Tác phẩm là lời tri ân những người lính, anh hùng, liệt sĩ trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ, thể hiện sức mạnh đoàn kết, truyền thống đấu tranh kiên cường bất khuất, chuyển tải thông điệp về khát vọng hòa bình của dân tộc.
Những hình ảnh được tái hiện sinh động trên bức tranh
Công trình panorama về chiến dịch Điện Biên Phủ là một bức tranh đồng hiện, miêu tả toàn cảnh chiến trường Điện Biên tại nhiều thời điểm, từ cuối năm 1953 cho đến ngày 7/5/1954, tái hiện những sự kiện, những khoảnh khắc, hình ảnh tiêu biểu nhất trong 56 ngày đêm chiến đấu của quân và dân ta, làm nên chiến thắng chấn động địa cầu.
Tác phẩm được thể hiện trong một không gian tròn khép kín với chiều dài 132m, cao hơn 9m, cùng phần mái vòm, có tổng diện tích gồm 2.500m² tranh và 700m2 sắp đặt với 4 trường đoạn liên hoàn.
Phần mở đầu “toàn dân ra trận” là hình ảnh những đoàn dân công, trong đó có rất nhiều đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, không quản ngày đêm trèo đèo, lội suối, băng rừng, vượt thác, vận chuyển vũ khí và lương thực cung cấp cho tiền tuyến.
Trường đoạn thứ hai có tên “khúc dạo đầu hùng tráng” khẳng định sức mạnh của pháo binh ta với đòn đánh phủ đầu binh lính thực dân pháp trong trận him lam, mở màn cho chiến dịch ðiện biên phủ.
Trường đoạn thứ ba “Cuộc đối đầu lịch sử” tái hiện chiến trường với những trận đánh giáp lá cà, giành giật từng tấc đất đầy cam go khốc liệt giữa ta và địch. Sa trường đầy bom đạn, khói lửa, những hầm hào, lô cốt, dây thép gai xám lạnh và điểm nhấn là hình ảnh cột khói mịt mù ngùn ngụt bốc lên sau tiếng nổ bộc phá long trời, làm rung chuyển Ðồi A1, như lời tuyên bố số phận của kẻ thù trong trận đánh quyết định.
Phần kết thúc “Khúc khải hoàn” đối lập với những hàng dài quân địch thất thểu, lầm lũi, cúi mặt lê bước ra hàng là hình ảnh quân ta hừng hực khí thế chiến thắng, phất cao cờ đỏ sao vàng trên nóc hầm chỉ huy của tướng Pháp De Castries.
Họa sĩ Nguyễn Văn Mạc, chủ trì bức tranh Panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ cho biết, đề tài về chiến dịch Điện Biên Phủ luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo đối với nhiều họa sĩ trong những thập kỷ qua, với không ít tác phẩm hội họa nổi tiếng đã ra đời. Tuy nhiên, những tác phẩm đó mới chỉ dừng ở quy mô nhỏ, do những cá nhân thực hiện. Ý tưởng về một bức tranh quy mô lớn, xứng đáng với tầm vóc của chiến thắng lịch sử bởi vậy vẫn luôn là sự thôi thúc đối với nhiều họa sĩ tâm huyết với đề tài lịch sử này.
Mãi sau khi hoàn thành phần trưng bày nội thất bảo tàng, cuối năm 2015, họa sĩ mới đề xuất thực hiện bức tranh này và tiến hành tuyển chọn, thu thập các cứ liệu để trên cơ sở đó, đề cương nội dung, ý tưởng thể hiện bức tranh panorama tái hiện toàn cảnh chiến thắng điện biên phủ được “lên khuôn”.
Trong vòng 2 năm, các họa sĩ, nhà điêu khắc tham gia thể hiện tác phẩm đã ngày đêm lao động miệt mài, chăm chút và trau chuốt từng nét vẽ, gam màu, bố cục.
“Bức tranh tròn “Điện Biên Phủ” có thể nói là một trong những bức tranh tường lớn nhất thế giới, là bước đột phá về tranh lịch sử hoành tráng của Việt Nam. Không những vậy bức tranh sẽ góp phần tạo thêm điểm nhấn trong cẩm nang du lịch, thu hút ngày càng đông du khách đến với Ðiện Biên trong tương lai”, họa sĩ Nguyễn Văn Mạc bày tỏ.
Hồng Hà
Chủ đề liên quan:
Chiến thắng Điện Biên Phủ đồng bào dân tộc thiểu số khẳng định sức mạnh trận điện biên phủ