Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Những điều lưu ý về việc dâng sao giải hạn đầu năm

Vào mỗi dịp đầu năm, người dân thường làm lễ cúng giải hạn, tùy từng điều kiện gia chủ mà lễ cúng có đơn giản hay cầu kỳ, phức tạp. Bàn về giải hạn đầu năm giúp hiểu hơn về phong tục lâu đời này.

Bàn vể giải hạn đầu năm, người xưa thường làm lễ dâng sao giải hạn để có thể hóa giải vận xui, tránh vận đen trong năm mới đồng thời giảm bớt tai họa bệnh tật.

Theo quan niệm dân gian, mỗi người mỗi năm đều có một ngôi sao chiếu mệnh. Tất cả có 9 ngôi sao đó bao gồm: Thái Dương, Thái Âm, Mộc Đức, Thái Bạch, La Hầu, Kế Đô, Vân Hớn, Thổ Tú, Thủy Diệu. Cứ 9 năm lại luân phiên trở lại, và có sao xấu, sao tốt.

Mỗi năm, mỗi người sẽ có một ngôi sao chiếu mạng

Sao La Hầu

Sao La Hầu là hung tinh của nam giới, nhưng đối với nữ giới cũng bi ai chẳng kém, sao này thường đem lại những điều không may liên quan đến pháp luật, công quyền, tranh cãi, ăn nói thị phi, bệnh tật về tai mắt, tai nạn, máu huyết, hao tài tốn của. Nhiều chuyện sầu bi, phiền muộn, xấu nhất là trong tháng giêng và tháng 2 âm lịch.

Sao Thổ Tú (Thổ Tinh)

Thổ Tú thường đem lại sự trở ngại, xung khắc miệng tiếng, có kẻ dấu tay dễ sinh ra thưa kiện, xuất hành không thuận lợi, chăn nuôi thua lỗ, gia đạo bất hòa, sức khỏe yếu. Xấu nhất là vào tháng 4 và tháng 8 âm lịch.

Sao Thủy Diệu (Thủy tinh)

Sao Thủy Diệu là sao tốt nhưng cũng kỵ tháng 4 và thâng 8 âm lịch. Chủ về tài lộc hỷ, không nên đi song biển, cần giữ gìn lời nói (nhất là đối với nữ giới), nếu không sẽ có tranh cãi, lời tiếng thị phi và đàm tiếu.

Sao Thái Bạch (Kim tinh)

Thái Bạch chính là sao chiếu mệnh xấu nhất trong các sao. Dân gian có câu "Thái Bạch quét sạch cửa nhà" cũng xuất phát từ nguyên do này. Thái Bạch là sao xấu, bạn cần giữ gìn trong công việc kinh doanh, có tiểu nhân quấy phá, có thể trắng tay, hao tán tiền của, đề phòng quan sự. Xấu nhất là tháng 2, 5, 8 âm lịch và quanh năm kỵ màu trắng.

Sao Thái Dương

Đây là sao tốt cho Nam nhưng không tốt cho Nữ.

Sao Thái Dương, đối với nam thường đem lại nhiều tin vui, an khang thịnh vượng, mọi sự tốt lành, phát triển về công danh, còn nữ lại thường hay bị đau ốm, gặp tai ách nhất là tháng 6 và tháng 10 âm lịch.

Sao Vân Hán (Vân Hớn, Hỏa tinh)

Sao Vân hán chiếu mạng, đàn ông hay đàn bà làm ăn mọi việc đều trung bình, phòng thương tật, khẩu thiệt, đau ốm, nóng nảy, mồm miệng. Nam gặp tai tinh, bị kiện, bất lợi, nữ không tốt về chuyện thai sản nhất là vào tháng 2 tháng 8 âm lich.

Sao Kế Đô

Sao Kế Đô là hung tin của nữ giới, thường đem lại tai nạn, tang tóc, hao tài tốn của, bệnh tật, thị phi, họa vô đơn chí, đau khổ buồn rầu, trong gia đình sẽ có việc không may. Xấu nhất là tháng 3 và tháng 9 âm lịch.

Sao Thái Âm

Sao Thái âm thường tốt với nam lẫn nữ về đường tiền bạc và công danh, hỉ dự vào tháng 9 nhưng lại gây ra ốm đau bệnh tật, sinh đẻ có nguy hiểm cho nữ giới vào tháng 10.

Sao Mộc Đức (Mộc tinh)

Sao này có ý nghĩa đem lại sự tốt lành, an vui, may mắn nhiều mặt nhất là về tôn sự. Thường tốt vào tháng 10 và tháng Chạp âm lịch. Nhưng nữ giới nên đề phòng bệnh tật phát sinh nhất là về máu huyết, nam giới nên coi chừng bệnh về mắt.

Bàn về dâng sao giải hạn

Theo nghiên cứu cổ học Phương Đông, người xưa có quan niệm về 9 ngôi sao (cửu diệu), phối trí theo các phương, sắp xếp theo 12 chi và ngũ hành khác nhau.

Theo đó, mỗi tuổi âm lịch hàng năm cũng sẽ chịu ảnh hưởng của một vì sao (chiếu mạng), có năm gặp sao tốt, và cũng có năm gặp sao xấu. Có người cho rằng việc giải hạn sao xấu là tín ngưỡng dân gian, một số lại cho đó là mê tín dị đoan, nhưng phần lớn người dân thường cho là “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”.

Chùa không phải là nơi cúng sao giải hạn

Theo Trung tâm UNESCO dòng họ Việt Nam, việc cúng sao giải hạn không phải của nhà sư, mà là của thầy pháp sư làm. Trong tín ngưỡng Phương Đông chia làm 2 hình thức: Một là tín ngưỡng Phật, theo Phật để noi gương và hỉ xả. Còn hình thức tín ngưỡng Ngọc Hoàng là có dâng sao, và việc này do thầy pháp làm.

Theo các nhà tâm linh, thì chùa chiền là nơi nghiêm tịnh, chứ không phải nơi cầu thần tiên, hên xui may rủi, và việc cúng sao giải trừ hạn xấu. Nhưng vì nhu cầu lên chùa làm lễ cúng sao giải hạn của người dân nên chùa phải “cung”. Một số ít chùa ảnh hưởng tín ngưỡng dân gian, đa thần thì “tùy duyên hóa độ”, vừa làm nghi thức về Phật giáo, vừa dùng phương tiện để hóa độ chúng sinh quay về bờ giác.

Cúng sao giải hạn là tín ngưỡng dân gian đã có từ lâu, khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam thì cũng tùy thuận theo cái tập tục vốn có sẵn ở từng địa phương và theo từng hoàn cảnh, theo từng vị trụ trì của những ngôi chùa khác nhau mà chuyển sang thành hình thức cúng cầu an.

Bàn về giải hạn đầu năm hy vọng giúp các bạn hiểu hơn về phong tục này, tùy theo đức tin của mỗi người mà có nên hay không làm lễ giải hạn đầu năm.

Khuyên Vũ

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/nhung-dieu-luu-y-ve-viec-dang-sao-giai-han-dau-nam-24992/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY