Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Số ổ dịch sốt xuất huyết và ca nặng tăng

Tuy số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) ở TP Cần Thơ giảm nhưng số ca nặng lại tăng, thành phố đã ghi nhận 1 ca tử vong. Mùa mưa, SXH có điều kiện thuận lợi phát triển. Ngành Y tế thành phố khuyến cáo người dân tích cực diệt muỗi, lăng quăng, vệ sinh môi trường phòng bệnh SXH.

Bài, ảnh: H.HOA

Tuy số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) ở TP Cần Thơ giảm nhưng số ca nặng lại tăng, thành phố đã ghi nhận 1 ca tử vong. Mùa mưa, SXH có điều kiện thuận lợi phát triển. Ngành Y tế thành phố khuyến cáo người dân tích cực diệt muỗi, lăng quăng, vệ sinh môi trường phòng bệnh SXH.

Phun thuốc diệt muỗi tại nhà dân bằng máy phun đeo vai.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ, trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn thành phố ghi nhận 1.101 ca mắc SXH, giảm 553 ca so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, số ca SXH ở trẻ dưới 5 tuổi chiếm trên 58%. Tuy nhiên, số ổ dịch và ca nặng tăng nhanh. Thành phố đã ghi nhận 276 ổ dịch SXH, tăng 119 ổ dịch so với cùng kỳ năm 2022. Trong 1.101 ca mắc, số ca mắc độ A vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất, tuy nhiên số ca mắc có dấu hiệu cảnh báo và nặng nhiều hơn so với cùng kỳ 2022. Cụ thể ca độ B chiếm 5% (cùng kỳ 2,24%), độ C chiếm 3,91% (cùng kỳ 0,97%).

Trước tình hình ca nặng và ổ dịch tăng, Sở Y tế, CDC Cần Thơ tăng cường công tác giám sát, thực hiện phun hóa chất diện rộng tại các điểm nóng. Tại phường Thới An, quận Ô Môn ghi nhận 67 ca mắc, chiếm trên 43% tổng số ca mắc của toàn quận. Trước tình hình này, CDC Cần Thơ phối hợp Trung tâm Y tế quận tổ chức nhiều đợt kiểm tra, giám sát chỉ số côn trùng, thực hiện phun hóa chất diện rộng 2 đợt tại khu vực Thới Bình và Thới Trinh A với tổng cộng hơn 1.500 hộ dân. Ngoài xe ô tô, Trung tâm Y tế quận huy động 3 máy phun đeo vai phụ trách những tuyến đường hẻm nhỏ, xe lớn không thể vào được hoặc những nơi có nhiều nhà dày đặc.

BS Huỳnh Văn Vũ, Trưởng khoa Ký sinh trùng - côn trùng, CDC Cần Thơ, cho biết: Phun hóa chất tiến hành 2 lần, trong đó lần 2 giúp diệt sạch muỗi đang mang mầm bệnh của đợt 1 còn sót lại. Ðể việc triển khai phun hóa chất đạt hiệu quả, chỉ số lăng quăng trước khi phun phải dưới 20. Ðồng thời, địa phương thông báo trước cho người dân ở khu vực biết rõ ngày giờ phun để họ phối hợp mở các cửa ra vào để thuốc bay vào nhà diệt muỗi.

BS Lê Minh Trung, Phó khoa Kiểm soát bệnh tật - HIV/AIDS, Trung tâm Y tế quận Ô Môn, cho biết: “Quận đã tổ chức 4 chiến dịch phòng, chống SXH và 1 chiến dịch ASEAN phòng, chống SXH. Khi các phường xảy ra ca bệnh, chúng tôi cũng tập trung lực lượng xử lý để ngăn chặn không cho bùng phát. Tại phường Thới An, xảy ra nhiều ca bệnh cho nên bà con cũng rất hoang mang, khi được CDC phối hợp địa phương phun diện rộng thì bà con rất ủng hộ, thu dọn đồ đạc, mở cửa... cho lực lượng làm nhiệm vụ”.

Cô Phạm Thị Hòa, khu vực Thới Trinh A, phường Thới An, cho biết: “Trong nhà đứa cháu nội 5 tuổi nên tôi thường xuyên vệ sinh nhà cửa thoáng mát, ung muỗi, xịt thuốc muỗi, súc rửa lu, thả cá cho ăn lăng quăng... phòng bệnh SXH. Khi có xe phun thuốc, tôi mở cửa nhà để thuốc bay vào diệt muỗi”.

Mặc dù số ca mắc SXH của TP Cần Thơ giảm, nhưng số ca nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ tăng rất cao. Ðây là đơn vị điều trị bệnh SXH tuyến cuối ở khu vực ÐBSCL. Trong 6 tháng đầu năm nay, bệnh viện tiếp nhận điều trị nội trú 883 ca, tăng 54% so với cùng kỳ; 2 ca tử vong, cùng kỳ 2022 không ghi nhận ca tử vong. Các trường hợp tử vong này khi đến bệnh viện khám và nhập viện đã trong tình trạng nặng.

Các bác sĩ khuyến cáo, trong mùa dịch SXH, khi có các dấu hiệu: Sốt cao đột ngột 39-400C, liên tục kéo dài từ 2-7 ngày, khó hạ sốt; đau đầu, đau hốc mắt, đau nhức các cơ, khớp; chán ăn, mệt mỏi, buồn nôn, đau bụng, buồn nôn; nổi ban và dấu hiệu xuất huyết..., phụ huynh nên cho trẻ đến khám tại cơ sở y tế để điều trị kịp thời.

Nếu điều trị ngoại trú, phụ huynh cần theo dõi tái khám và phát hiện các dấu hiệu trở nặng: Mệt mỏi bất thường, nhiệt độ hạ nhanh dưới 360C hoặc sốt cao liên tục; da xanh, lạnh và ẩm; chảy máu mũi hoặc chảy máu lợi, có nhiều nốt xuất huyết trên da; nôn liên tục hoặc nôn ra máu; đi ngoài phân đen; ngủ li bì hoặc quấy khóc (trẻ em); đau bụng, khó thở... để nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế. Lưu ý: nên nhập viện sớm ở một số cơ địa đặc biệt như trẻ nhũ nhi, béo phì, trẻ mắc bệnh mãn tính (tim mạch, thận, suyễn…), trẻ ở quá xa bệnh viện, không có điều kiện tái khám, người nhà lo lắng...

Ðể phòng, chống sốt xuất huyết, người dân cần phải xử lý, loại bỏ lăng quăng mỗi tuần với những biện pháp đơn giản: đậy kín hoặc thả cá vào các dụng cụ chứa nước để tránh phát sinh lăng quăng; dọn dẹp nhà cửa thông thoáng để tránh muỗi trú ẩn, sinh sản...

Mạng Y Tế
Nguồn: Báo cần thơ (https://baocantho.com.vn/so-o-dich-sot-xuat-huyet-va-ca-nang-tang-a162231.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY