Tử vi sức khỏe hôm nay

Tử vi sức khỏe

Phật Thích Ca Nhập Niết Bàn ngày 15 tháng 2 âm lịch

Ngày Rằm tháng Hai âm lịch vào năm 544 Trước Công Nguyên, Cách chúng ta đang sống 2566 năm, Đức Phật Thích Ca đã nhập Niết Bàn.

Ngày Rằm tháng Hai âm lịch vào năm 544 Trước Công Nguyên, Cách chúng ta đang sống 2566 năm, Đức Phật Thích Ca đã nhập Niết Bàn. Ngay lúc ấy, mặt đất rung động mạnh. Trời, người, muôn vật đều khủng khiếp kinh hoàng. Chư Thiên Trời Đao Lợi ở giữa hư không rải hoa như tuyết rơi để cúng dường Đức Bổn sư Từ phụ Thích Ca Mâu Ni Phật nhập Niết bàn.

1. Bữa ăn cuối cùng của Phật trước khi nhập Niết Bàn:

Thế là ... Tám mươi mùa xuân đã qua từ ngày Phật xuất thế dưới cây Vô ưu.
Lúc bấy giờ Ngài vào hạ ở rừng Sa-la trong xứ Câu- Thi cách thành Ba-la-nại chừng 120 dặm. Một hôm Ngài bảo Đại Đức A-nan rằng.
… A-nan! Ðạo ta nay đã toàn vẹn. Như xưa ta đã nguyện, nay ta đã đủ bốn chúng đệ tử : Ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, Tỷ-khiêu, Tỷ-khiêu-ni và nhiều đệ tử có thể thay ta chuyển xe Pháp.
… Còn trong dân gian ... Ðạo ta đã truyền khắp nơi. Bây giờ ta có thể rời các người mà ra đi. Nay ta cũng đã 80 tuổi rồi. Thân hình ta bây giờ như một cỗ xe đã mòn rã, nếu còn đi được là nhờ những sợi dây ràng rịt các bộ phận với nhau …
... Ta sẽ mở dây cho chúng tan rã. Thân này ta đã mượn làm xe để chở Pháp, nay xe cũng vừa mòn mà Pháp cũng đã lan khắp, ta còn nấn ná làm gì trong cái thân tiều tụy này nữa?
... A-nan con ơi ... Trong ba tháng nữa ta sẽ nhập Niết Bàn.
Nghe Phật dạy ... Đại Đức A-nan gieo năm vóc xuống đất bạch Phật.
Bạch Thế Tôn. Xin Ngài hãy ở nán lại vì rất nhiều đệ tử còn phải nhờ đến sự chỉ giáo của Thế Tôn để chứng đạo.
A-nan ơi! Chính vì muốn để cho họ mau chứng đạo mà ta phải đi. Nếu chim mẹ cứ mớm mồi mãi cho con, thì đến bao giờ chim con mới bay được? Gần nửa thế kỷ, họ quanh quẩn bên chân ta, bây giờ phải đến lúc họ rời ta để tự bước tới như đứa trẻ mới tập đi, phải có một lúc rời tay mẹ...
Trong mấy tháng cuối đời tuy thân hình Ngài đã gầy còm, mệt mỏi. Phật vẫn đi truyền giáo như thường. Nhưng Ngài không đi xa, chỉ quanh quẩn trong địa hạt xứ Câu Thi .
... Đại Đức A-nan thường xin Ngài hãy tịnh dưỡng trong những ngày cuối cùng của Ngài. Nhưng Ngài dạy rằng ...
Thân ta tuy có kém mạnh khoẻ, nhưng lòng Từ bi của ta, Trí sáng suốt của ta có kém sút đâu? Ta còn tại thế ngày nào thì ngày ấy phải là ngày không vô ích.
... Một hôm, Phật đi thuyết pháp ngang một khu rừng, có một người tên là Thuần Đà làm nghề đốt than đến quỳ trước Phật và bạch rằng :
Kính lạy Ngài, ở đây làng mạc không có, mà trời sắp đứng trưa. Xin Ngài hãy về nhà con ở gần đây thọ trai rồi hãy đi. Con nghe tin Ngài qua đây nên đã đi hái một thứ nấm rất quý để dâng Ngài. Xin Ngài đừng từ chối mà tủi nhục lòng con.
... Phật im lặng cùng các đệ tử đi theo ông Thuần Đà về nhà. Những thức ngon vị lạ đã dọn la liệt trên bàn dài, ông Thuần-đà lại bưng lên để trước mặt Phật một bát cháo nấm ... Hơi nóng vẫn còn bốc lên nghi ngút...
Phật thọ trai xong ngài nói với các đệ tử:
Bát nấm này độc, các ngươi hãy đem đổ đi không nên ăn.
Ông Thuần Đà kinh hãi, vật mình lăn khóc bên chân Phật.
Phật dạy:
“Người không nên than khóc cũng đừng hối hận. Phải vui sướng lên, vì người đã được cúng dàng bữa cơm cuối cùng cho ta. Có hai bữa ăn đáng kỷ niệm nhất. Lần đầu là của nàng Sujata cúng dàng ta trước khi ta thành Ðạo và bữa cơm này trước khi ta vào Niết bàn.
... Phật từ giã ông Thuần Đà cùng các đệ tử ra đi. Ðược một đoạn đường ... Ngài nghe trong mình khó chịu. Phật đưa bình bát và chiếc võng cho A-nan và nói :
... A-nan! Hãy mang bình bát dùm ta và tìm hai cây Sa-la ở trên đồi kia, treo võng lên cho ta nằm nghỉ ...
Phật đến bên cây Sa-la nằm xuống võng. Ðầu Ngài trở về hướng Bắc, mình nghiêng về tay phải, hai chân tréo vào nhau. Trước mặt đấng Sáng suốt chói lọi một mặt trời tròn xoe và đỏ rực. Hoa trắng lác đác rơi dọc theo mình Ngài trên thảm cỏ xanh. Hương ở đâu bay lại, thơm ngát cả khu rừng. Ðàn khe và sáo gió, cùng nhau hoà một điệu nhạc ... Chư Thiên và loài người đều tuôn giọt nước mắt ... Tiễn Biệt Ngài.

2. Lòng Tôn Kính Phật Vô Biên của Thiên Chủ Đế Thích

Trong nhiều kiếp, Thiên chủ Đế Thích luôn cúng dường những bậc tu hành chân chính. Đến khi Đức Thế Tôn giáng thế, Ngài âm thầm dõi theo bảo vệ từ khi Người phát nguyện xuất gia, trong đêm Người thành đạo, khi Người vân du giáo hóa chúng sinh... và còn dốc lòng nhiếp phục ngoại đạo. Ngài trở thành một vị Hộ Pháp Thiên Vương của chánh Pháp.
Khi Đức Thế Tôn sắp nhập Niết Bàn, thân tứ đại đã mòn mỏi, Người lâm trọng bệnh. Từ trên cõi trời, Thiên chủ Đế Thích hiện thân người để hầu hạ Đức Ân Sư. Ngài đến quỳ bên sàng tọa của Đức Thế Tôn. Thế Tôn trìu mến hỏi:
- Này Đế Thích, Thiên Vương cõi trời Tam Thập Tam, Ngài bận trăm công nghìn việc, cớ sao lại đến đây?
Ngài Đế Thích cung kính chắp tay:
- Kính bạch Đức Thế Tôn, chẳng bao lâu nữa Người sẽ nhập Niết Bàn nên con không bao giờ còn được gặp lại Thế Tôn nữa. Những giây phút cuối cùng này, xin Thế Tôn cho phép con được ở bên hầu hạ Người.
Đức Thế Tôn không đáp lại mà chỉ nhìn Ngài từ ái, Vị Thiên chủ quỳ sát bên, ân cần xoa bóp bàn chân của Thế Tôn. Sau đó lại tự tay chuẩn bị đồ ăn, thức uống, nấu nước và xin Thế Tôn ban ân huệ được tắm cho Người. Riêng chậu đựng chất thải của Thế Tôn, Ngài cẩn thận đội lên đầu, lặng lẽ mang đi rửa sạch rồi quay trở lại hầu hạ. Chư vị Tỳ kheo chứng kiến mà xúc động khôn tả.
Đức Thế Tôn dịu dàng hỏi:
- Này Đế Thích, đối với chư Thiên, mùi hôi của thân thể con người lan xa đến mười do tuần, đầy ô uế và bất tịnh. Như Lai đã có chư Tỳ kheo chăm sóc, sao Thiên Vương phải vất vả như vậy?
Thiên chủ Đế Thích chắp tay quỳ thưa:
- Bạch Thế Tôn, ân nghĩa của Thế Tôn đối với con là vô hạn. Dù cho con có cúng dường thân này lên Người suốt vô lượng kiếp cũng không thể đền đáp, huống chi là chút việc nhỏ này. Đối với con, bất cứ điều gì của Thế Tôn cũng đều cao quý.
Bạch Thế Tôn, hương thơm giới đức của Người tỏa ngát khắp pháp giới mười phương. Hơn nữa, dù mùi hôi của con người có ghê sợ đến đâu, vì lòng yêu kính Người con cũng chấp nhận. Từng giây, từng phút được chăm sóc cho Thế Tôn là niềm hạnh phúc lớn lao nhất trong đời con.
Đêm cuối, Thiên chủ Đế Thích cùng Thiên chúng hội tụ bên Đức Thế Tôn không rời nửa bước. Ngài ngắm nhìn dung nghi, lắng nghe từng hơi thở, khắc sâu từng lời dạy của Thế Tôn vào tâm khảm. Cuối cùng, khi Tôn giả A Nậu Lâu Đà (Anuruddha) tuyên lên rằng: Thưa Đại chúng, Đức Thế Tôn đã nhập Niết Bàn, cả đất trời như lắng đọng lại trong khoảnh khắc nghẹn ngào mà thiêng liêng đó. Khi ấy, trên tầng không, Thiên chủ Đế Thích cất lời vang vọng, cúng dường lên Đấng Thiên Nhân Sư bằng những bài kệ nói về quy luật vô thường, về sự vĩ đại của Thế Tôn...

3. Những Lời Phú chúc cuối cùng của Đức Phật trước khi nhập Niết Bàn:

Nghe tin Ngài sắp nhập Niết Bàn, dân chúng quanh vùng đến kính viếng rất đông, trong số ấy có một ông già ngoài tám mươi tuổi, tên Tu Bạt Đà La đến xin xuất gia. Ngài hoan hỷ nhận lời. Đó là người đệ tử cuối cùng trong đời Ngài.

Lúc bấy giờ các đệ tử Ngài đều có mặt đông dủ, chỉ trừ ông Ca Diếp vì đi thuyết pháp xa, chưa kịp về. Ngài hội tất cả đệ tử và tín đồ đến quanh Ngài và dặn dò một lần cuối. Ngài Phú chúc như sau:

    Y, bát của Ngài sẽ truyền cho ông Ma Ha Ca Diếp

Sau khi đã dặn dò cặn kẽ xong, Ngài nhập định rồi vào Niết bàn. Lúc bấy giờ nhằm ngày Rằm tháng Hai âm lịch. Rừng cây Sa La tuôn hoa xuống phủ lên thân Ngài, trời đất u ám, cây cỏ héo úa, chim chóc im bặt tiếng hót, vạn vật như chìm lặng trong những giây phút nặng nề của sự chia ly. Các đệ tử tẩm liệm xác thân Ngài vào kim quan và bảy ngày sau, đưa kim quan Ngài vào thành Câu Thi để tại chùa Thiện Quang và làm lễ trà tỳ (hỏa thiêu).

Nam Mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Tác giả: Tiểu Ngọc

Mạng Y Tế
Nguồn: Lịch vạn niên 365 (https://lichvannien365.com/phat-thich-ca-nhap-niet-ban-ngay-15-thang-2-am-lich.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY