Kinh tế xã hội hôm nay

Những chứng tích chiến tranh trong lòng hồ Kẻ Gỗ

MangYTe - Sân bay dã chiến Libi và con đường 21, 22 huyền thoại nằm sâu trong lòng hồ Kẻ Gỗ (xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã trở thành bản anh hùng ca bất diệt, ghi dấu chiến công và máu xương của biết bao chiến sỹ anh dũng ngã xuống mảnh đất này.

Con đường huyền thoại

Những năm cuối thập kỷ 60, đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước, sân bay dã chiến Libi có vị trí chiến lược quan trọng, đặc biệt là nhiệm vụ chống chiến dịch "Lam Sơn 719" của Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Đây là chiến dịch leo thang táo tợn với âm mưu lập "vành đai lửa" từ Đèo Ngang sang tận Xê Pôn (Lào), cắt đứt toàn bộ tuyến chi viện của ta vào chiến trường Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ. Mỹ tập trung đánh phá, rãi xuống khu vực này hàng nghìn tấn bom đạn.

Những hố bom dưới lòng hồ Kẻ Gỗ còn sót lại.

Ngược theo dòng nước của lòng hồ Kẻ Gỗ hàng chục cây số, hiện dần ra trước mắt chúng tôi là một bãi đất rộng nằm nhô lên như một hòn đảo, được bồi đắp bởi phù sa chảy từ thượng nguồn khe Libi, gồm nhiều nhánh khe suối đổ về lòng hồ Kẻ Gỗ. Chỉ cảm nhận bằng mắt thường không thể nghĩ đây chính là sân bay bí mật trong thời chiến.

Sân bay dã chiến Libi nằm ở vị trí trung tâm tạo thành bởi những dãy núi và khe suối uốn lượn, sừng sững chạy dọc hai bên. Sân bay được xây dựng trên tuyến đường 22 ở (Km 15 - km17) chiều dài khoảng gần 2km, trên bề mặt là những hố bom còn sót lại nằm san sát nhau trơ trọi, vào mùa mưa nước hồ lên cao một phần của sân bay bị ngập sâu trong nước, mùa nắng lại nổi lên.

Sân bay bí mật được thiết kế gồm 2 làn bay, chủ yếu phục vụ máy bay phản lực. Trong quá trình xây dựng chưa xuất kích thì bị Mỹ điên cuồng đánh phá tan tành, hàng trăm tấn bom đạn rải xuống khu vực này. Do địa thế hiểm trở nên khu vực này được chọn làm sân bay bí mật để phục vụ cho chiến trường Miền Nam và cũng lấy tên của khe Libi để đặt tên cho sân bay bí mật này. Giờ đây sân bay chỉ là vùng đất hoang vu được che phủ bởi cây cối um tùm.

Gắn với lịch sử của sân bay dã chiến Libi là con đường chiến lược 21 và 22 huyền thoại. Trong giai đoạn này, tuyến đường 1A không còn là tuyến vận tải chính khi không quân Mỹ liên tục cày xới bằng B52. Tàu chiến Mỹ án ngữ ngay Đèo Ngang sẵn sàng nhả đạn.

Đường 21 và 22 tránh Ngã ba Đồng Lộc, góp phần "chia lửa" cho quốc lộ 1A, khơi thông mạch máu giao thông Bắc – Nam. Đường 22 được mở sau khi đường 21 đã khai thông, từ ngã ba Thình Thình chạy qua hồ Kẻ Gỗ vào đến Quảng Bình.

Ông Đào Văn Tinh - Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong tỉnh Hà Tĩnh nhớ lại: "Lực lượng chủ yếu tham gia xây dựng vùng chiến lược này là dân quân các xã ở huyện Cẩm Xuyên, công nhân nhà máy gạch Cầu Họ (Cẩm Xuyên) và lực lượng thanh niên xung phong tỉnh Hà Nam. Đã có rất nhiều người hy sinh khi tham gia xây dựng sân bay dã chiến Libi và con đường 21, 22."

Ông Dương Trành, nguyên là công nhân Xí nghiệp gạch ngói Cẩm Thành, một trong những người được điều động vào xây dựng sân bay dã chiến Libi, may mắn sống sót trong trận ném bom B52 vào cuối năm 1972 kể lại: "Vào khoảng gần 4h sáng ngày 21/12/1972, khi mọi người đang ngủ say trong lán, bỗng nghe tiếng B52 gầm rú như xé nát bầu trời.

Hàng trăm quả bom cùng lúc phát nổ. Một quả bom rơi trúng lán, cả 18 người chỉ mình ông Trành còn sống sót. Riêng Xí nghiệp Gạch ngói Cẩm Thành có 32 người được điều động vào xây dựng sân bay Libi thì chỉ còn 3 người sống sót."

Trong quá trình làm địch liên tục ném bom, đặc biệt sau tháng 1 năm 1973, khi bị lộ đế quốc Mỹ càng tăng cường ném bom, bắn phá ác liệt hơn, trong đó có trận đánh ngày ngày 31/03/1973 có 36 người hy sinh..

Mặc cho mưa bom bão đạn, con đường chiến lược 22 nhanh chóng được hoàn thành như một kỳ tích.

Phát hiện ra tuyến đường chiến lược này, Mỹ ngày đêm điên cuồng bắn phá. Nhưng, mặc cho mưa bom, bão đạn, lực lượng thanh niên xung phong, dân công, bộ đội ở đây vẫn bất chấp hiểm nguy san lấp mặt đường, đảm bảo giao thông thông suốt cho những chuyến xe kịp thời ra tiền tuyến.

Nhiều liệt sỹ vô danh

Sau hơn 2 giờ đồng hồ, được cán bộ ban quản lý khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ chở bằng xuồng máy, chúng tôi đến được địa danh lịch sử, sân bay dã chiến Libi tại vùng lòng hồ Kẻ Gỗ.

Những chứng tích chiến tranh hiện ra trước mắt chúng tôi. Thời điểm này, nước cạn nên lộ ra rất nhiều hố bom chi chít dưới đáy hồ. Phía sát chân hồ có một khu đất rộng bằng phẳng, nằm giữa thung lũng, được bao bọc bởi rừng cây xanh mướt. Rất nhiều vũng bom vẫn còn đó, cây cối mọc um tùm phải nhìn kỹ mới phát hiện ra. Đây chính là vị trí của sân bay dã chiến Libi.

Chính quyền và người dân khắp mọi miền Tổ quốc về hồ Kẻ Gỗ để dâng hương.

Ông Nguyễn Văn Lộc - người lái thuyền nhiều năm qua lại khu vực này chia sẻ với chúng tôi những câu chuyện tâm linh được người dân ở đây truyền tai nhau. "Vào những đêm trăng sáng, những người đi thuyền bè qua miếu thờ Libi nghe như có tiếng người đang nói chuyện, cười đùa rất nhộn nhịp. Tiếng gió thổi trong các khu rừng phát ra âm thanh như có người đang ngân lên khúc hát. Cứ mỗi lần qua khu vực này, người dân lại chèo thuyền vào bờ để thắp hương cầu nguyện cho những người đã ngã xuống, và cầu xin các anh hung liệt sỹ phù hộ". - ông Lộc xúc động kể.

Tại đây, vào những năm bom Mỹ tàn phá đã vùi lấp hàng trăm thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và bộ đội tham gia xây dựng sân bay dã chiến Libi. Máu xương của các anh chị góp phần làm nên chiến thắng của cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ của dân tộc.

Những năm hạn hán kéo dài mực nước Kẻ Gỗ có lúc xuống dưới điểm ch*t, người dân phát hiện thấy nhiều ngôi mộ nổi lên dưới đáy hồ. Từ năm 1998 đến nay chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh đã cất bốc hàng trăm ngôi mộ và quy tập về nghĩa trang liệt sĩ huyện Cẩm Xuyên nhưng tất cả đều vô danh và có thể hài cốt của người này lẫn lộn với người khác…Miếu thờ các liệt sĩ vô danh cũng được dựng lên trong lòng hồ để tri ân những người đã mất.

Ông Nguyễn Đình Phú - Xã đội trưởng xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, một thành viên nhiều năm đi tìm hài cốt liệt sỹ tại sân bay dã chiến Libi cho biết, từ năm 1998 đến nay, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh đã cất bốc nhiều ngôi mộ nằm rải rác trong rừng sâu, dưới đáy hồ, quy tập về nghĩa trang liệt sỹ huyện Cẩm Xuyên, nhưng tất cả đều chưa xác định được tên.

"Trong quá trình đi tìm hài cốt liệt sỹ, đoàn quy tập chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, vì sau hàng mấy chục năm, nhiều vị trí giờ đây cây cối đã mọc um tùm, rất khó xác định, và cũng không thể biết được tên tuổi, quê quán của các liệt sỹ. Do hài cốt của các liệt sỹ bị vùi lấp trong các hố bom nên trong quá trình cất bốc, có thể hài cốt của người này lẫn lộn với người khác", ông Phú nói.

Năm 2014, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh xây dựng miếu thờ tại khu vực sân bay dã chiến Libi trong lòng hồ Kẻ Gỗ, để tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ.

Cũng tại đây, năm 2016, tuổi trẻ Hà Tĩnh cùng chung sức xây dựng, hoàn thành Cột cờ Tổ quốc, ghi nhớ sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh đi trước và giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ.

Hàng năm, chính quyền và người dân khắp mọi miền Tổ quốc hành hương về hồ Kẻ Gỗ, tìm đến miếu thờ Libi thắp nén hương thơm, tưởng nhớ những chiến sĩ ngã xuống mảnh đất thiêng liêng này.

Sơn Nguyễn

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/xa-hoi/nhung-chung-tich-chien-tranh-trong-long-ho-ke-go-20200115102426295.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY