Marianne williamson là một trong những ứng cử viên tổng thống mỹ vào năm 2020, đồng thời là một nhà lãnh đạo tâm linh. bà là tác giả của 14 cuốn sách với hơn 3 triệu bản được bán ra, trong đó có 4 cuốn lọt vào danh mục sách bán chạy của the new york times.
Mới đây, nữ chính trị gia này đã gây nên một luồng tranh cãi dữ dội khi trong cuốn sách mới nhất "tears to triumph" – từ nước mắt đến nụ cười, bà khuyến khích: không phải nhà trị liệu hay Thu*c men, mà niềm tin, đức tin và việc "mở con mắt thứ ba" mới giúp người trầm cảm vượt qua căn bệnh.
Vượt qua trầm cảm bằng cách… mở "con mắt thứ ba", loại bỏ "niềm tin cố hữu về thế giới vật chất ba chiều"
Khoa học đã gọi tên trầm cảm là "sự thay đổi hóa học trong não bộ", khi những bi kịch và nỗi đau cuộc sống gây nên chấn thương trong não. Não của người trầm cảm tiết ra những chất gây nên cảm xúc tiêu cực, đôi khi quá mức chịu đựng và nhiều người thậm chí phải tìm đến cái ch*t để giải thoát.
Tuy nhiên, là một nhà lãnh đạo tâm linh, marianne williamson lại cho rằng trầm cảm là một tổn thương về tâm hồn, đồng nghĩa rằng, căn bệnh này "không thể được chữa lành ở cấp độ vật chất".
Thu nhận khá nhiều từ Phật giáo, Marianne Williamson thúc đẩy việc nhìn nhận nỗi đau, trầm cảm và mọi bi kịch cuộc sống dưới một góc nhìn khác, hay nói chính xác hơn, coi đó là "ảo ảnh". "Con người đau khổ không phải con người thực của bạn - bà viết trong Từ nước mắt đến nụ cười - Mọi thứ khiến chúng ta đau khổ, từ những vụ lạm dụng ghê tởm nhất đến việc mất đi người thân yêu, đều diễn ra trong một cõi ảo tưởng".
Theo Marianne, nói nôm na, khi người thân yêu qua đời, hãy coi đó là ảo ảnh. Khi bị phản bội, hãy coi đó là ảo ảnh. Khi tan gia bại sản, hãy coi đó là ảo ảnh. Những chuỗi ngày bị bạo hành, stress kéo dài chốn công sở, ngay cả cơn sóng cảm xúc tiêu cực mà có thể bạn đang chịu đựng ngay lúc này, hãy cứ coi đó là ảo ảnh.
Bà cho rằng, góc nhìn tinh thần này không phủ nhận nỗi đau, mà chỉ phủ nhận sức mạnh của nỗi đau đối với con người, cho ta sức mạnh để chịu đựng và vượt qua nó.
"Phật giáo dạy rằng thế giới ba chiều là một ảo ảnh khổng lồ - Marianne Williamson viết - Thế giới trần tục chỉ là một bức màn chắn trước sự thật chân thật, tấm màn không được vén lên khi chúng ta rời mắt khỏi nó mà chỉ khi chúng ta nhìn xuyên qua nó bằng đôi mắt khác".
Rốt cuộc, làm sao có thể "nhìn xa hơn những ảo ảnh của thế giới" như những bậc thánh nhân giác ngộ đã làm được, từ đó thấy cuộc đời này chỉ tràn ngập tình yêu và sự bình an? Marianne Williamson khẳng định: "Khi huấn luyện để tâm trí nhìn thấy mọi người như Người (Thượng Đế) thấy, chúng ta để cho phép màu giải thoát mình khỏi những đau khổ... Giác ngộ, cứu rỗi, tha thứ, trắc ẩn - tất cả các khía cạnh của một tâm trí linh thiêng - là chìa khóa của hạnh phúc".
Chẳng hạn, Marianne Williamson chỉ ra, thiền định trong Phật giáo, là một công cụ cực hữu hiệu để "huấn luyện tâm trí". Bởi thực hành thiền định rèn cho ta sự tập trung vào hiện tại khi tâm trí bị ám ảnh bởi quá khứ và tương lai, tập trung vào lòng từ bi thay vì bị ám ảnh bởi lỗi lầm của kẻ khác, để từ đó, vượt lên trên lo âu, sự tức giận hay tổn thương.
Bà cũng cho rằng: "Suy nghĩ yêu thương tạo ra cảm xúc yêu thương, và cảm xúc yêu thương tạo ra hành vi yêu thương. Khi nhận thức của bạn thay đổi thì điều được nhận thức cũng thay đổi. Ta không chỉ nhìn thấy tình yêu ở người khác, bất chấp hành vi vô tình của họ, mà qua cái nhìn của mình, ta dành tình yêu cho họ và hành vi của họ cuối cùng sẽ thay đổi".
Marianne Williamson cũng đề cao đức tin - niềm tin vào sự tồn tại của đấng tối thượng sẽ luôn kề bên và nâng đỡ tinh thần, yêu thương ta, không bỏ rơi ta. "Một phi công không vì không nhìn thấy đường chân trời mà kết luận rằng không có đường chân trời. Đức tin cũng giống như viên phi công ấy. Như Kinh Thánh đã viết: ‘Phúc thay cho những người không thấy mà tin’".
Từ khi mới phát hành, "Từ nước mắt đến nụ cười" nhanh chóng lọt vào danh mục những tựa sách bán chạy nhất tại Mỹ. Đồng thời, theo sau đó là rất nhiều ý kiến trái chiều nhau về cuốn sách này.
Một bộ phận độc giả cho rằng, thật không khả thi khi nói về sự giác ngộ với những ai đang chịu đựng đau đớn tột cùng vì trầm cảm. "Chúng không thực tế - một bạn đọc bày tỏ - Tôi không thể nào áp dụng được vào nỗi đau của mình". "Về cơ bản, cuốn sách cho rằng tất cả những gì bạn cần là cầu nguyện nhiều hơn đi, bởi vì tất cả những điều này chỉ là thử thách từ Thượng Đế. Đối với tôi, đây là một diễn giải sai lầm về tôn giáo", một người đọc khác gay gắt.
Đa số ý kiến phản bác cho rằng "con mắt tình yêu" không thể nào điều chỉnh một cách thần kỳ những bất hạnh, những mặt xấu xí, những vấn đề xã hội đáng lên án nhất… như cách Marianne đã trình bày trong "Từ nước mắt đến nụ cười". "Sự đồng cảm, yêu thương và tha thứ là tuyệt vời thật đấy, nhưng không đủ để chữa lành tất cả", một độc giả cảm thán.
Cũng không thể không kể đến những review phản đối sự phủ nhận gần như hoàn toàn của tác giả về vai trò của Thu*c men trong điều trị bệnh tâm lý: "Khoa học và tâm linh không nên đặt ở vị trí đối đầu nhau", bài review 2 sao trên Goodreads phân tích, "Cô ấy đã hơi đả kích việc sử dụng Thu*c trầm cảm. Đúng là chúng ta đang sử dụng Thu*c tâm thần nhiều hơn mức cần thiết, nhưng thực tế là, cũng có rất nhiều người cần sự hỗ trợ của Thu*c để vượt qua những giờ phút đau đớn nhất".
Tuy nhiên, bên cạnh hàng loạt review 1, 2 sao, điều đáng ngạc nhiên là có rất nhiều những review xúc động khác, bày tỏ những trang viết của Marianne đã nâng đỡ tinh thần họ trong những giờ phút đớn đau, vô vọng ra sao:
"Trong năm nay, tôi đã mất đi người chồng của mình. Quyển sách thực sự đã chạm đến tâm can tôi và cho tôi thêm thật nhiều hy vọng"; "Cuốn sách đã cứu cuộc đời tôi"; "Quyển sách đến tay khi tôi đang đau khổ, lạc lối, tức giận, giờ thì tôi đã bước sang một trang mới của tình yêu và lòng tốt. Tôi không biết cảm ơn Marianne thế nào cho đủ"…
Còn có bạn đọc bảo vệ Marianne trước những ý kiến đả kích: "Đôi khi tôi đọc được những câu phê bình kiểu như: ‘Cô ta né tránh sự bất hạnh của cuộc sống với những thông điệp lạc quan tếu của mình’… Nhưng riêng tôi thì hiểu, không phải Marianne khuyên ta nên né tránh nỗi đau, chỉ là cảm nhận nó theo cách để ta có thể vượt qua".
Ngoài ra, phải chăng những quan điểm từ nữ chính trị gia này, đơn giản chỉ là quá đột phá với những ai chưa đủ sẵn sàng mở lòng với ánh sáng tâm linh? như rất nhiều độc giả bình luận:
"Bạn cần cởi mở hơn để tiếp nhận một nguồn năng lượng cao hơn, dù đó là từ Phật giáo, Thiên Chúa giáo hay từ bất cứ hệ thống đức tin nào"; "Cuốn sách không khó hiểu, chỉ là nó quá đối lập với cách thông thường ta nhìn cuộc sống"; "Cô ấy đã chạm vào chiều sâu của những trải nghiệm tâm linh, điều mà không phải ai cũng có thể tiếp nhận được"…
Tựu trung lại, trầm cảm, khủng hoảng tinh thần, tổn thương tâm lý vẫn là những lãnh địa mơ hồ đối với tất cả chúng ta, kể cả trong lĩnh vực y khoa và tâm lý học. Marianne Williamson gây nên tranh luận, nhưng cũng để lại trong ta những suy ngẫm đáng giá. Liệu tâm linh có thể là chìa khóa chữa lành? Tình thương, đức tin liệu có sức mạnh ưu việt đến đâu? Chắc hẳn đây là câu hỏi mà mỗi cá nhân phải tự khám phá câu trả lời cho riêng mình…
Chủ đề liên quan:
bệnh trầm cảm chính trị gia chữa lành bệnh nhà lãnh đạo nữ chính trị gia tổng thống mỹ ứng cử viên