Kinh tế xã hội hôm nay

Nơi biên cương bình yên

Vào một ngày cuối đông năm con Ngựa, tiết trời lúc mưa, lúc nắng, khi ấm, khi lạnh đỏng đảnh như cô gái từng vắt vai đến cả chục mối tình mà số trời chẳng cho đặng lấy một ai...

Vào một ngày cuối đông năm con Ngựa, tiết trời lúc mưa, lúc nắng, khi ấm, khi lạnh đỏng đảnh như cô gái từng vắt vai đến cả chục mối tình mà số trời chẳng cho đặng lấy một ai, chúng tôi hành quân lên biên giới phía Bắc.

Xe xuất phát từ Hà Nội. Chiếc xe Innova 7 chỗ, nhưng lại có đến 8 người đi. Mùa hè thì chuyện này có vẻ như không mấy khó khăn, nhưng vào mùa đông, lại đi dài ngày, ai cũng sợ rét, phải ních vào người những chiếc áo khoác rộng thùng thình, nên lên xe là ngồi ở thế bất động. Mãi cho đến khi đồng chí lái xe dừng xe nghỉ giải lao thì mọi người mới được cựa quậy đôi chút.

Qua Thái Nguyên chạm vào đất Bắc Kạn, xe dừng để mọi người uống nước. Chúng tôi lại tiếp tục vượt qua những con đèo ngoằn ngoèo như rắn lượn. Lúc này mọi người đã thấm mệt, không khí trong xe có vẻ trầm lắng hơn, dù phía trước vẫn còn không ít đèo dốc. Hết đèo Gió, lại đến đèo Giàng,...

Mặc cho xe lắc lư, tôi vẫn khe khẽ ngân nga những vần thơ của Tố Hữu viết về con đèo này trong bài thơ Việt Bắc, cách đây hơn nửa thế kỷ, mà lớp tuổi như chúng tôi nhiều người đã từng thuộc lòng từ thời phổ thông lên đến đại học: ...Ai về ai có nhớ không?/ Ta về ta nhớ Phủ Thông, đèo Giàng/ Nhớ sông Lô, nhớ phố Ràng/ Nhớ từ Cao - Lạng nhớ sang Nhị Hà.../ Những đường Việt Bắc của ta/ Ðêm đêm rầm rập như là đất rung/ Quân đi điệp điệp trùng trùng/ Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan,...

Đoạn cách thành phố Cao Bằng từ cây số 32 đến cây số 29, chúng tôi bắt gặp một tại nạn do một chiếc xe tải quay đầu làm chắn lối đi ở đoạn đường hẹp, khiến cho những chiếc xe container từ phía Cao Bằng xuôi Bắc Kạn xếp hàng đứng chờ dài khoảng ba cây số, nên khi đến Bộ Tư lệnh Biên phòng Cao Bằng đã là 7h30 tối. Các đồng chí trong Bộ Tư lệnh đã chờ sẵn. Mọi người vội vã lên phòng rửa mặt mũi chân tay, rồi xuống dùng bữa tối một cách chóng vánh, bởi ai cũng rất mệt, muốn về phòng ngả lưng cho đỡ mỏi.

Sáng hôm sau, chúng tôi tiếp tục hành quân đi Đồn Biên phòng cửa khẩu Sóc Giang. Tuy còn vài ngày nữa mới đến Tết ông Công, ông Táo của năm con Ngựa, nhưng dọc hai bên đường những rặng bích đào đua nhau khoe sắc thắm cùng những bông mận trắng tinh khôi phơi mình giữa nắng sớm xuân thì. Năm con Ngựa là năm nhuận hai tháng chín nên ngày 16 tháng Chạp đã lập xuân. Chỉ trừ một vài loài cây như dẻ, xau xau là vẫn còn giữ nguyên bộ mặt hanh hao và lạnh giá của ngày đông. Cảnh tượng cây cối khẳng khiu nay đã được thay bằng những bộ cánh xanh non mơn mởn trên khắp các triền núi. Không biết có phải vì thế mà ở vùng đất trời biên cương này, mùa xuân đến sớm hơn những nơi khác?

Vào thăm và làm việc với Đồn Biên phòng Sóc Giang, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn mùa xuân đã thực sự ngập tràn nơi đây. Xe vừa đỗ trước sân, Thượng tá Đào Đức Như, Đồn trưởng, người có tầm vóc bé nhỏ, trạc tuổi ngoài năm mươi, miệng cười tươi, bước nhanh ra bắt tay và chúc sức khỏe mọi người. Ông mời chúng tôi vào phòng chỉ huy uống nước. Sau vài phút trò chuyện vui vẻ, Đồn trưởng Như kể cho chúng tôi nghe câu chuyện rất thú vị, đại ý là khi đi làm công tác dân vận khuyên đồng bào không nên chặt cây, phá rừng đầu nguồn, bà con bảo: Cây trên rừng tự nó sinh ra và lớn lên, cũng như tôm cá ở dưới biển, sao ngư dân được đánh bắt cá còn đồng bào lại không được chặt cây rừng, liệu như thế có công bằng không? Đấy là cái lý của đồng bào, rất khó giải thích.

Lên phòng làm việc, chúng tôi thấy ngay chính giữa phòng một cây đào rừng sum xuê cành, thắm đỏ chi chít hoa, làm cho gương mặt mọi người như được nhuộm bởi sắc hồng của mùa xuân biên giới.

Thượng tá Đào Đức Như cho biết, Đồn Biên phòng cửa khẩu Sóc Giang, trước đây gọi là Sóc Hà, quản lý 55 cột mốc quốc gia gồm 44 cột mốc chính và 11 cột mốc phụ trên chiều dài 20,3km đường biên giới Việt - Trung thuộc địa bàn 3 xã Sóc Hà, Trường Hà và Nà Sác, với tổng số 31 bản, gồm 1.242 hộ, 5.962 khẩu có các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông và Kinh sinh sống, trong đó có 10 bản biên giới. Điều đáng nói là cả ba xã trên đều là đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang. Còn Đồn biên phòng cửa khẩu Sóc Giang đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang từ năm 1979.

Thượng tá Đào Đức Như cho biết thêm, ngay những ngày biển Đông dậy sóng, khoảng tháng 4 - 5/2014, đơn vị đã chủ động ký với phía Trung Quốc cam kết: Đồn trại hữu nghị - Biên giới bình yên. Nhờ đó mà tình hình trật tự xã hội, an ninh biên giới ở khu vực đồn phụ trách luôn ổn định.

Mặc dù vậy, những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Mùi, đồn đã kết hợp với chính quyền huyện Hà Quảng khởi tố 2 vụ buôn lậu pháo nổ qua biên giới với số lượng lên tới 78kg. Ngoài ra, đơn vị còn bắt giữ 10.300kg Thu*c lá sợi, 11 tấn ngô và gia cầm nhập lậu không rõ nguồn gốc.

Trong những năm gần đây, đơn vị đã cùng với các địa phương đứng ra thành lập trạm y tế theo mô hình quân - dân y kết hợp, cùng với Sở Y tế Cao Bằng mỗi năm một lần đưa gần hai chục y, bác sĩ khám chữa bệnh và phát Thu*c miễn phí trị giá trên 20 triệu đồng cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Ngoài ra, đơn vị còn trực tiếp phụng dưỡng 4 thân nhân liệt sĩ và 2 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đến trường, học hết cấp hai, mỗi suất 500.000 đồng/tháng trích từ quỹ tăng gia của đơn vị và tiền lương của cán bộ, chiến sĩ. Để đảm bảo ổn định chính trị tại cơ sở, đơn vị đã cử Phó đồn trưởng Trần Thành Tường, người dân tộc Nùng xuống làm Bí thư, kiêm Chủ tịch UBND xã Trường Hà nhiều khóa liền, được nhân dân tin yêu và cảm phục. Nhờ đó, công tác an ninh biên giới, trật tự xã hội ở địa phương luôn được đảm bảo ổn định.

Trên địa bàn đứng chân của đơn vị có Di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó rộng 190ha, được chia làm 5 khu gồm: khu đầu nguồn, suối Lê Nin, núi Các Mác, khu trung tâm, khu di tích có lán Khuổi Nậm, hang Cốc Bó, nơi Bác Hồ trở về nước sống, làm việc và chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta và khu Kim Đồng. Cán bộ, chiến sĩ của Đồn biên phòng cửa khẩu Sóc Giang đã đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách tham quan mỗi năm, trong đó có đoàn Việt kiều châu Âu gần 70 người đã đến đây và vô cùng cảm kích trước thái độ phục vụ, hướng dẫn tận tình của cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ khu di tích.

Hiện tại khu di tích đang được tôn tạo, chỉnh trang để đón khách tham quan. Ngắm ngôi nhà hai tầng dành cho khách nghỉ lại qua đêm đang được khẩn trương hoàn thành, tôi thầm nghĩ đây sẽ trở thành khu du lịch hướng về cội nguồn thật sự lý tưởng đối với những người muốn khám phá vẻ đẹp của thiên nhiên hoang dã cũng như những di tích lịch sử về ngày đầu trở về nước lãnh đạo kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Rời Sóc Giang đúng vào ngày sương mù dày đặc và mưa phùn, một nét đặc trưng của mùa xuân trên vùng núi cao phía Bắc. Chúng tôi xuôi về theo đường Quốc lộ 4, qua Thất Khê, Đông Khê sang Lạng Sơn. Đường núi trơn trượt, xe chỉ dám bò nhích với tốc độ chừng 10-15km/giờ. Cũng may mà thượng úy Trường, người cầm vô lăng luôn có những câu chuyện tiếu lâm thú vị, làm mọi người trên xe cười đến vỡ bụng, nên cảm giác mệt mỏi trong một chuyến hành quân đường dài bỗng vợi đi đáng kể.

Về đến chợ Đồng Đăng, xe dừng lại. Mọi người ùa vào thăm chợ vùng cao như để thỏa cơn khát tìm về nguồn cội. Có vào đây mới thấy mùa xuân biên cương đã về thực sự. Các cô sơn nữ dân tộc thiểu số diện những bộ đồ thổ cẩm sặc sỡ sắc màu, tay xách túi đi chơi chợ Tết, nụ cười rạng rỡ trên môi như những bông hoa rừng tô thắm thêm cho mùa xuân nơi phố chợ Kỳ Lừa.

Một cụ già cao niên, người dân tộc Tày nói với chúng tôi: Ai za! Tôi đã đi chơi chợ Tết từ hôm Rằm tháng Chạp và sẽ còn đi cho đến Rằm tháng Giêng năm sau. Chợ Tết nơi đây thường kéo dài một tháng, để đồng bào còn đi chơi chợ chứ. Cấy hái xong rồi mà không đi chơi chợ Tết, ở nhà buồn lắm vớ. Chợ Tết là bắt đầu mùa xuân rồi đấy mà...

Bài, ảnh: Đỗ Ngọc Yên

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-noi-bien-cuong-binh-yen-6196.html)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY