Kinh tế xã hội hôm nay

Santorini - Xứ đảo nhiều nét duyên

Người có kinh nghiệm bảo đảo Crete mới là đẹp nhất, không những nhất Hy Lạp mà nhất... thế giới, nhưng Santorini thì ai cũng biết.

Người có kinh nghiệm bảo đảo Crete mới là đẹp nhất, không những nhất Hy Lạp mà nhất... thế giới, nhưng Santorini thì ai cũng biết. Đó là hòn đảo mà người mẫu, hoa hậu, minh tinh, đại gia trên khắp thế giới đến hết cả rồi, còn mỗi tôi chưa đến thôi. Và đến Santorini rồi mới thấy chẳng giống mình hình dung...

Nét duyên từ vòng “khởi động”

Santorini, theo tôi không đẹp bằng cù lao chàm hay phú quốc của việt nam. nhưng tại sao cả thế giới đổ đến đấy? vì thương hiệu và hình ảnh. tóm lại là có mấy thứ nên tin vừa vừa chứ đừng tin quá, đấy là thương hiệu thời trang, tạp chí du lịch, phim ảnh, tiểu thuyết, lời hứa của chính trị gia và hình siêu mẫu trên poster. santorini không quá đẹp, nhưng thu hút bởi nó giống cô gái có duyên. cô gái có duyên tất phải phong phú và đa dạng. cô ta đầy cảm xúc và cái gì cũng biết, người ta tìm được mọi thứ ở cô ta. còn cù lao chàm thực giống nàng gái quê xinh đẹp nhưng có phần... nhạt. phàm cái đẹp mà ngắm một lúc không còn gì hơn nữa là ngán ngẩm. santorini đem lại niềm vui vì nó cũng phong phú giống như đảo bali vậy.

Từ athens bay ra đảo santorini mất bốn chục phút, giá vé tại thời điểm đó chừng 150 euro, còn nếu vượt quãng đường hàng hải 200km bằng tàu thủy thì mất 8 tiếng đồng hồ và giá vé chỉ còn 38 euro. bàn đi tính lại, cuối cùng chúng tôi chọn lượt đi bằng tàu thủy, lượt về bằng máy bay cho thay đổi trải nghiệm. từ thành phố cảng piraeus thuộc vùng đô thị athens (hải cảng lớn nhất châu âu và lớn thứ ba thế giới), tôi đáp chuyến tàu của blue star ferries đi santorini. tàu blue star không thuộc hàng khủng như con tàu silja line hồi 12 năm trước tôi đi từ stockholm đến helsinki (có cả sòng bạc, sàn nhảy, công viên nước và một phố đi bộ trên tàu), nhưng dẫu sao blue star cũng thật sự là con tàu hiện đại và cả văn minh. tàu chạy qua các đảo paros, naxos, ios rồi lần lượt ghé lại để thả khách. quân số trên tàu thưa dần cho đến tận santorini. nhìn từ xa, hòn đảo chẳng có gì ấn tượng ngoài những vách đá dựng đứng, rồi tôi chẳng hiểu những ngôi nhà xinh đẹp có thể nằm ở đâu trên hòn đảo hiểm trở giống như dành cho tội nhân lưu đày này.

Ba rưỡi chiều thì chúng tôi xuống đảo. Mặc dù các khách sạn tại đảo Santorini thường có xe đưa đón miễn phí nhưng có lẽ vì hớn hở quá nỗi, nên tất cả chúng tôi đều quên biến việc phải liên hệ trước với khách sạn để họ cho người ra đón. Taxi bến cảng đã hết sạch, chỉ còn phương tiện duy nhất là xe buýt, thôi là đành lên xe với chiếc vé 2,5 euro. Xe bò lên đỉnh dốc ngoắt ngoẻo, càng lúc càng lên cao tới chóng mặt. Dân đảo sống trên đỉnh núi hay sao? Cuối cùng xe đậu ngay thị trấn Fira, thủ phủ của hòn đảo, là một bến xe đầy nhóc khách du lịch và từ đó chúng tôi phải tự tìm đường về Villa Toula, một nhà nghỉ nằm ngay trong thị trấn. Vali kéo rất nặng vì chứa đầy quần áo đủ cho chuyến đi gần tháng trời, đường thì trải đá hộc lổn nhổn. Trời nắng, bụng đói, chân mỏi, chúng tôi không làm sao tìm được Villa Toula, một ngôi nhà không hề có địa chỉ. Cuối cùng đành phải gọi điện thoại cho chủ nhà nhờ chỉ dẫn và tiếp tục lạc đường thêm 15 phút sau nửa tiếng đi tới đi lui. Có lẽ đây chính là lý do tất cả các nhà nghỉ và khách sạn ở Santorini đều ưu ái đưa đón khách miễn phí, dù giá thuê có rẻ đến đâu chăng nữa, đơn giản vì nếu để khách tự tìm đường thì phần nhiều là lạc. Khách sạn toàn trong làng, lạc là phải. Làng nhà mình, muốn đến chơi đều phải đứng đầu đình chờ chủ nhà ra đón, làng ở Santorini cũng không kém phần trúc trắc như vậy. Mỗi ngôi biệt thự ở đây đều được đặt tên, thường là tên chủ nhà, nhưng không bao giờ có số nhà.

Villa Toula là một căn biệt thự (bà chủ nhà tên Toula) nằm khuất trong một ngõ nhỏ giữa trung tâm thị trấn. Đó là một ngôi nhà hai tầng xinh đẹp với hàng rào trắng trồng hoa leo đỏ. Nhà màu trắng, cửa xanh lam như mọi ngôi nhà khác trên hòn đảo huyền thoại này. Những phòng ngủ nhỏ tí xíu với những chiếc giường tí xíu và bộ bàn ghế tí xíu ngoài vườn. Thêm nữa, ngoài hành lang và trong mỗi phòng ngủ đều có một lọ thủy tinh đựng kẹo cứng sặc sỡ đủ màu. Vài bức tranh vẽ ngôi nhà trắng bên bờ biển xanh treo trên tường. Những hình gốm thỏ và rùa để rải rác. Đây đích thị là một ngôi nhà cổ tích. Tôi cứ muốn ở mãi trong ngôi nhà này vì sự dễ thương và đáng yêu của nó.

Đến “ma” ở Santorini cũng thân thiện

Bà chủ Toula còn dễ thương hơn cả ngôi nhà, với vẻ thân thiện hiếm có, có lẽ chưa từng có trong suốt cả trăm chuyến du lịch khắp thế giới của tôi. Bà chỉ đường đi, hướng dẫn các điểm tham quan và mỗi sáng sớm đều ngồi chờ sẵn ngoài vườn để phục vụ khách bữa sáng. Bữa điểm tâm chỉ có bánh mì, jambong, bơ, mứt quả và trà, cà phê, nhưng tôi ngon miệng hơn vì khung cảnh dễ chịu này. Sau đó thì tôi được biết người đưa đón khách từ bến cảng về khách sạn chính là ông chồng bà, bằng xe hơi của nhà. Một vòng tròn khép kín. Bất cứ ai ở Santorini cũng đều có thể kinh doanh khách sạn như vậy. Họ có một ngôi nhà, chia làm nhiều phòng cho thuê, họ trang trí ngôi nhà chỉ bằng những vật dụng rẻ tiền nhưng với gu thẩm mỹ đặc biệt, bà vợ tự chuẩn bị đồ ăn sáng và ông chồng tự lái xe chở khách. Và không lúc nào họ thôi có khách đến thuê. Bà Toula bảo luôn mong muốn khách cảm thấy không khí như ở nhà và đúng là tôi đã cảm thấy như vậy. Cảm giác đó ngày càng tăng khi bà gọi hàng xóm dẫn chúng tôi đi thuê xe máy.

Xe máy tay ga hay ATV (xe máy bốn bánh) ở đây có giá 15 euro một ngày thuê. Chủ thuê yêu cầu khách phải có bằng lái. Biết trước thông tin này rồi nên chúng tôi đều chuẩn bị sẵn bằng lái xe trong ví. Anh chàng cho thuê xe hoa cả mắt vì mấy tấm bằng toàn tiếng Việt. Tôi chỉ cho anh ta chữ “môtô” và “xilanh 50-175cm3”. Anh ta gật đầu cái rụp, mang ra cho tôi một chiếc xe màu vàng vừa xấu vừa cũ. Tôi đòi đổi một chiếc xe đẹp hơn thì anh lắc đầu quầy quậy bảo mấy xe đó toàn phân khối lớn, mà bằng lái của cô chỉ cho phép lái xe dưới 175 phân khối. Đến tôi cũng chưa bao giờ để ý đến bằng lái của mình được lái xe loại gì, liền gân cổ lên cãi “Lắm chuyện quá, người Việt Nam là những motordriver giỏi nhất thế giới. Phân khối nào chúng tôi chẳng đi được, cứ gặp xe máy là đi. Đường đầy ổ gà ổ trâu, đường đông như kiến cỏ, đường ngập lụt đến tận bụng chúng tôi cũng đều lạng lách được hết, giỏi hơn diễn viên xiếc”.

Người Hy Lạp thản nhiên nhìn tôi “Biết rồi biết rồi, tất cả những người Việt Nam đến đây đều nói đúng câu này. Nhưng rất tiếc, tôi không thể làm trái luật”. Chúng tôi giải thích loanh quanh, rút cuộc anh ta vẫn cho thuê xe ATV. Thỏa thuận xong, kê khai đến hàng tỷ loại giấy tờ, tôi nhận được một chiếc xe cũ rích không có chân chống cạnh, muốn đỗ ở đâu đều phải đưa mắt tìm bờ tường, gốc cây để dựa như xe đạp. Chỉ còn điều băn khoăn cuối cùng là cái xe của tôi hỏng khóa cổ, đêm để ngoài hiên nhà mất thì làm thế nào, làm sao mà có tiền đền. Người Hy Lạp kiêu hãnh nói rành rọt từng tiếng “Here - is - Greece” (Đây là Hy Lạp). Dường như anh ta muốn để tôi tự nói nốt câu sau thì phải: “Chứ không phải Việt Nam”.

Vậy là vừa lên đảo chúng tôi đã có xe máy đi. Phóng xe vù vù đi đổ xăng, xong lỡ quên thứ gì lại tót về, vứt xe ngoài bờ rào rồi chạy ù lên phòng, đúng như ở nhà. Chưa kể được nửa ngày đã “quen” khắp lượt, từ mấy anh chàng cho thuê xe, ông chủ tiệm ăn ngoài đầu ngõ, vợ chồng bà chủ nhà, chị hàng xóm người Trung Hoa ở trọ. Gặp ai cũng chào, cũng vẫy, nụ cười nơi họ tươi rói ấm áp như mặt trời Địa Trung Hải. Nhưng đêm hôm ấy, em gái tôi gặp... ma. Chúng tôi ở cùng phòng, ngủ trên hai chiếc giường đơn nhỏ nhắn xếp hình chữ L trong căn phòng không thể bé hơn. Mà cũng vì diện tích quá tí hon nên giường mới phải kê như ký túc xá vậy. Ban công tí xíu trông ra sân sau của một ngôi nhà trong làng và cả đường cái luôn vắng vẻ. Tôi vốn sợ ma quỷ, nhưng trong một căn phòng dễ chịu nhường này thì tôi nhắm mắt vào mở mắt ra đã thấy trời sáng.

Tuy nhiên sáng hôm sau, em gái tôi bảo đêm qua em gặp ma đấy. - Ma thế nào? - Ông Hy Lạp đứng ngay đầu giường này cúi xuống nhìn, em mở mắt ra còn thấy rõ quang cảnh căn phòng trong bóng tối và ông ấy có cái cằm nhọn, tóc vàng, mắt xanh, một cái răng gãy, em chưa từng nhìn thấy khuôn mặt này bao giờ nhưng vẫn nhớ như in từng nét mặt, cảm giác có thể vẽ lại được. - Rồi sao nữa? - Rồi em nhắm mắt lại ngủ tiếp vì đi cả ngày mệt quá. - Đừng có bịa, gặp ma đứng đầu giường thì sợ muốn xỉu chớ mà ngủ lại được. - Không sợ vì ông ấy cúi xuống cười toe toét, nụ cười ngồ ngộ như gặp điều gì thú vị lắm chứ không có ý đe dọa gì cả, trông rất thân thiện. Vừa nói em gái tôi vừa đứng đúng vị trí của con ma đêm qua và diễn tả lại nụ cười ngộ nghĩnh của ông già thân thiện. Ối trời ơi, ma mà còn hiếu khách đến thế. Dù có thân ái cỡ nào thì tôi cũng chẳng mong đêm ấy có con ma nào lại đứng đầu giường cúi xuống xem mình đang ngáy khò. Tôi bảo có thể đó là ông chủ nhà của căn biệt thự này, bố bà Toula chẳng hạn hoặc ông nội bà ấy. Tuy nhiên, hai đêm liền ở Santorini tôi chẳng giáp mặt “bố bà Toula” lần nào.

Bút ký của DiLi

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-santorini-xu-dao-nhieu-net-duyen-17475.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY