Kinh tế xã hội hôm nay

Sẽ có thêm khoảng 2.500 MW điện mặt trời trong tháng 6, “giải bài toán” thiếu điện

Chỉ trong 3 tháng gần đây sẽ đóng điện hòa lưới tới 88 nhà máy - đây là một kỷ lục trong lịch sử ngành điện nước ta.

Theo ông Nguyễn Đức Ninh - Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến hết tháng 5/2019 đã có 47 dự án điện mặt trời với công suất 2.300 MW được đấu nối vào lưới điện quốc gia. Dự kiến, số dự án còn lại sẽ đóng điện trong tháng 6 với tổng công suất 2.500 MW nữa, trung bình các cấp điều độ phải đóng điện 10 nhà máy/tuần.

Chỉ trong 3 tháng gần đây sẽ đóng điện hòa lưới tới 88 nhà máy - đây là một kỷ lục trong lịch sử ngành điện nước ta.

Cũng theo ông Ninh, việc đóng điện hàng loạt nhà máy điện mặt trời với tỷ lệ đa số tập trung ở khu vực miền Trung, miền Nam sẽ góp phần bổ sung nguồn điện, giảm bớt sự thiếu hụt về năng lượng ở miền Nam. Tuy nhiên, các dự án điện mặt trời chủ yếu tập trung tại các tỉnh Tây Ninh, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk. Đây là khu vực phụ tải thấp, gây áp lực rất lớn cho khả năng tải lượng điện phát ra từ điện mặt trời lên lưới, nhiều công trình đấu nối lưới điện khu vực có khả năng rơi vào tình trạng đầy, quá tải.

Dù là một nguồn điện bổ sung quý giá, nhưng một số lượng lớn nhà máy vào vận hành trong thời gian ngắn kỷ lục, lại tập trung chủ yếu ở các tỉnh có phụ tải thấp, cũng sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác vận hành của hệ thống. Trong khi dự án điện mặt trời có thể hoàn thành chỉ trong vài tháng, nhưng các công trình lưới điện để phục vụ đấu nối, đồng bộ nguồn điện chỉ có thể hoàn thành sau vài năm, do những khó khăn về thời gian tiến hành thủ tục đầu tư và mặt bằng thi công.

Trước tình trạng này, EVN đã đề xuất với Chính phủ bổ sung phát triển các dự án lưới điện. Đồng thời, đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ, thi công các công trình lưới điện liên quan, góp phần giải tỏa công suất các nhà máy điện mặt trời.

Dự án Nhà máy Điện mặt trời nổi hồ Đa Mi vừa được đóng điện thành công ngày 27/5/2019.

Cần bổ sung khoảng 3.500-4.000 MW công suất nguồn điện mới mỗi năm

Với nhu cầu điện tăng trưởng khoảng 10%/năm, Việt Nam cần bổ sung khoảng 3.500-4.000 MW công suất nguồn điện mới mỗi năm. Tuy nhiên, trong 2 năm tới, sẽ có khoảng 2.000-2.500 MW nguồn điện truyền thống và khoảng 4.000-5.000 MW năng lượng tái tạo với tính chất không ổn định được bổ sung vào hệ thống. Thực tế này gây không ít khó khăn trong việc vận hành hệ thống điện để cân đối cung - cầu, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia – chuyên gia điện lực cho hay.

Thống kê của A0 về các dự án điện mặt trời đã vận hành, công suất phát có thể thay đổi từ 60-80%, trong khoảng thời gian từ 5-10 phút. Các biến động xảy ra ngẫu nhiên theo điều kiện thời tiết. Các dự án cùng một khu vực thường biến động đồng thời. Trong khi đó, đặc điểm vận hành hệ thống điện luôn cần duy trì cân bằng giữa nguồn và tải. Với sự biến thiên công suất như vậy, hệ thống điện luôn cần phải duy trì một lượng công suất dự phòng điều chỉnh tần số tương ứng, gây khó khăn và tăng chi phí trong công tác vận hành.

Bên cạnh đó, công suất nguồn năng lượng tái tạo không thể chủ động huy động khi cần cho thời gian cap điểm phụ tải. Nguồn điện mặt trời có cao điểm phát trong khoảng 12-13 giờ trưa, không trùng với cao điểm phụ tải hệ thống điện (lúc 10h sáng và 14h chiều).

Đây là những thách thức lớn trong bối cảnh hệ thống điện Việt Nam còn rất ít nguồn điện dự phòng như hiện nay.

L.Nguyên

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/se-co-them-khoang-2500-mw-dien-mat-troi-trong-thang-6-giai-bai-toan-thieu-dien-n158561.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY