Với hiện trạng nguồn năng lượng từ thủy lợi và than đang dần suy kiệt, phát triển năng lượng từ mặt trời, gió, rác thải được xem là giải pháp bền vững cho tương lai. Không chỉ tận dụng được tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên vô tận, giảm hiệu ứng nhà kính, phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) còn mang lại giá trị lớn về kinh tế cho ngành công nghiệp năng lượng của đất nước.
Đại diện Công ty CP Công nghệ tích hợp Sao Nam (TP.HCM) giới thiệu đến khách hàng vật liệu xây dựng phát điện. Ảnh: Hoàng Lộc |
TIN LIÊN QUAN |
---|
|
Chia sẻ tại hội thảo Phát triển bền vững nguồn NLTT nối lưới và điện mặt trời trên mái nhà do Bộ Công thương tổ chức mới đây, ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho rằng, hệ thống lưới điện Việt Nam đang chịu nhiều áp lực về nguồn cung cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đó là các nguồn điện hóa thạch như: than đá, dầu và khí tự nhiên và urani trong nước dần cạn kiệt, phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu; tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến khô hạn, nhiều hồ thủy điện thiếu nước để sản xuất điện; một số dự án điện theo quy hoạch bị chậm tiến độ hoặc chưa phát huy hiệu quả, trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện tăng bình quân trên 10%/năm.
Theo tính toán của ngành điện, giai đoạn 2021-2025, cả nước sẽ thiếu hụt 11-13 tỷ kWh điện. Trong đó, các tỉnh miền Nam, các tỉnh phát triển công nghiệp mạnh có nguy cơ thiếu điện cao hơn. Việc thiếu điện sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và đời sống sinh hoạt của người dân, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội.
Trước nguy cơ này và hướng đến mục tiêu phát triển nền kinh tế xanh bền vững, thời gian qua, Chính phủ, Bộ Công thương đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích các nhà đầu tư, DN trong và ngoài nước tham gia nghiên cứu, sản xuất, phân phối và phát triển NLTT tại Việt Nam. Nhiều dự án NLTT từ gió, rác thải và đặt biệt từ mặt trời được khởi động và mang lại hiệu quả tích cực.
Tính đến nay, cả nước đã phát triển được 5,5 ngàn MWp điện NLTT, trong đó có 5 ngàn MWp điện mặt trời mái nhà đi vào vận hành, quy mô nối lưới đạt 4,5 ngàn MWp. NLTT đã đóng góp mỗi tháng trên 3 tỷ kWh, chiếm khoảng 10% công suất và 6% sản lượng thương phẩm cả nước.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng, mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên việc phát triển NLTT, nhất là điện gió, điện mặt trời, trong đó có điện mặt trời mái nhà vẫn còn một số hạn chế nhất định và chưa tương xứng với tiềm năng to lớn, đặc biệt ở khu vực miền Trung và miền Nam. Đó là, hạ tầng lưới điện truyền tải đã không theo kịp tiến độ của các dự án NLTT, dẫn đến các dự án điện gió, điện mặt trời quy mô nối lưới không giải tỏa hết 100% công suất.
Đối với điện mặt trời mái nhà, dù rất tiềm năng và dễ làm nhưng cũng chưa đạt được như kỳ vọng vì chi phí đầu tư ban đầu còn khá cao, chưa có sự tham gia, hỗ trợ mạnh mẽ từ các tổ chức tài chính; thị trường sản phẩm, dịch vụ điện mặt trời khá đa dạng nhưng chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể gây khó khăn cho người dân, DN mong muốn đầu tư. Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng, để các nguồn năng lượng được khai thác tối đa, rất cần sự nhập cuộc nhanh chóng của các ban, ngành, địa phương, DN trong và ngoài nước.
Đồng Nai là tỉnh có sản lượng tiêu thụ điện lớn nhất cả nước, khoảng 14 tỷ kWh/năm, (chiếm 6% sản lượng điện toàn quốc). Trung bình mỗi năm, nhu cầu sử dụng điện của Đồng Nai tăng hơn 7%, trong đó, khoảng 30% khách hàng và khoảng 75% sản lượng điện cung ứng cho công nghiệp - xây dựng.
Thực hiện chủ trương phát triển NLTT của Nhà nước, đến cuối tháng 6-2020, Đồng Nai có trên 2,1 ngàn khách hàng lắp đặt điện mặt trời mái nhà với tổng công suất trên 43,8 ngàn kWp, trong đó có 1,8 ngàn khách hàng hộ gia đình. Tổng sản lượng điện mặt trời phát lên lưới là gần 12 triệu kWh. Đồng Nai được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển NLTT, đặc biệt là năng lượng từ mặt trời và rác thải, tuy nhiên, chưa có nhiều DN, nhà đầu tư tham gia.
Việc phát triển NLTT để giải quyết bài toán nguồn cung của ngành điện, tận dụng tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cho tương lai là cần thiết. Đối với Đồng Nai, phát triển NLTT đáp ứng yêu cầu phát triển còn có ý nghĩa lớn trong thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, giảm thiểu hiệu ứng nhà kính do phát triển công nghiệp.
Mô hình điện mặt trời mái nhà, một trong những nguồn năng lượng tái tạo được ưu tiên phát triển. Ảnh: Hoàng Lộc |
Đánh giá về tiềm năng phát triển NLTT, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho rằng, Đồng Nai có 32 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích đất 10,2 ngàn ha, trong đó, diện tích xây dựng nhà xưởng gần 7ha, là diện tích rất lớn để phát triển điện mặt trời. Thực tiễn hiện nay, có DN đã đầu tư hệ thống điện mặt trời trên mái nhà xưởng với công suất khá lớn phục vụ cho sản xuất công nghiệp và bán lại cho ngành điện nhưng chưa nhiều.
Bên cạnh đó, trong quy hoạch, Đồng Nai có nhiều dự án nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn, các dự án này hoàn toàn có thể đầu tư phát triển điện mặt trời mái nhà.
Một nguồn NLTT tiềm năng khác đó là nhiệt điện từ rác thải. Đồng Nai đặt mục tiêu đến cuối năm 2020 thực hiện thu gom 100% chất thải công nghiệp, 100% rác thải sinh hoạt, đây sẽ là nguồn phát triển nhiệt tại các khu xử lý rác tập trung.
Ông Nguyễn Thượng Quân, Giám đốc Công ty CP Công nghệ tích hợp Sao Nam (TP.HCM), đơn vị đang có 2 dự án điện mặt trời tại TP.Biên Hòa và H.Long Thành cho rằng, Đồng Nai có tiềm năng lớn khai thác điện mặt trời mái nhà. Theo bản đồ bức xạ và đo đếm thực tế, điện năng sản sinh tại Đồng Nai là rất tốt, tốt hơn tại TP.HCM và các tỉnh miền Tây. Mặt khác Đồng Nai có nhiều KCN, khu phát triển nông nghiệp có diện tích mái nhà lớn.
“Chúng tôi đang tìm thuê các mái nhà xưởng trong KCN hoặc dự án nông nghiệp công nghệ cao có diện tích mái lớn tại Đồng Nai để đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà, sau đó bán điện cho chủ cơ sở với giá thấp hơn giá bán cho ngành điện. Đây là mô hình mới mẻ và đem lại lợi ích về kinh tế, môi trường cho cả đôi bên. Chủ cơ sở cho thuê không phải bỏ ra chi phí lớn ban đầu mà vẫn được sử dụng nguồn năng lượng sạch tại chỗ với giá thấp. Còn công ty có sẵn mái nhà để lắp đầu tư. Công ty chúng tôi dự kiến lắp đặt khoảng 20MWp tại Đồng Nai trong 6 tháng cuối năm 2020” - ông Quân cho hay.
Nhận thấy tiềm năng phát triển điện mặt trời mái nhà, từ năm 2019 đến nay, Công ty CP Năng lượng xanh OnEnergy (TP.Biên Hòa) đã đầu tư và khai thác nhiều dự án điện mặt trời tại các KCN trên địa bàn tỉnh. Đại diện công ty này cho biết, đã đầu tư trên 60 tỷ đồng lắp đặt 2 hệ thống điện mặt trời tổng công suất hơn 4,2 MWp tại KCN Tam Phước.
Với hệ thống này, công ty giảm được gần 800 triệu đồng tiền điện hằng tháng và bán ngược lại cho ngành điện tổng trên 3,2 triệu kWh với số tiền thu về hơn 6 tỷ đồng; hoàn thành lắp đặt dự án điện mặt trời 2MWp tại KCN Nhơn Trạch 5 (H.Nhơn Trạch), bán điện lại cho các DN trong KCN. 2 công trình điện mặt trời khác tại Đồng Nai dự kiến đưa vào vận hàng trong tháng 8 tới là dự án công suất 2,5MWp tại KCN Nhơn Trạch 3 (H.Nhơn Trạch) và dự án công suất 3,2MWp tại KCN An Phước (H.Long Thành).
“Trong tương lai, chúng tôi còn có nhiều dự án điện mặt trời mái nhà khác tại các khu, cụm công nghiệp ở Đồng Nai. Điều này sẽ giúp DN chủ động nguồn điện, giảm chi phí sản xuất, có thêm nguồn thu” - đại diện Công ty CP Năng lượng xanh OnEnergy cho hay.
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai cho rằng, điện mặt trời mái nhà là nguồn năng lượng “sạch”, tái tạo, thân thiện với môi trường và không bị cạn kiệt. Việc phát triển điện mặt trời đem lại lợp ích kép về kinh tế, năng lượng và môi trường, do đó, ngành điện đang nỗ lực tuyên truyền người dân, DN phát triển điện mặt trời mái nhà. “Công ty đã sẵn sàng tiếp nhận nguồn NLTT từ các khách hàng, xây dựng phương án thanh toán tiền linh hoạt, do đó, các hộ gia đình, DN, nhà đầu tư yên tâm lắp đặt” - ông Thành nói.
Chủ đề liên quan: