Ngắm ngẫm nghĩ hôm nay

Nữ hoàng Cleopatra - Pharaoh cuối cùng của Ai Cập

(MangYTe) - Cleopatra nổi tiếng vì sắc đẹp mê hoặc, giọng nói có sức hút và sự thông thái của bà. Bà có thể nói 9 thứ tiếng và rất thành thạo trong giao tiếp. Bà đã được hưởng một nền giáo dục toàn diện, được trao quyền và bộc lộ tài lãnh đạo từ rất sớm. Bà đã thành công trong việc cai trị đất nước Ai Cập rộng lớn và được dân chúng tôn thờ như một nữ thần.

Trở thành Nữ hoàng quyền lực khi mới 17 tuổi

Cleopatra, tên đầy đủ là Cleopatra VII Philopator (69 TCN – 30 TCN), người Macedonia, là một Nữ hoàng của Ai Cập cổ đại. Bà là thành viên cuối cùng của triều đại Ptolemy (một triều đại của người Hy Lạp cai trị Ai Cập và các vùng lân cận từ năm 305 TCN đến 30 TCN). Vậy nên người ta mới nói rằng Cleopatra là Nữ hoàng Ai Cập nhưng lại... không phải là người Ai Cập.

Theo lịch sử Macedonia, Cleopatra là hậu duệ của triều đại Ptolemaic, được khai sinh bởi Ptolemy I, một tướng của Alexander Đại Đế. Sau khi Alexander Đại Đế ch*t vào năm 323 TCN, Ptolemy I lên nắm quyền và mở ra một triều đại cai trị nói tiếng Hy Lạp tồn tại gần 3 thế kỷ. Mặc dù không phải là người Ai Cập về mặt dân tộc, nhưng Cleopatra đã tiếp nhận nhiều phong tục cổ xưa của đất nước Ai Cập và là thành viên đầu tiên của dòng họ Ptolemaic học ngôn ngữ Ai Cập.

Sau khi Ptolemy XII băng hà, Cleopatra là người kế vị ngai vàng hợp pháp. Vì Ai Cập không chấp nhận để một người phụ nữ nắm giữ quyền lực tối cao, Cleopatra và người em trai là vua Ptolemy XIII kết hôn và lên ngôi với tư cách là những người đồng trị vì.

Không bao lâu sau, hai người xảy ra bất đồng quan điểm. Một cuộc nội chiến đẫm máu bùng nổ trên đất Ai Cập. Năm 49 trước Công nguyên, Ptolemy XIII lật đổ Cleopatra, buộc nữ hoàng phải chạy trốn sang Syria. Cleopatra đã dành một năm tại đây để tổ chức quân đội riêng và quay lại Ai Cập.

Ngọc lục bảo - Viên đá hộ mệnh của Nữ hoàng Cleopatra.

Đây cũng là thời khắc Hoàng đế La Mã - Caesar bước vào cuộc đời của vị nữ hoàng nổi tiếng bậc nhất lịch sử này. Caesar cũng đã đồng ý sẽ giúp Cleopatra lật đổ Ptolemy XIII để nàng trở thành người duy nhất nắm giữ quyền lực tối cao tại Ai Cập.

Ptolemy XIII tiếp tục dấy quân nổi dậy chống lại Cleopatra. Cuối cùng, đạo quân của pharaoh bị tiêu diệt, còn bản thân Ptolemy cũng bỏ mạng vì ch*t đuối. Cleopatra giành thắng lợi và lúc này, nàng đang mang cốt nhục của Caesar. Caesar đã sắp xếp để Cleopatra kết hôn với cậu em trai 12 tuổi của nàng là pharaoh Ptolemy XIV. Bề ngoài, cả hai đồng trị vì nhưng quyền lực thực chất tập trung vào tay Cleopatra.

Caesar và Cleopatra cũng tổ chức đám cưới bí mật theo nghi thức Ai Cập. Cuộc hôn nhân này vốn không được thừa nhận tại Rome vì Caesar là người đàn ông đã có vợ và Caesar cũng vi phạm pháp luật vì kết hôn với một phụ nữ ngoại quốc. Không bao lâu sau, Caesar lên đường trở lại Rome.

Chiếc ghế quyền lực của Cleopatra không hoàn toàn vững chắc, nàng buộc phải phụ thuộc vào đế chế La Mã. Một năm sau khi sinh Caesarion – con trai của Ceasar và Cleopatra – vị nữ hoàng đã đem con rời khỏi Ai Cập và cập bến thành Rome. Sau khi Caesar bị ám sát, Cleopatra thất bại trong việc đưa Ceasarion lên ngôi Hoàng đế La Mã, hai mẹ con liền quay về Ai Cập.

Năm 44 trước Công nguyên, Caesarion trở thành người đồng trị vì với mẹ mình là nữ hoàng Cleopatra, sau khi pharaon Ptolemy XIV qua đời. Cleopatra cai trị với tư cách Nữ vương trong giai đoạn năm 51 TCN tới khi qua đời ở tuổi 39 vào năm 30 TCN.

Nữ hoàng tài sắc vẹn toàn

Nữ hoàng Cleopatra có thể nói 9 thứ tiếng và cực kỳ thông minh. Bà còn có trong đầu một khối lượng kiến thức cực kỳ lớn từ thiên văn, địa lý cho tới lịch sử, được trao quyền và bộc lộ tài lãnh đạo từ rất sớm. Bà đã xây dựng một đội quân hùng hậu, một hạm đội các tàu chiến để đối đầu với đế chế La Mã, giúp cho Ai Cập hùng mạnh và giữ được hòa bình.

Ngoài trí thông minh và sắc đẹp, Cleopatra còn may mắn được sở hữu một giọng nói ngọt ngào, một câu chuyện dù tẻ nhạt đến đâu nhưng được kể bằng giọng “đáng yêu” của nữ hoàng cũng trở thành một câu chuyện đầy lôi cuốn.

Trong cuốn sách về cuộc đời của Cleopatra, sử gia Plutarch viết: “Lời nói của Cleopatra chứa đựng một sức mê hoặc khó diễn tả. Tài ăn nói, tính cách của bà thể hiện qua từng hành động. Giọng nói của bà thật ngọt ngào...”.

Nhưng trên hết, bí quyết để Cleopatra giữ chân được những người tình có lẽ nằm chính ở “nghệ thuật yêu đương” vô cùng tinh tế. Đàn ông thời đó, đặc biệt là các vương tử, danh tướng và hoàng đế đều muốn được một lần “gần gũi” Cleopatra, để được tận hưởng cảm giác thăng hoa và sự “điêu luyện” của nữ hoàng trong lĩnh vực “yêu đương”.

Dù là người cổ đại nhưng Cleopatra đã biết sử dụng những bộ quần áo được cắt xén sao cho khoe được đường cong của phụ nữ khiến đàn ông không thể cưỡng lại được. Thêm vào đó, mùi hương cũng là thứ vũ khí sắc bén mà nữ hoàng dùng để trói buộc tâm trí của các chàng trai.

Nữ hoàng Cleopatra - Pharaoh cuối cùng của Ai Cập.

Cleopatra từng được coi là nhà tinh chế nước hoa kỳ cựu khi sáng chế ra loại tinh dầu đặc biệt, tỏa ra hương thơm làm đàn ông mê đắm điên dại, mất hết lý trí và nghe theo mọi yêu cầu của bà. Ngoài ra, để tăng thêm độ quyến rũ, nữ hoàng Cleopatra còn dùng xạ hương để bôi vào lông mày, dùng nước hoa bôi vào môi kích thích khứu giác của mình và bạn tình.

Bên cạnh mùi hương thì lịch sử còn ghi lại, Nữ hoàng Cleopatra là một người phụ nữ rất mê những viên ngọc lục bảo Emarald và đặt niềm tin tuyệt đối vào loại ngọc này. Điển hình là bà đã dùng loại ngọc này để trang hoàng cho mọi thứ trong cung điện của mình, từ phòng ngủ cho đến bồn tắm, ngay cả trang sức bà cũng chỉ ưng ý khi nó được đính ngọc lục bảo.

Cleopatra dùng ngọc lục bảo như một vũ khí có thể quyến rũ và làm lóa mắt đàn ông, khiến họ say mê mình một cách vô điều kiện. Theo nhiều sử gia, Cleopatra luôn mang theo mình một viên đá Emerald, khi gặp được đối tượng ưng ý, bà sẽ đặt viên đá lên tim và ước nguyện thế là đối tượng sẽ hoàn toàn bị bà thu phục và nguyện dâng cho bà tất cả những gì bà muốn.

Giọng nói ngọt ngào, trí tuệ tinh thông cùng thân hình gợi cảm và mùi hương quyến rũ, Cleopatra đã sớm biết tổng hòa các bí quyết quyến rũ để đánh gục mọi trái tim của người đàn ông say mê sắc đẹp. Nhờ tài trí thông minh, bà đã biết sử dụng sắc đẹp để giúp người dân Ai Cập cổ có được cuộc sống ấm no, sung túc.

Theo lưu truyền của người La Mã, Cleopatra tự kết liễu cuộc đời mình bằng vết cắn chí mạng của một con rắn độc, hai người tì nữ đi theo bà cũng vì đây mà bỏ mạng. Con rắn này được giấu trong một chiếc giỏ được dâng lên bà. Có câu chuyện cho rằng bà đã để cho con rắn mào gà cắn ch*t vì tin rằng ch*t như thế sẽ đạt tới “bất tử”. Người Ai Cập rất sợ và tôn sùng rắn, chính cái vương miện mà Cleopatra đội và cây gậy vương quyền cũng có hình con rắn.

Nhiều người vẫn công nhận rằng những việc mà Cleopatra làm, dù đôi khi hơi tàn nhẫn, đều là vì đất nước của mình. Bà đã cố duy trì nền độc lập của Ai Cập trước bao nhiêu ý đồ xâm lăng của các đế chế hùng mạnh. Nhưng tiếc thay, giấc mơ đó cũng đã ra đi sau cái ch*t của bà.

Thành Trung (biên soạn) / Phap luật bốn phương

Mạng Y Tế
Nguồn: Báo pháp luật (https://baophapluat.vn/4-phuong/nu-hoang-cleopatra-pharaoh-cuoi-cung-cua-ai-cap-539288.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY