Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Những thói quen nhiều người mắc phải có thể gây ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày là căn bệnh khá phổ biến hiện nay và tỷ lệ người mắc phải căn bệnh này cũng tăng cao theo từng năm. Hãy cùng tìm hiểu những thói quen mà nhiều người mắc phải, có thể gây ung thư dạ dày.

Ung thư dạ dày là căn bệnh khá phổ biến hiện nay và tỷ lệ người mắc phải căn bệnh này cũng tăng cao theo từng năm. Theo thống kê, trên thế giới mỗi năm có đến 800.000 ca tử vong vì bệnh ung thư dạ dày. Đây là căn bệnh gây tử vong đứng hàng thứ 2 trong các bệnh ung thư, chỉ sau ung thư phổi.

Đặc biệt, căn bệnh này có thể xuất phát ở bất kỳ phần nào của dạ dày, sau đó lan ra khắp dạ dày và đi tới một số cơ quan khác trong cơ thể, bao gồm cả khu vực thực quản, phổi, hạch bạch huyết, gan...

Được biết, ở nước ta hiện nay có tới 70% dân số có nguy cơ mắc bệnh lý dạ dày, 26% dân số mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng, nguy cơ mắc viêm loét dạ dày ở nam giới gấp 4 lần so với nữ. Đáng báo động, hiện số bệnh nhân mắc căn bệnh hiểm nghèo này đang ngày càng trẻ hóa, đa phần dưới 40 tuổi chiếm tỉ lệ khoảng 20-25%.

Theo các chuyên gia ung thư, việc chẩn đoán sớm và chính xác sẽ giúp giảm tỉ lệ tử vong do ung thư dạ dày gây nên. Theo nhiều báo cáo tỷ lệ sống sau 5 năm với bệnh nhân phát hiện sớm và điều trị lên tới 95%. Tuy nhiên, hiện ở Việt Nam, đa số các bệnh nhân ung thư dạ dày được phát hiện ở giai đoạn muộn và tỷ lệ sống sau 5 năm chưa cao.

Vậy đâu là nguyên nhân gây ra căn bệnh này?! Hay cùng tìm hiểu một số thói quen trong sinh hoạt và ăn uống hàng ngày tưởng chừng vô hại nhưng không thể ngờ có thể gây ung thư dạ dày.

Chế độ ăn uống

Đây là nguyên nhân chủ yếu gây nên bệnh ung thư dạ dày. Chế độ ăn mặn, nhiều muối, đặc biệt là các món như dưa cà muối, các loại thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn khiến lượng muối đưa vào cơ thể quá nhiều, gây quá tải cho hệ tiêu hóa. Việc ăn mặn chẳng những làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, cao huyết áp, mà còn gây viêm dạ dày, về lâu dài có thể gây ung thư dạ dày. Bởi muối là “thủ phạm” thúc đẩy hoạt động của vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) - loại vi khuẩn gây viêm loét niêm mạc dạ dày dẫn tới ung thư.

Theo một nghiên cứu của tác giả D’Elia và cộng sự thực hiện trên 270 nghìn người trong 6 - 15 năm cho thấy: những người ăn nhiều muối có nguy cơ ung thư dạ dày tăng 68% so với những người bình thường.

Ngoài ra, thói quen ăn quá nhanh cũng khiến dạ dày bị tổn thương nghiêm trọng do thức ăn không được nhai kỹ, các enzim trong nước bọt chưa kịp được tiết ra để bôi trơn và phân hủy thức ăn trước khi được đưa xuống dạ dày. Do đó, dạ dày cũng không kịp tiết ra lượng dịch vị đầy đủ để kịp tiêu hóa chúng khiến thức ăn ứ đọng, dạ dày hoạt động quá tải gây trào ngược axit, viêm loét và lâu dần dẫn đến ung thư dạ dày.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên hạn chế ăn các món cay nóng và đồ chiên rán, bởi các món ăn cay nóng có thể tiềm ẩn nguy cơ gây viêm loét dạ dày tá tràng và làm phá hủy lớp niêm mạc dạ dày của bạn. Đặc biệt, những người có hội chứng đại tràng kích thích nên tránh xa những món ăn cay để phòng ngừa nguy cơ làm tổn thương thành dạ dày. Nếu không sửa được điều này, theo thời gian, nguy cơ cao bạn sẽ gặp phải căn bệnh ung thư dạ dày. Còn các món đồ chiên rán như gà rán, khoai tây chiên... có thể gây tổn hại lớn đến hệ tiêu hóa của bạn nếu tiêu thụ liên tục trong một thời gian dài. Lúc này, nếu bạn không chủ động bổ sung thêm chất xơ từ rau xanh, trái cây thì nguy cơ cao sẽ gây ra vi khuẩn HP, từ đó làm tăng nguy cơ viêm loét và dẫn đến bệnh ung thư dạ dày.


Uống rượu bia

Quỹ nghiên cứu Ung thư thế giới cảnh báo, thói quen ăn uống kết hợp rượu với thịt nguội sẽ làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Thực tế, việc uống rượu bia chẳng những gây suy giảm trí nhớ mà còn làm tăng cao nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày mà nhiều người không hay biết. Do trong rượu bia có chứa nhiều cồn nên sẽ gây ra những tổn hại xấu cho thành dạ dày, làm tổn thương gen. Khả năng gây ung thư của rượu bia do tính chất cộng dồn các yếu tố gây ung thư.

Hút thuốc lá

Người hút thuốc lá là một trong những thói quen mà đa số người mắc ung thư dạ dày vẫn duy trì sử dụng. Tại Bệnh viện K hầu hết nam giới mắc ung thư dạ dày đều sử dụng thuốc lá. Đây có thể xem là yếu tố nguy cơ gây nên căn bệnh này, do trong thuốc lá chứa hàm lượng lớn nicotin. Đây là chất độc phá hủy hệ hô hấp cũng như hệ tiêu hóa. Khi người bệnh hít khói thuốc, chất cortisol được sản sinh ra nhiều hơn gây viêm loét nặng hơn, niêm mạc dạ dày bị suy yếu đi.

Ngoài ra, hút thuốc lá cũng làm cho lưu lượng máu đến các cơ quan trong cơ thể cũng như dạ dày chậm hơn, ngăn cản quá trình tiết chất nhầy của dạ dày. Thuốc lá đồng thời cũng làm giảm đáng kể tác dụng điều trị của các loại thuốc chữa viêm loét dạ dày cũng như ung thư dạ dày.

Thức đêm nhiều

Việc thức đêm không chỉ làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch, béo phì, giảm trí nhớ… mà còn gây hại rất nhiều cho dạ dày. Do thức khuya sẽ làm cho dạ dày của bạn hoạt động quá tải, tạo gánh nặng cho đường tiêu hóa, dịch vị dạ dày tiết nhiều hơn dễ dẫn đến mắc các bệnh như viêm loét, tăng nguy cơ ung thư hình thành.

Ngoài ra, môi trường sống ô nhiễm, nhiều khói bụi cũng là một nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày.

Ăn khuya thường xuyên

Theo khảo sát, rất nhiều người thường có thói quen ăn khuya, nhất là các loại đồ ăn nhanh như mì tôm, nước ngọt có ga hay đồ chiên rán. Thói quen này có thể gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của bạn. Một số nghiên cứu cho thấy, việc ăn khuya thường xuyên sẽ làm dạ dày phải hoạt động liên tục mà không được nghỉ ngơi. Vô tình, nó sẽ gây cản trở quá trình phục hồi của niêm mạc dạ dày và làm tăng cao nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày.

Dùng chung bát đũa

Theo quan niệm của đa số người Việt, việc ăn chung bát nước chấm, gắp thức ăn cho nhau trong bữa ăn là thể hiện tình cảm, thân thiện và hiếu khách. Thế nhưng, đây cũng chính là con đường lây lan vi khuẩn HP.

HP là vi khuẩn gây nên viêm loét ở dạ dày dẫn tới bệnh ung thư trong khi loại vi khuẩn này lại rất dễ lây lan qua việc ăn uống chung bát, đũa, cốc, chén... Đáng lo ngại, thói quen dùng chung bát nước chấm là con đường để vi khuẩn HP xâm nhập vào cơ thể nhanh nhất. Do vậy, việc thường xuyên ăn uống tại các quán xá, nhà hàng hay những nơi cung cấp dịch vụ ăn uống không đảm bảo vệ sinh hoặc dùng chung đồ dùng cá nhân với người mắc bệnh là nguyên nhân gây ung thư dạ dày.

Không có thói quen khám sức khỏe định kỳ

Rất nhiều bệnh nhân phát hiện ra mắc bệnh ung thư dạ dày khi đã ở giai đoạn muộn. Nguyên nhân chủ yếu là do không có thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ. Mà đây lại là cách duy nhất để phát hiện bệnh sớm hoặc phát hiện ra từ khi bị viêm loét dạ dày để sớm có phương pháp điều trị, không để bệnh chuyển thành ung thư.

Đồng thời, những người đã từng phẫu thuật dạ dày, cắt một phần dạ dày có nguy cơ cao hơn hẳn so với những người khác về khả năng mắc bệnh ung thư dạ dày. Do đó, nếu đã từng phẫu thuật dạ dày, hãy thường xuyên thăm khám, kiểm tra sức khỏe để kịp thời phát hiện bệnh.

Ngoài ra, các bác sỹ cũng khuyến cáo, để hạn chế bệnh ung thư dạ dày, mọi người cần tăng cường ăn nhiều rau xanh, nhất là các loại rau đậm màu, trái cây tươi, các vitamin và khoáng chất thiết yếu hàng ngày. Tăng cường hoạt động thể lực, ít nhất 30 phút bằng cách đi bộ, đạp xe, bơi lội, yoga. Giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan; hạn chế tình trạng stress, căng thẳng kéo dài.

Ánh Dương

Theo Tạp chí Sống khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/nhung-thoi-quen-nhieu-nguoi-mac-phai-co-the-gay-ung-thu-da-day-27382/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY