Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Những mối nguy tiềm ẩn vào mùa du lịch biển cần phải biết để phòng tránh

Mùa hè, nắng nóng, địa điểm du lịch lý tưởng là những bãi biển xanh ngát, mát mẻ. Tuy nhiên nếu không biết phòng tránh những mối nguy tiềm ẩn này, rất có thể bạn sẽ rước họa vào thân.

Mùa hè là lúc nhiều người lên kế hoạch cho những chuyến đi xa, đặc biệt là du lịch biển. Việc được tận hưởng làn gió mát từ biển, hít thở bầu không khí trong lành và đằm mình dưới làn nước trong xanh sẽ khiến bạn cảm thấy giải tỏa hết những mệt nhọc.

Tuy nhiên có rất nhiều mối nguy hiểm tiềm ẩn khi đi du lịch biển và có thể gây hại tới bạn và gia đình. Hãy cùng tìm hiểu để có thể nhanh chóng tìm ra phương pháp phòng tránh các loại rủi ro phá hủy chuyến du lịch đáng nhớ của bạn hè này nhé.

1. Nguy cơ bị sứa cắn

Sứa là động vật không có xương sống, sống ở biển hay những nơi nước mặn. Sứa còn sống chứa nhiều độc tố và khi chạm phải, con người sẽ bị dị ứng.

Độc tố của sứa biển, thường tập trung ở các xúc tu, chúng sử dụng các tế bào châm được gọi là nematocyst. Các tế bào này đều rất nhỏ và có độc. Một số loài sứa có đến hàng triệu nematocyst trong xúc tu, được sử dụng khi sứa bắt mồi và tự bảo vệ. Khi bị sứa cắn, các độc tố này sẽ ngấm qua da người xâm nhập vào cơ thể, nếu nhẹ, nạn nhân chỉ có phản ứng ngoài da, tại chỗ nổi rát, mẩn đỏ và ngứa nhiều. Toàn thân chỉ cảm thấy khó chịu, không nên quá lo lắng.

Ở thể nặng có thể gây đau đầu, tức ngực, tím tái, vã mồ hôi, khó thở, buồn nôn, nôn khan, đau bụng và tiêu lỏng nhiều lần, mạch nhanh, nhỏ, huyết áp tụt... cần đưa ngay vào bệnh viện để chống sốc phản vệ.

Độc tố của sứa biển, thường tập trung ở các xúc tu, chúng sử dụng các tế bào châm được gọi là nematocyst.

Ở thể cấp hay bán cấp, sau chừng 15 phút chạm phải sứa, nạn nhân ngứa ở bàn tay, bàn chân, trên da nổi ban đỏ từng vùng, nổi mề đay toàn thân, tim đập nhanh đều, huyết áp hạ thấp, ho khan, khó thở khò khè. Thanh quản phù gây khó thở. Nạn nhân buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, chảy nước mắt, chảy nước mũi, vã mồ hôi thì phải đến viện ngay để được hồi sức và chống sốc.

Giải pháp: Nên mang theo một số loại thuốc giảm ngứa, thuốc kháng sinh và một chai dấm để khi bị sứa đốt thì chủ động xử lý để bảo vệ mình và người thân khi tắm biển. Khi xuống tắm nếu thấy cơ thể bị ngứa cần lên bờ ngay kiểm tra xem có phải bị sứa cắn hay không để còn điều trị kịp thời.

2. Nguy cơ “chạm trán” với giun biển

Được biết, loài giun biển thường xuất hiện nhiều vào mùa sinh sản. Loài này có hình dạnh bên ngoài giống với con rết, có cơ chế gây ngứa bằng các lông trên cơ thể giống như của con sâu. Khi chạm phải những con giun biển, nhất là tại các vùng da mỏng, nhạy cảm, chúng ta có thể bị rộp và ngứa. Với những người dễ bị dị ứng, tình trạng sẽ trở nên tồi tệ hơn và thậm chí là phải vào viện để xử lý.

Giải pháp: Để phòng chống nguy cơ chạm phải giun biển, chuyên gia khuyên, khi đi tắm biển mọi người cần hết sức thận trọng, quan sát kỹ để tránh chạm vào. Tốt nhất là không chạm vào những vật thể lạ khi đi biển để tránh rủi ro. Nâng cao tinh thần cảnh giác cho mọi người, nhất là trẻ nhỏ có tính tò mò, hiếu động.

Nếu chẳng may chạm vào giun biển cần nhanh chóng rửa sạch bằng nước biển, sau đó sử dụng một số loại thuốc bôi da theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa da liễu. Nếu lo lắng giun biển tấn công, trước khi đi biển tốt nhất nên đến gặp bác sĩ da liễu để mua một số loại thuốc phòng chống côn trùng biển gây tổn thương da, sẵn sàng ứng cứu kịp thời.

3. Nguy cơ bị bỏng và say nắng khi đi biển

Do các bãi biển thường rất hiếm bóng mát, đồng thời cát biển thường có màu trắng và phản chiếu ánh mặt trời nên khả năng da bị tiếp xúc và hư tổn bởi các tia nắng cao hơn bình thường nhiều lần. Nếu tiếp xúc thường xuyên các tia cực tím từ mặt trời, có thể gây đột biến gene trong các tế bào da và dẫn đến ung thư da.

Để bảo vệ cơ thể khỏi các tia có hại có trong ánh nắng mặt trời cũng như các mối đe dọa mắc phải bệnh ung thư da, người đi biển cần nhớ luôn phải thoa kem chống nắng, nên ở trong bóng râm, nên có áo khoác lên người khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.

Giải pháp: Nếu gặp tình trạng say nắng, cần cởi bớt quần áo ngoài và làm mát bằng cách chườm vải, khăn thấm nước lên nạn nhân. Nghoài ra, bạn có thể dùng quạt để làm mát, liên tục theo dõi tình hình nạn nhân. Cách tốt nhất là gọi hoặc nhờ người tìm trợ giúp y tế để được chăm sóc đúng cách.

Để tránh say nắng, khi đi du lịch bạn nên uống nhiều nước, không nên ngồi giữa trời nắng quá lâu và giảm bớt những hoạt động ngoài trời giữa ngày hè nóng nực.

4. Những mầm bệnh nguy hiểm có trong đồ hải sản, đồ ăn tái sống

Khi đi du lịch biển, chúng ta thường được giới thiệu và mời thưởng thức rất nhiều món ăn ngon được chế biến từ những nguyên liệu sống, những loại hải sản đặc trưng của vùng biển đó. Tuy nhiên, bạn hãy cân nhắc thật kĩ trước khi sử dụng, bởi những loại đồ ăn này dù ngon tới mấy cũng đem theo nguy cơ không an toàn với sức khỏe của chúng ta.

Các món gỏi cá, thịt sống chính là nơi chứa nhiều mầm bệnh của nhiều loại tác nhân gay ra các bệnh đường tiêu hóa. Ăn gỏi cá có thể làm tăng nguy cơ bị mắc bệnh sán lá gan nhỏ; ăn nem thính có nguy cơ mắc bệnh sán dây và ấu trùng sán dây lợn; ăn các loại hải sản nấu chưa chín có thể khiến bạn mắc bệnh tiêu chảy và làm ảnh hưởng tới cả chuyến đi du lịch.

Giải pháp: Khi đi du lịch hay đi tới những vùng có các loại món ăn lạ, việc chọn các thức ăn được nấu chín sẽ luôn được đặt lên hàng đầu. Với những người có bụng dạ yếu, dễ mắc các bệnh liên quan tới đường tiêu hóa cần hết sức cẩn thận trong việc lựa chọn món ăn, tránh ăn các loại đồ ăn lạ một cách tùy tiện. Ngoài ra, để phòng tránh bệnh, bạn nên mua dự trữ men tiêu hóa hoặc thuốc trị tiêu chảy đem đi để phòng tránh những cơn đau bụng bất ngờ.

5. Bị cuốn vào dòng nước xa bờ

Đây chính mối nguy hiểm lớn nhất của các du khách tắm biển, là nguyên nhân chính gây ra các vụ tai nạn chết người và cũng khó phòng vệ nhất.

Dòng chảy xa bờ hay còn gọi là dòng ngược (có tên tiếng anh là Rip Current) là một dòng chảy khá dài và hẹp, chảy từ phía bờ hướng ra biển, thường xuất hiện nhiều vào mùa mưa bão.

Dòng chảy xa bờ thường hẹp và có vận tốc rất lớn, từ 0.5 - 1m/s, có khi lên đến 2.5m/s, ngay cả một vận động viên bơi lội cũng không thể bơi ngược dòng chảy này. Tuy nhiên, theo bản năng sinh tồn, khi bị cuốn vào dòng chảy xa bờ, phản ứng của nạn nhân sẽ cố gắng bơi ngược dòng chảy để vào bờ, đó chính là nguyên nhân khiến họ kiệt sức và chết đuối.

Giải pháp: Do đó, nếu chẳng may bạn bị cuốn vào dòng chảy xa bờ bạn phải thật bình tĩnh, càng hoảng loạn tìm cách thoát khỏi nó thì bạn đuối sức càng nhanh. Hãy bình tĩnh bơi song song với bờ biển, tức là vuông góc với dòng chảy xa bờ, đến chỗ có những cơn sóng bạc đầu để chúng đẩy bạn vào bờ và ra hiệu cho đội cứu hộ biển đến ứng cứu kịp thời.

Lưu ý khi ra biển:

- Nếu du khách đã phơi nắng quá lâu thì không nên xuống tắm biển, bởi, khi đó cơ thể đang toát mồ hôi, xuống nước trong điều kiện này sẽ khiến du khách rất dễ bị cảm.

- Ăn quá no hay để bụng quá đói sẽ rất gây hại cho cơ thể.

- Trước khi xuống nước du khách nên khởi động, nhưng không nên khởi động quá sức mà chỉ nên tập những động tác vừa đủ, nhẹ nhàng.

- Không xuống tắm nếu nhiệt độ dưới 18 độ C.

- Nếu du khách có trẻ nhỏ thì nên để trẻ nhỏ mặc áo phao để đảm bảo an toàn bởi nhiều nơi có sóng biển rất to.

- Những nơi xa bờ quá 15m hoặc sâu quá 5m cũng là địa điểm không hề an toàn.

- Không nhảy ùm xuống nước và tắm quá lâu ngay lần đầu xuống biển mà du khách nên xuống nước từ từ, không nên lao mình xuống ngay và lần xuống nước đầu tiên không quá 15 phút.

Hoài Nguyễn

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/nhung-moi-nguy-tiem-an-vao-mua-du-lich-bien-can-phai-biet-de-phong-tranh-25777/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY