Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Say xe ô tô do không khí bên trong xe quá ô nhiễm

Say xe là hiện tượng khá phổ biến mà rất nhiều người gặp phải mỗi khi di chuyển trên các phương tiện như ô tô, tàu, máy bay. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến say xe và một trong những nguyên nhân chính đó là không khí ô nhiễm, mùi khó chịu trên xe.

Không khí trong xe hơi có chứa hàng ngàn những tác nhân ô nhiễm, nguy hiểm như: bụi bẩn, lông động vật, carbon dioxide (CO2), khói thuốc, chất tẩy rửa nội thất, khí gas (rò rỉ từ vách ngăn giữa động cơ và cabin xe), vi khuẩn, nấm mốc tích tụ ở bọc ghế, thức ăn bị rơi rớt… Ngoài ra, một số tác nhân từ bên ngoài cũng có thể xâm nhập theo lối thông gió và cửa vào.

Một chiếc xe với hệ thống điều hòa không khí đã cũ sẽ khiến bạn vô cùng khó chịu khi vừa bước lên xe, với những người huyết áp thấp, nhạy cảm với mùi, hoặc rối loạn tiền đình sẽ rất dễ bị say xe, gặp cảm giác khó chịu nôn nao.

Theo giáo sư Stephen Holgate, chuyên gia về bệnh suyễn tại Đại học Southampton cảnh báo ô nhiễm không khí trong ôtô cao gấp 9-12 lần so với bên ngoài. Do vậy, xe ô tô nên cần được vệ sinh thường xuyên, kiểm tra hệ thống điều hòa thông gió và màng lọc không khí để đảm bảo không khí trong xe.

Một số nguyên nhân khác gây say xe

Do tâm lý của người sử dụng phương tiện về hiện tượng say tàu xe như một nỗi ám ảnh, chính vì thế chỉ cần thấy xe, tàu, thuyền đã có cảm giác say sẩm, nôn nao.

Do bị huyết áp thấp:

Những phản xạ thần kinh của cơ quan nội tạng: bụng quá đói hoặc quá no, mất ngủ, người mệt mỏi, bực tức, không khí ô nhiễm.

Do sự thay đổi chất dịch ở tai trong khi di chuyển trên các phương tiện chuyển động gây ra sự thay đổi và tăng tiết dịch ở tai trong, dẫn đến một kích thích có cảm giác khó chịu là những biểu hiện của say tàu xe.

Do rối loạn tiền đình:

Khi di chuyển, sự lắc lư, chòng chành, lên xuống của phương tiện làm cho mạch máu tai trong bị co thắt dẫn đến tăng thể tích nội dịch và giãn lòng ống nội dịch, làm cho mê đạo màng tai trong bị tích thủy, ảnh hưởng đến cơ quan tiền đình, gây ra rối loạn tiền đình kiểu say tàu xe.

7 cách giúp bạn tránh khỏi say xe

1. Không nên nhịn đói hoặc ăn quá no khi đi xe

Khi nhịn đói hoặc ăn quá no khi đi xe sẽ khiến bạn khó chịu và say xe nặng nề. Do khi đói cơ thể sẽ dễ bị tụt huyết áp và tình trạng ợ hơi, khó chịu bụng nếu ăn quá no và tránh những sản phẩm từ sữa.

2. Uống thuốc chống say

Uống thuốc say xe với nước ấm hoặc bổ sung thêm vitamin B1 để giảm thiểu khả năng bị say xe nếu bạn phải đi một chuyến xe đường dài.

3. Nhìn ra xa

Nhiều người nghĩ rằng việc nghịch điện thoại hay đọc sách sẽ khiến bạn bớt say xe nhưng thực tế lại không phải vậy. Bạn sẽ dễ say xe nếu tập trung nhìn thứ gì đó ở cự li gần quá lâu.

Hãy cố gắng nhìn ra các điểm càng xa càng tốt, tập trung tầm mắt vào những nơi xa bên ngoài cửa sổ xe có thể giúp não xác định các tín hiệu chính xác rằng bạn đang di chuyển.

4. Gừng tươi chống say xe

Có thể dùng một miếng gừng tươi hoặc một miếng khoai tây tươi dán vào vùng rốn, sau đó dùng băng dính dán dính chặt vào trong quá trình di chuyển. Đồng thời có thể dán ở huyệt nội quan hoặc ngậm một miếng gừng tươi trong miệng cũng mang lại hiệu quả tương tự.

5. Vỏ cam quýt

Dùng một ít vỏ cam quýt tươi, chanh hoặc các trái cây họ cam quýt cuộn tròn lại nhét vào mũi, tinh dầu ở vỏ cam sẽ giải phóng trong mũi, làm cho bạn giảm cảm giác buồn nôn và ói mửa.

6. Chú ý thông gió

Những chiếc xe nhỏ kín mít hoặc những xe nặng mùi xăng dầu thì đều là nguyên nhân khiến việc say xe trở nên trầm trọng hơn. Nếu không mở được cửa kính xe, bạn nên ngồi ở nơi có nhiều gió nhất trên xe, ví dụ như phía trước xe, nơi có điều hòa quạt gió.

Ngoài ra, nếu có thể ngủ sẽ là cách tốt nhất để dỗ dành cơ thể vượt qua được cảm giác say xe một cách nhẹ nhàng.

7. Không nên ăn ngay khi đã bị nôn

Sau khi lên xe, bạn đã không chịu nổi việc say xe nữa và bắt đầu bị nôn. Phản ứng nôn của cơ thể đang tồn tại thì sẽ điều khiển não chỉ huy việc nôn cho bằng sạch thức ăn có trong dạ dày.

Sau khi đỡ hơn, bạn mới có thể bắt đầu uống nước đường hoặc ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa.

Thu Hương

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/say-xe-o-to-do-khong-khi-ben-trong-xe-qua-o-nhiem-26152/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY