Phật thủ có dáng vẻ và màu sắc sáng đẹp, lại tỏa hương thơm ngát và lâu bền, vì thế có vị trí trang trọng trong mâm ngũ quả ngày Tết trên bàn thờ tổ tiên. Người xưa thường dùng phật thủ làm lễ vật mừng thọ tiến cống. Chơi xong Tết, phật thủ có thể dùng làm thức ăn và Thuốc giữ sức khỏe cả năm. Rất tiếc, nhiều người không biết cách dùng phật thủ hoặc dùng tùy tiện rất phí phạm.
Cây phật thủ có tên khoa học Citrus medica var. sarcodactilis (Noot) Swingle. Họ cam quýt (Rutaceae). Phật thủ thái lát phơi khô hãm nước sôi như trà để uống. Quả phật thủ dùng làm Thuốc phải hái khi vỏ còn xanh hoặc ngả vàng, thái lát dọc phơi khô (phật thủ phiến). Phật thủ để càng lâu càng tốt gọi là trần phật thủ. Chúng dễ bị mốc nên phải phơi khô và bảo quản tốt.Theo y học hiện đại, phật thủ chứa nhiều vitamin và khoáng chất, hàm lượng cao gấp nhiều lần so với quả khác. Phật thủ chứa đạm 0,9g, mỡ 0,1g, đường7,7g, xơ 0,3g, canxi 50mg, sắt 4mg, kẽm 8,35mg, selen 2,3microgam, photpho 32mg, kali 170mg, natri 10mg, đồng 0,03mg, magie 7mg; vitamin A 13microgam, B1 0,02mg, B2 0,03mg, B6 0,04mg, C 12mg, E 0,2mg, K 9microgam, Folacin 44microgam, pantothenic ax 0,46mg, niacin 0,3mg.
Theo Đông y, phật thủ tính ôn, vị cay, đắng, chua. Vào 2 kinh tỳ, phế. Tính năng điều khí toàn cơ thể, hòa trung, kiện vị, giảm ho, long đờm. Ngày dùng 3-6g dạng bột và Thuốc sắc. Chủ trị các bệnh ở gan, dạ dày, tức ngực khó thở, đầy bụng, buồn nôn, tiêu hóa kém, ho đờm nhiều. Cây phật thủ thân, lá, vỏ quả đều chứa tinh dầu, chứa hesperidin naringosid có tác dụng làm bền mao mạch chống chảy máu. Rễ chứa xantiletin, nordentatin. Phật thủ chứa nhiều hóa chất như lisnonoid, hesperosid có tác dụng chống dị ứng, chống độc, chống chảy máu, chống viêm, chống ung thư... Tinh dầu phật thủ tác dụng kháng khuẩn, kháng virut, kháng nấm, giãn cơ trơn của phế quản, ruột, chống co thắt, giảm ho, long đờm. Quả phật thủ có limettin, citropten, diosnin, hesperidin.
Chán ăn, không tiêu, ngực sườn trướng đau, buồn nôn, nhiều đờm, đau mỏi lưng: quả phật thủ 30g, rượu 5 lít. Phật thủ thái nhỏ để ráo nước ngâm rượu, cứ 5 ngày quấy đều 1 lần. Sau 5 ngày có thể uống được. Mỗi lần 15-20ml vào trước bữa cơm chiều.
Chữa tiêu hóa không tốt, không tiêu: quả phật thủ 50g thái hong gió cho khô, xuyên tiêu, sa nhân, tiểu hồi hương mỗi vị 12g. Tất cả tán bột hòa nước sôi để ấm rồi uống. Ngày 2 lần.
Kiện tỳ trợ tiêu hóa: 15g gạo, 100g đường phèn vừa đủ. Nấu phật thủ lấy nước, cho gạo nấu cháo ăn vào các buổi sáng.
Chữa say rượu: phật thủ tươi 30g. Sắc uống.
Chữa viêm gan truyền nhiễm ở trẻ em: quả phật thủ 2 quả, bại tương thảo 800g. Sắc với 3 bát nước lấy 1 bát chia 3 lần uống trong ngày.
Chữa đau gan và dạ dày (can, vị khí thống): quả phật thủ tươi 10g, thanh bì 6g, sắc nước uống. Hoặc: hoa phật thủ 10g, hương phụ 10g, ô dược 6g, sa nhân 15g, bạch thược 15g, cam thảo 3g. Sắc uống.
Chữa ho suyễn, ho nhiều đờm, khó thở: quả phật thủ 9-15g, vỏ củ gừng (khương bì) 5-9g, lá hoắc hương 9g. Sắc nước.
Chữa viêm phế quản mạn tính: phật thủ tươi 1-2 quả thái nhỏ để vào bát to, thêm đường mạch nha vừa đủ, đun cách thủy cho đến khi phật thủ chín nhừ. Dùng trong 3 tuần, mỗi lần ăn 1 thìa to.
Bệnh hạ tiêu (đái tháo đường, nước tiểu đục...): rễ cây phật thủ 15-25g, ruột lợn non 1 bộ. Nấu kỹ để ăn.
Động kinh: rễ cây phật thủ 30g, gà mái tơ lông trắng 1 con làm sạch cho vào ninh chín gà. Uống nước, ăn gà.
Viêm amiđan: hoa phật thủ, hoa hồng, hoa tường vi mỗi vị 10g, hoa mai 6g. Sắc nước ngậm, súc miệng hoặc uống.
Lưu ý: Quá trình chăm sóc bảo vệ cây phật thủ phải dùng hóa chất bảo vệ thực vật. Do đó, phải rửa thật kỹ khi dùng.