Kinh tế xã hội hôm nay

Phải tạo chuyển biến căn bản về đạo đức, lối sống của học sinh, sinh viên

Đó là một trong những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức sáng 6/8.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định, trong năm học 2018-2019, ngành GD-ĐT tuy đối diện với không ít khó khăn, thách thức nhưng đã đạt nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 được tổ chức công khai, minh bạch, khách quan, chặt chẽ và nền nếp, chất lượng hơn cùng nhiều việc làm khác đã tạo niềm tin cho toàn xã hội. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu ngành giáo dục thẳng thắn nhìn vào những hạn chế, yếu kém, tồn tại để tìm giải pháp khắc phục như: công tác rà soát, sắp xếp hệ thống trường, lớp còn kém; còn tình trạng thừa - thiếu trường, lớp; thừa - thiếu giáo viên cục bộ; việc sắp xếp các trường sư phạm, cơ sở đại học còn chậm, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành giáo dục. Trong phát biểu chỉ đạo của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành nhiều thời gian đề cập vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Thủ tướng yêu cầu ngành giáo dục đặc biệt lưu ý, đó là việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên chưa đúng mức; việc giáo dục các kỹ năng mềm, kỹ năng thực hành còn hạn chế. Một bộ phận học sinh, sinh viên, giáo viên vi phạm đạo đức lối sống, gây bức xúc xã hội, ảnh hưởng đến thuần phong, mỹ tục của người Việt...

Cách đây không lâu, người ta “choáng váng” vì một đoạn video clip nữ sinh đánh bạn đăng tải trên internet. Trong clip này, một cô bé đang bị nữ sinh tóc ngắn vừa đánh tới tấp vào mặt vừa chửi tục với kiểu “dạy dỗ” rất anh chị. Trong khi đó, nhiều học sinh khác ngồi chễm chệ ở ghế đá và thản nhiên nhìn vụ đánh hội đồng này. Một thái độ vô cảm không thể ngờ được! Sau đó, dư luận lại đau lòng trước tình trạng gia tăng bạo lực học đường của nữ sinh Việt Nam được phản ánh liên tục trên các phương tiện truyền thông.

Nhiều em học sinh không tôn trọng thầy cô giáo, có những hành vi ứng xử vô lễ với thầy cô giáo. Đây là chuyện đau lòng của ngành giáo dục, khi mà đạo lý thầy trò bị xem nhẹ, đạo đức học sinh xuống cấp trầm trọng.

Từ những sách báo không lành mạnh đến những băng đĩa phim sex được các bạn trẻ trao cho nhau cách dễ dàng, từ những quán karaoke buổi tối đến những vũ trường, quán bar thâu đêm, rồi vào nhà nghỉ. Mặt khác, tình trạng đua xe cũng là một trong những vấn đề nổi cộm đang được diễn ra ở nhiều nơi. Hình ảnh những bạn sinh viên tụ tập nhau đua xe, không tuân theo Luật Giao thông vẫn xuất hiện nhan nhản. Đau lòng hơn nữa, số đông trong những bạn đó gia đình đều khó khăn. Để có tiền gửi lên thành phố cho con ăn học, cha mẹ các bạn ở quê đã phải bòn từng gánh rau, đấu thóc. Để mua cho con điện thoại, xe máy, máy tính xách tay để tiện học tập và đi lại, bố mẹ phải dành dụm, dè sẻn chắt chiu từng chút. Ngờ đâu, tất cả đều có thể vào tiệm cầm đồ chỉ sau vài cuộc ăn chơi trác táng hoặc sau vài đòn thất thủ trong các trò cá độ hoặc L* đ*.

Các bạn nữ thì bị ảnh hưởng quá nhiều của những bộ phim lãng mạn, từ cách ăn mặc đến đầu tóc hay phong cách thời trang hở hang. Nghiêm trọng hơn, các bạn còn chạy theo một kiểu tình cảm phương Tây chớp nhoáng không giới hạn. Bên cạnh đó, tình trạng sống thử và quan hệ T*nh d*c trước hôn nhân ngày càng tăng cao. Đồng thời, tình trạng nạo Ph* thai cũng đang ở mức báo động...

Cũng tại Hội nghị này, Thủ tướng yêu cầu ngành giáo dục: “Năm học này phải tạo ra sự chuyển biến căn bản về đạo đức, lối sống, kể cả kỹ năng sống của học sinh, sinh viên. Việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó, nhà trường đóng vai trò trung tâm”. Với tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các thầy cô phải gương mẫu, là tấm gương đạo đức quý báu nhất để học sinh noi theo. Bộ GD-ĐT cần rà soát lại các chương trình giáo dục đạo đức, lối sống, bảo đảm thiết thực, khả thi, hiệu quả. Việc giáo dục đạo đức, lối sống không chỉ được thực hiện trong trường học, mà đặc biệt thông qua các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo như tổ chức viếng nghĩa trang liệt sĩ, thăm các gia đình chính sách, thăm nơi đồng bào còn có cuộc sống khó khăn... để học sinh, sinh viên thấu hiểu hơn cuộc sống. Sau hội nghị này, Bộ GD-ĐT chủ trì, trình Thủ tướng ban hành chỉ thị về giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên trước thềm khai giảng năm học mới.

Đồng thời, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội có trách nhiệm cùng nhà trường giải quyết các vấn đề đạo đức trong và ngoài trường học trên địa bàn như bạo lực học đường, tình trạng mất an toàn giao thông, bán hàng quán trước cổng trường, tệ nạn xã hội...

Cả xã hội cùng chung tay, hy vọng vấn đề đạo đức, lối sống của học sinh sinh viên - những thế hệ tương lai của đất nước sẽ có bước chuyển mình mạnh mẽ.

HỒNG LIÊN

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/phai-tao-chuyen-bien-can-ban-ve-dao-duc-loi-song-cua-hoc-sinh-sinh-vien-n161815.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY