Kinh tế xã hội hôm nay

Nữ bác sĩ Quảng Nam khẩn thiết xin được vào TP.HCM chống dịch

Thấy đồng nghiệp kiệt sức vì chống dịch, nữ bác sĩ trẻ ở Quảng Nam ăn không ngon ngủ không yên, bằng mọi giá xung kích vào TP.HCM chống dịch.

Sáng 19/8, bác sĩ Lê Bảo Ngọc, công tác tại Khoa Nội Tiêu hóa Bệnh viện (BV) Đa khoa Quảng Nam, đã lên đường vào TP.HCM để cùng với các đồng nghiệp chống dịch Covid-19. Hành trang chị mang theo là sự tự tin, tấm lòng nhiệt huyết và mong ước mãnh liệt góp chút công sức của mình để cứu chữa cho người bệnh.

Mong góp chút công sức để cứu chữa người bệnh

Như nhiều y - bác sĩ khác, hành trình xung phong vào TP.HCM chống dịch của chị Ngọc là một câu chuyện hết sức cảm động. Chị Ngọc kể thời gian qua, chị tham gia "Thầy Thu*c đồng hành" - mạng lưới có hơn 5.000 thầy Thu*c khắp cả nước nhằm theo dõi, tư vấn, hỗ trợ các F0 từ xa.

Bác sĩ Lê Bảo Ngọc (mang quà) chia tay đồng nghiệp vào Nam chống dịch

Hằng ngày, chị Ngọc gọi điện đến từng bệnh nhân hỏi thăm. Càng gọi điện cho F0, nghe nhiều câu chuyện rất thương tâm về bệnh nhân Covid-19 ở TP.HCM, chị càng không thể ngủ ngon giấc. "Bệnh nhân quá nhiều, quá nặng, quá cần sự can thiệp y tế" - chị Ngọc chia sẻ.

Một hôm, chị Ngọc đọc được dòng trạng thái của bác sĩ Lê Minh Khôi (công tác tại BV Đại học Y dược TP.HCM, hiện phụ trách Trung tâm Hồi sức Tích cực tại BV Quốc tế City) kêu gọi tất cả y - bác sĩ, sinh viên hãy "ra trận".

Ngay sáng hôm sau, chị Ngọc chủ động xin Giám đốc BV Đa khoa Quảng Nam cho chị nghỉ việc không lương một thời gian để vào Nam chống dịch. Lúc đầu, Giám đốc chần chừ nhưng sau khi nghe chị sẽ tham gia vào đội "Hồi sức tích cực" cùng bác sĩ Khôi nên đã ngỏ ý "mở đường".

Bác sĩ Ngọc lao vào tâm dịch để chia sẻ khó khăn với đồng nghiệp

"Thấy mình quá nhiệt huyết, còn rơm rớm nước mắt, Giám đốc bảo nếu chỗ thầy Khôi đồng ý tiếp nhận thì sẽ cho mình vào đó. Vậy là mình cuống quá, viết đại mail gởi thầy Khôi. Sau đó, thầy Khôi gọi cho Giám đốc của mình nên mình được đi luôn, mừng chi mà mừng" - chị Ngọc hào hứng kể.

Trước đó, trên Facebook của mình, bác sĩ Lê Minh Khôi cũng đã chia sẻ nội dung email chị Ngọc viết, khiến mọi người khá xúc động:

"Em không ngủ được, kể cả ăn bữa ngon cũng cảm giác mình bất nhẫn. Em muốn vào Sài Gòn, anh ạ. Anh ơi, em muốn đi quá. Sáng nay em nói chuyện với mẹ. Em nói là thời khắc này, em không thể ăn ngon mặc đẹp, đi làm 8 tiếng ngày về nhà bật điều hòa ngủ được. Em biết sự góp sức của em không là gì, chỉ rất bé, nhưng anh ơi, mỗi cái bé nhỏ mới thành cái lớn được phải không anh?".

Bác sĩ Ngọc là thành viên tích cực của mạng lưới "Thầy Thu*c đồng hành"

Không sợ nhiễm bệnh, chỉ sợ không đủ sức

Chị Ngọc tâm sự rằng nhìn thấy hình ảnh các đồng nghiệp lả đi vì mệt trong các khu cách ly điều trị Covid-19, nghe các F0 trở nặng, chị không cầm lòng được.

Nữ bác sĩ Bảo Ngọc trong lần tham gia tình nguyện khám chữa bệnh cho người dân nghèo tại nước bạn Lào

"Thấy mọi người như vậy trong khi mình ăn ngon, ngủ yên thì thấy thật bất nhẫn quá. Ai cũng hỏi vì sao mình lại muốn ra tuyến đầu chống dịch. Thật ra làm gì có lý do, mình là bác sĩ mà, nơi nào cần thì mình có mặt thôi. Thật ra mình cũng sợ, rất là hồi hộp khi mà đi. Mình không sợ là nhiễm hay sợ ch*t gì cả mà chỉ sợ mình không có đủ sức, không đủ chuyên môn. Lỡ mình không cẩn thận bị nhiễm sẽ trở thành gánh nặng cho đồng nghiệp trong đó" - chị Ngọc bày tỏ.

Nữ bác sĩ Quảng Nam khẩn thiết xin được vào TP.HCM chống dịch

Chị Ngọc nói rằng chưa bao giờ nghĩ hành động của mình như vậy là một cái gì đó lớn lao cả. Chuyến đi này, chị mong được học hỏi nhiều kinh nghiệm chống dịch, làm được nhiều điều giúp người bệnh.

Hành trang của chị mang theo là lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ

"Mình chỉ mong muốn một điều là quê hương bình an, để khi trở về không phải đi thẳng vào khu dã chiến mặc dù đã chuẩn bị cho điều đó. Mình ước gì khi mình trở về, TP. Tam Kỳ đường phố vẫn thênh thang, mọi thứ vẫn yên bình, bệnh viện hoạt động bình thường" - chị Ngọc thổ lộ.

"Em phải an toàn, anh em mình còn có mẹ nữa"

Bác sĩ Ngọc cũng tiết lộ hành trình xin gia đình vào Nam chống dịch cũng lắm ly kỳ. Chị kể: "Chuyện nhà mình mới vui nè, trước khi lên gặp bác Giám đốc, tối đó mình không ngủ được, 5 giờ sáng mình gọi mẹ dậy nói chuyện. Mình nói con không thể ăn ngon, ngủ yên được khi ngày ngày bạn bè con, đồng đội con đang cố gắng hơn 200% sức lực để chống dịch. Thế nhưng, số ca nhiễm Covid-19 vẫn tăng lên hàng ngày. Mẹ chỉ đáp lại một câu, 'Thôi đi cô, tôi thừa biết cô quá mà, nói vòng vo làm gì không biết. Đi đi, nhớ giữ gìn sức khỏe nha con'. Mình nghe mừng hết lớn luôn".

Bác sĩ Ngọc với nụ cười thật tươi

"Qua được ải mẹ, mình phải đối mặt với ông anh đang ở Bình Dương và bà chị đang du học ở Nga nữa. Nghe tin mình xung phong đi vào vùng dịch, ảnh la quá trời, nói thân con gái mà cứ ưng lao đầu vào mấy chỗ nguy hiểm này là sao. Ảnh giận đến mức không nói chuyện với mình luôn. Mình đâu chịu thua, cãi lại nói chứ anh có hơn gì em đâu, mấy tuần nay 2 vợ chồng anh bỏ con ở nhà, đi chở từng mớ rau mớ gạo đến cho công nhân vùng phong tỏa ở Bình Dương. Ngày hôm sau ảnh nghĩ lại, hết giận, chỉ nhắn mình là anh ủng hộ việc làm của em, chỉ mong em an toàn, vì anh em mình còn có mẹ nữa".

Theo Người lao động

Giadinh.net.vn cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/xa-hoi/nu-bac-si-quang-nam-khan-thiet-xin-duoc-vao-tphcm-chong-dich-20210819191533424.htm)
Từ khóa: nữ bác sĩ

Chủ đề liên quan:

nữ bác sĩ

Tin cùng nội dung

  • Thời điểm này, anh băn khoăn nên buông hay giữ cuộc hôn nhân của mình. Sống với người vợ không bao giờ công khai tài chính với chồng, anh cảm thấy niềm tin dành cho vợ vơi dần.
  • Không may bị lây bệnh quai bị từ bệnh nhân, dù được điều trị kịp thời nhưng nữ bác sĩ trẻ đột nhiên bị điếc hoàn toàn sau 5 ngày mắc bệnh.
  • Malaysia-Nữ bác sĩ R. Shalini Devi 32 tuổi, giảm cân nhờ điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và tập luyện mà không cần cắt giảm tinh bột.
  • ​Thuật lại câu chuyện này, nữ bác sĩ nhi khoa vừa kể vừa tủm tỉm cười vì những tình tiết “khó đỡ” của nó. Trong một lần khám chữa bệnh, có một cô gái trẻ chỉ chừng 19 - 20 tuổi, đi cùng một “anh xã” cũng trạc tuổi, bế con đến khám vì lý do cháu bé bú hay bị trớ ngược và thường xuyên đầy hơi bụng. Hỏi chuyện, bác sĩ ngạc nhiên vì sau nửa năm sinh bé, đây là lần đầu cô đưa bé đi khám bác sĩ, mặc dù thỉnh thoảng bé cũng mắc những bệnh thông thường ở trẻ mới sinh.
  • Với nam giới khi chọn nghề y là xác định sẽ phải đối mặt với trực đêm, với áp lực công việc bộn bề, đi sớm về khuya… Gánh nặng ấy khi đặt trên vai một người phụ nữ như chị lại càng vất vả hơn.
  • Khi nhìn lại những bệnh nhân đặc biệt, những cháu bé được điều trị, được cứu sống thì đó chính là niềm an ủi, niềm hạnh phúc đối với tất cả chị em ngành y”...
  • Chiều qua, ngồi trong quán cà phê sang trọng chờ một khách nước ngoài, hẹn gặp để trao đổi về quyền tác giả và sở hữu trí tuệ, tôi nghe được chuyện ở đâu đó thân nhân bệnh nhân tát vào mặt bác sĩ đang khám bệnh cho con mình.
  • Nói đến bác sĩ chuyên khoa 1 Đỗ Hà Thành, trưởng khoa nội bệnh viện huyện ĐạHuoai, tỉnh Lâm Đồng, ai mà không biết đến, nhất là các em nhỏ, các cụ già...
  • Cô đã trở thành Thầy Thu*c nhân dân được bệnh nhân và đồng nghiệp vô cùng yêu quý. Bác sĩ quân y ấy là nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang đầu tiên của thời kỳ đổi mới.
  • Ghép tạng thì vất vả hơn nhiều không phải vì kỹ thuật mổ mà là vì phải bảo vệ món quà tặng vô giá này không bị tổn thương, thời gian mổ vô chừng, đối với từng ca bệnh,
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY