Tính đến nay trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã kiểm kê được 111 di tích, trong tổng số di tích trên, hiện tại trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có 08 di tích cấp quốc gia và 38 di tích cấp tỉnh đã được công nhận.
Giai đoạn 2016 - 2020, Sở VHTTDL đã lập hồ sơ khoa học trình UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh cho 11 di tích. Hàng năm Sở VHTTDL đã chỉ đạo Bảo tàng tổ chức khảo sát và chọn địa điểm tiêu biểu để lập hồ sơ xếp hạng và bảo tồn phát huy giá trị di tích. Nhìn chung, hầu hết các di tích khi đã xếp hạng đều được quản lý và phát huy tác dụng rất tốt; công tác trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp ở các di tích này đa số được xã hội hóa đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Ngành VHTTDL đã thực hiện 17 đề tài di sản văn hóa phi vật thể, lập 06 hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể. Thực hiện 35 dự án bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào Khmer trong tỉnh do Quỹ Đan Mạch hỗ trợ Văn hóa vùng và Dân tộc ít người tài trợ từ năm 2008 đến năm 2010.
Trong những năm qua, công tác sưu tầm luôn được các cấp, các ngành và nhân dân nhiệt tình ủng hộ nên hầu hết các hiện vật về văn hóa dân tộc thiểu số ở Sóc Trăng đang sử dụng trưng bày và lưu giữ tại Bảo tàng đều do nhà chùa và nhân dân hiến tặng. Hiện nay, tại Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ và trưng bày tổng số là 12.922 hiện vật; trong đó số hiện vật đang được trưng bày tại Bảo tàng và Nhà trưng bày Văn hóa Khmer là 1.175 hiện vật. Giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2019 đã sưu tầm hiện vật bổ sung kho cơ sở và sử dụng trong trưng bày triển lãm được 610 đơn vị tư liệu, hiện vật.
Nhìn chung, hầu hết các di tích của đồng bào dân tộc thiểu số khi đã xếp hạng đều được quản lý và phát huy tác dụng rất tốt. Mặt khác, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các di tích cấp quốc gia được Trung ương đầu tư kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia và một phần ngân sách của tỉnh để trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích, làm cho di tích ngày càng khang trang hơn và đã phát huy tác dụng tốt hơn.
Qua công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể tại 9/11 huyện, thị xã đã xác định được nhiều loại hình văn hóa phi vật thể đã hình thành từ xa xưa nhưng vẫn được cộng đồng cư dân địa phương duy trì thực hiện và ngày càng phát triển. Những lễ hội truyền thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được bảo tồn và phát huy tích cực, các hủ tục lạc hậu và tình trạng mê tín dị đoan không còn tái diễn.
Chủ đề liên quan:
di sản văn hóa di tích di tích lịch sử đồng bào dân tộc thiểu số Hầu hết quản lý sóc trăng văn hóa truyền thống xếp hạng