Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Rung lắc bé: Yêu con hay hại con?

Những tràng cười nắc nẻ của bé có thể làm bạn khoái chí và hai bố con chơi trò cần cẩu, tung hứng, “nhong nhong ngựa ông đã về”… mãi không biết chán nhưng thực tế, bạn đang không lường hết hậu quả của trò chơi cảm giác mạnh đó.

Trò đùa nguy hiểm

Với trẻ sơ sinh, não của bé rất mềm, màng não mỏng, các cơ và dây chằng vùng cổ còn yếu nên khả năng hỗ trợ cho việc nâng đỡ phần đầu (chiếm 1/4 trọng lượng toàn cơ thể bé) còn hạn chế. Mặt khác, não bé vẫn đang trong quá trình phát triển nên vẫn còn những khoảng trống giữa não và xương sọ.

Khi bị rung, lắc mạnh, đầu bé thường bị gập tới lui hoặc quay qua quay lại. Xương sọ mềm và dẻo của bé không thể chống chọi với những lực tác động này, sẽ chuyển lực tới não. Vì không có sự di chuyển đồng bộ nên sẽ gây ra sự va đập trở lại xương sọ làm tăng áp lực, phù và chảy máu não, dập não…

Việc vui đùa với trẻ bằng cách tung bé lên cao rồi bắt lấy, để bé lên chân và lắc lư liên tục sẽ càng nguy hiểm hơn nếu nhỡ tay để bé va vào tường, nền nhà hoặc giường. Sự dừng lại đột ngột bởi một va chạm mạnh có thể sẽ khiến cho não bé bị xoắn vặn hay gập tới gập lui trong hộp sọ. Nguy cơ vỡ các mạnh máu não, xé rách các mô cơ dẫn đến xuất huyết não là rất cao. Chưa kể đến những điều này có thể để lại di chứng về sau như chậm phát triển tâm thần, mất khả năng nghe nói, hạn chế học tập, động kinh...

Ảnh minh họa

Giải mã Hội chứng rung lắc trẻ

Có thể bạn sẽ ngụy biện, từ xưa ông bà ta đều chơi đùa với trẻ như vậy và chúng vẫn “có làm sao đâu” hay “chưa ai nói chơi với con lại nguy hiểm cả”. Nhưng thực tế, các nhà khoa học đã cảnh báo các bậc làm cha làm mẹ về một hội chứng có tên là Shaken Baby Syndrome (SBS), tạm dịch là 'Hội chứng rung lắc trẻ' từ những năm 1970.

Hội chứng này thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi và đặc biệt trẻ dưới 9 tháng tuổi. Theo Trung tâm Quốc gia Kiểm soát hội chứng trẻ bị lắc, tại Mỹ, ước tính khoảng 1200-1400 trẻ bị chấn thương hoặc chết do lý do rung lắc mỗi năm.

Các nghiên cứu cho thấy những tổn thương có thể xảy ra chỉ trong 5 giây rung lắc. Nhưng 5 giây ấy có thể để lại những tổn thương vĩnh viễn trong não của bé và gây hậu quả lâu dài về sau, nhiều tổn thương thậm chí chỉ được phát hiện khi trẻ đã lên 6.

Bên cạnh những sai lầm khi chơi đùa cùng bé, hầu hết các trường hợp dẫn đến hội chứng SBS đều xảy ra trong cơn bực bội, hết kiên nhẫn và mất kiểm soát của bố mẹ hay người trông trẻ vì “dỗ mãi mà bé không nín”. Họ chọn giải pháp rung lắc trẻ với cường độ cao để trẻ ngừng khóc mà không biết rằng hành động này thực sự nguy hiểm đối với bé.

Các ông bố bà mẹ cũng cần tránh xa những hàng động thay đổi nhanh tư thế của bé như: Bế xốc trẻ trong tư thế đứng và không giữ cố định cổ, nhấc bổng trẻ lên cao rồi hạ xuống, tung đỡ bé, đung đưa quá mạnh hoặc xoay bé liên tục...

Tuy nhiên, bạn không nên chống “rung, lắc” một cách quá cực đoan bởi theo các chuyên gia, việc đung đưa nhẹ nhàng bé (đưa nôi, ru bé ngủ…) không gây ra hội chứng này.

Dấu hiệu phát hiện Hội chứng rung lắc trẻ:

- Đờ đẫn, lơ mơ, hoặc ngủ mê mệt, trương lực cơ giảm (cơ nhẽo).

- Da xanh tái, nhìn thấy rõ nhất vùng trán.

- Ăn, bú khó, khó nuốt hoặc nôn không có lý do rõ ràng.

- Khó thở, ngừng thở hoặc co giật.

- Chấn thương cổ, sưng nề, cứng cổ, nghẹo về một bên, khó quay.

- Thay đổi hành vi thông thường, không tiếp xúc.

Bình Nguyên

Theo chuyên trang Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/rung-lac-be-yeu-con-hay-hai-con-22150/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY