner. Đại lộ Charner nối liền một đầu là Dinh Đốc Lý (nay là trụ sở Ủy ban Nhân dân Thành phố) và đầu kia là bờ sông Sài Gòn (nay gọi là Bến Bạch Đằng).
Giờ đây cuộc sống khấm khá hơn, ta nói nhiều tới chuyện “chơi Tết”. Nhưng vài ba chục năm về trước, người Việt nói nhiều tới chuyện “ăn Tết”, cả năm khốn khó nhọc nhằn nhưng kiểu gì cũng phải sắm sanh chắt chiu dành dụm cho một cái Tết tươm tất nhất có thể. Nên đến Tết là đi chợ, là mua sắm, là trang hoàng nhà cửa, đôi khi chỉ là ra quầy mua một bức tranh treo Tết (ảnh 3). Thời bao cấp, cung không đủ cầu thế nên mới có chuyện ra cửa hàng bách hóa chật kín người xếp hàng chen chân chỉ để có trong tay vài món hàng Tết (ảnh 4). Eva Lindskog – nữ nhiếp ảnh gia, nhà xã hội học Thụy Điển – người đã có tới 15 lần đón Tết cổ truyền của người Việt tại Việt Nam- đã ghi lại được những hình ảnh rất Tết như thế.
Tại Sài Gòn phồn hoa, không khí sắm Tết những ngày xưa cũng rộn rã không kém. Khu vực chợ Bến Thành và khu Nguyễn Huệ, Lê Lợi được xem là bộ mặt của chợ Tết Sài Gòn. Năm 1940, Jeanne LT đã viết trong báo Xuân Dân Chúng như sau: “Gần Tết chung quanh chợ Bến Thành các gian hàng lần lượt mọc như mọi năm. Thành phố Sài Gòn bị tắt đèn vì cuộc phòng không thụ động. Nhưng công chúng ở Sài Gòn không sợ tối trời, không đếm xỉa gì đến máy bay Xiêm, vẫn rủ nhau đi chợ Tết như thường...”. (ảnh 7, ảnh 8). Theo nhiều bài báo, các chợ Tết ở Sài Gòn và vùng quê miền Nam thuở xưa là những gian hàng dán giấy hoa hay giấy hồng điều, họp từ chiều đến tối. Người dân đến đây mua bánh mứt, rượu chè và trái cây, mua pháo, mua bông, đồ chơi, quần áo làm quà Tết cho nhau.
Tết Xưa còn là những đêm ngồi quây quần bên nồi bánh chưng (ảnh 13), là chụm đầu trò chuyện chơi bài rôm rả, là ngày mùng một Tết háo hức đi chúc Tết ông bà, cha mẹ và đón nhận lì xì may mắn (Ảnh 15), là nô nức xiêm y đi lễ chùa đầu năm cầu bình an may mắn (ảnh 16).
Tết trong kí ức mỗi người còn nhiều lắm. Mỗi người trong chúng ta ai cũng có những cái Tết trong thanh xuân của mình. Đó mãi là những vùng kí ức không bao giờ có thể lãng quên.