Kinh tế xã hội hôm nay

Những chốt gác ngăn dịch ở biên giới

MangYTe - Gần 3 tháng nay, hàng nghìn cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng các tỉnh phía Bắc đã dựng chốt gác dọc tuyến biên bất kể ngày đêm để chặn dịch COVID-19. Địa điểm này cách xa khu dân cư nên những người lính vừa thực hiện nhiệm vụ, vừa tự đảm bảo mọi sinh hoạt, ăn uống hàng ngày.

64 chốt kiểm soát dọc tuyến biên giới của Bộ đội Biên phòng Lai Châu túc trực 24/24 giờ để chặn dịch bệnh COVID-19. ẢNH: PV

Chốt tiền tiêu chống dịch

Cuối tháng 3 Âm lịch, tiết trời lạnh giá. Chiếc lều vải trở nên mong manh trước sức gió và sức nặng của mưa đá. Mưa tạt vào trong, lốc quật dữ dội. Đại úy Đinh Ngọc Dũng và 3 cán bộ của chốt kiểm dịch của tổ công tác Lù Dì Sán, đồn Biên phòng Si Ma Cai (Lào Cai) chia nhau ôm lấy bốn cọc nơi góc lều. Nhưng sức người lúc này trở nên quá nhỏ bé. Chỉ chừng vài phút, gió đã giật đổ chân trụ giữa lều, cuốn bạt bay đi. Gầm bàn thành nơi che chắn cho những người lính biên phòng giữa rừng núi.

Trong bóng tối đặc quánh, thi thoảng có tia chớp rạch ngang trời. Mọi người nghe tiếng lộp bộp của đá chạm mặt bàn, tiếng xào xạc của lá bị mưa đá cắt lìa cây. Đến khi ngớt mưa, nhóm chiến sỹ lại đóng cọc dựng lại lán trong đêm, dưới ánh đèn pin leo lắt. "Chống dịch như chống giặc nên dù điều kiện có khắc nghiệt, gian khổ như thế nào, chúng tôi vẫn bám trụ", anh Dũng nói.

Lán của các anh nằm cách dòng sông Xanh khoảng 40m, cách đồn 17km, không điện, không điểm tựa, lọt thỏm giữa hai ngọn núi. Mưa đá hết nhưng giông lốc vẫn kéo dài hai ngày sau đó. Nước từ trên núi dồn xuống, lênh láng thành sông quanh lều. Anh Dũng và đồng đội cầm cuốc, khơi rãnh, tạo đường cho nước chảy đi. Chăn màn, đồ dùng ướt nhẹp được kê lên bàn chờ ráo. Đêm đó, những đôi mắt người lính thức cùng núi rừng biên ải.

Nằm cạnh Lào Cai, với tuyến biên giới dài hơn 265 km tiếp giáp với Trung Quốc, tỉnh Lai Châu là địa bàn có nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh COVID-19 cao. Do vậy, lực lượng biên phòng địa phương và các lực lượng khác đã phối hợp thành lập hơn 64 chốt kiểm soát dọc tuyến biên giới.

Do điều kiện địa hình biên giới, phải làm nhiệm vụ 24/24h nên nơi ở, sinh hoạt của họ rất đơn giản, tạm bợ, thường là lều bạt dã chiến, lều khung cây, chòi canh nương… Và do các chốt trực chủ yếu nằm ở các nơi heo hút, hẻo lánh, cách xa nhà dân, xa chợ hàng chục km, lại không có điện để sử dụng tủ bảo quản thực phẩm nên bữa ăn của các chiến sĩ biên phòng chủ yếu là đồ khô, đồ hộp, trứng… và một số thực phẩm cải thiện được tại chỗ.

Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ, tất cả các tuyến đường mòn, lối mở dọc biên giới đều có mặt lực lượng biên phòng, với vai trò chính kiểm soát người đi, về hai bên biên giới. Tính đến ngày 15/4, lực lượng biên phòng tại các chốt kiểm soát cố định và lưu động của Lai Châu đã xử lý hơn 420 trường hợp nhập cảnh từ bên kia biên giới vào địa bàn.

Những bữa cơm nấu vội giữa rừng của lính biên phòng.

Một chiến sĩ biên phòng kể, có hôm, mâm cơm tại chốt gác vừa dọn ra thì một dân quân địa phương nhận được thông báo từ nhân dân phát hiện một người từ Trung Quốc vừa xâm nhập vào biên giới. Tất cả đứng bật dậy, rời khỏi mâm cơm, người lấy thêm khẩu trang, người mang bình xịt khử khuẩn chạy ngược dốc núi về hướng đường mòn biên giới.

Sau khi yêu cầu công dân trên đeo khẩu trang y tế và tiến hành phun khử khuẩn xung quanh vị trí và hành lý mang theo. Một cán bộ biên phòng mang ra cuốn sổ tỳ lên đầu gối ghi chi tiết mọi thông tin về người phụ nữ. Đồng thời, giải thích rất cặn kẽ về tình hình dịch bệnh và việc chị phải cách ly, giám sát y tế theo quy định, đề nghị chị hợp tác.

Sau khi có đầy đủ thông tin cá nhân, hành trình, tình hình sức khỏe của đối tượng, nhóm chiến sỹ lại tiếp tục dẫn người này đi bộ khoảng 3km xuống tới đường lớn để bàn giao cho lực lượng y tế phối hợp, cách ly tập trung. Khi mọi người tổ công tác trở về chốt, họ tiếp tục bữa cơm khi đồng hồ đã điểm hơn 1h chiều.

Còn tại khu vực Đồn biên phòng Pò Hèn (TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh), rút kinh nghiệm từ những lán trại trước, những chiếc cọc được đóng sâu hơn, dây giữ lều gia cố nhiều thêm. Dọc sông Ka Long có nhiều chốt kiểm soát thuộc các đồn Biên phòng Pò Hèn, Bắc Sơn. Trung tá Bùi Văn Bách (51 tuổi, từng công tác qua hàng chục đồn khác nhau của Biên phòng Quảng Ninh) nói: "Chưa có nhiệm vụ nào vất vả như lần này". Suốt mấy tháng trời, anh và các đồng đội phải chia nhau ngày đêm chốt giữ các đường mòn, lối mở trên đường biên giới kéo dài, địa hình phức tạp.

"Mỗi lúc mưa to, mấy anh em phải chia nhau ôm cột lều, chân bám chắc xuống nền đất ướt, dùng hết sức để giữ cho lều khỏi bay đi. Tuy nhiên, chúng tôi còn đỡ hơn nhiều đồng đội khác, những người chốt ở đường mòn trong rừng, mưa gió, bão bùng cũng chỉ có tán cây trú tạm, hay quấn mảnh áo mưa lên người", anh Bách nói.

Tết Nguyên đán vừa rồi anh Bách phải trực nên không về nhà. Anh hứa với con gái nhỏ ra Tết sẽ về nhưng với nhiệm vụ chống dịch thì chưa biết bao giờ thực hiện được. "Đã hứa với con nên tôi cứ phải gọi điện về xin lỗi suốt", anh Bách chia sẻ.

Vất vả "mùa chống dịch"

Những ngày này, thời tiết khắc nghiệt, ngày đêm mưa mù, quân tư trang thường xuyên phải “hun” trên bếp lửa cho mau khô, kịp hành trình tuần tra ngăn dịch bệnh.

Vẫn là những công việc thầm lặng của người lính biên phòng trên tuyến đầu Tổ quốc nhưng trong "mùa chống dịch", những công việc ấy được thực hiện ở cường độ cao hơn, yêu cầu chất lượng tốt hơn. Hàng ngày, các chiến sỹ Bộ đội Biên phòng thay nhau đi xuống từng bản làng trên địa bàn biên giới để tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số hiểu rõ sự nguy hiểm của dịch bệnh và cách phòng tránh.

Ở những bản rất sâu, rất xa trung tâm, bà con nhiều người chưa hiểu được tiếng phổ thông. Anh em phải đến từng nhà, gặp từng người tuyên truyền bằng tiếng dân tộc để đồng bào hiểu và thực hiện. Bên cạnh việc tuyên truyền, các anh còn vận động các nhà hảo tâm, thậm chí quyên góp từ chính đồng lương của mình để mua và hỗ trợ việc phát khẩu trang, dung dịch diệt khuẩn và phun Thu*c khử trùng miễn phí cho bà con. Đặc biệt, trong đợt thực hiện Chỉ thị giãn cách xã hội của Thủ tướng Chính phủ, các chiến sỹ Bộ đội Biên phòng lại đến từng nhà dân vận động các thành viên trong gia đình không đi đâu cả, chỉ ra ngoài mua lương thực, thực phẩm phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Thậm chí tại một số cửa khẩu, Bộ đội Biên phòng còn vận động kinh phí phát từng hộp cơm, suất ăn miễn phí cho hành khách chờ làm thủ tục xuất nhập cảnh hoặc chờ về khu vực cách ly.

Vì địa hình dốc, chênh vênh lại lạnh về đêm nên các chốt gác liên tục được thiết kế lại cho phù hợp. Ở vị trí cách xa đơn vị và khu dân cư nên mỗi tổ công tác khi lên chốt sẽ ở lại thời gian 3 ngày. Họ phải chuẩn bị đầy đủ nhu cầu về thực phẩm cho ăn uống, sinh hoạt và thực hiện nhiệm vụ. Ở những chốt biên phòng nơi tiền tiêu, mọi thời điểm trong ngày luôn có những ánh mắt hướng về biên giới và sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ. Một chiến sỹ bộ đội của Đồn Biên phòng Mường Khương (Lào Cai) còn chia sẻ: "Mấy ngày nay cứ tranh thủ giải lao giữa hai ca tuần tra là anh em lại tranh thủ nhổ cỏ cho luống rau cải đang mọc lên non xanh. Chúng tôi xác định sẽ còn bám trụ ở đây lâu dài để bảo vệ sức khỏe cộng đồng phía sau".

Để đảm bảo quân số công tác, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã điều động quân số từ các đơn vị tuyến biển tăng cường lên tuyến bộ, từ các đơn vị ít trọng điểm lên các đơn vị trọng điểm. Từ tết Nguyên đán đến nay, tạm ngưng giải quyết phép, tranh thủ cho mọi cán bộ, chiến sĩ để phục vụ chống dịch COVID-19. Cho đến nay, trên cả ba tuyến biên giới đất liền: Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia, trải dài trên hơn 4.924 km, các đơn vị Bộ đội Biên phòng đã thành lập hàng ngàn tổ công tác, chốt kiểm soát trên biên giới, đảm bảo chốt chặn 24/24 giờ.

Nhóm Phóng Viên

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/xa-hoi/nhung-chot-gac-ngan-dich-o-bien-gioi-2020041600222782.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY