Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Tác động từ Covid-19 chưa đến mức phải nới lỏng chính sách tiền tệ

Những ngày gần đây, diễn biến tỷ giá có xu hướng tăng nhẹ, chênh lệch lãi suất VND-USD trên liên ngân hàng thu hẹp đã ít nhiều tạo sức ép tâm lý nhất định lên tỷ giá. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, VND vẫn đang giữ giá tốt và tỷ giá cũng sẽ không có biến động lớn. Và thậm chí việc nới lỏng chính sách tiền tệ là chưa cần xem xét.

Tỷ giá sẽ không biến động nhiều

Sáng 21/2, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tăng tỷ giá trung tâm thêm 5 đồng lên mức 23.239 đồng/USD. Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần là 23.936 đồng/USD và tỷ giá sàn là 22.542 đồng/USD.

Ở các ngân hàng thương mại, hầu hết đang giữ nguyên giá mua bán đồng USD so với cuối phiên gần nhất, giá bán ra dao động trong khoảng từ 23.280 - 23.324 đồng/USD. Cụ thể, giá mua thấp nhất đang ở mức 23.140 đồng/USD, giá mua cao nhất đang ở mức 23.190 đồng/USD; ở chiều bán ra, giá bán thấp nhất là 23.280 đồng/USD và cao nhất là 23.324 đồng/USD.

Với VND, Báo cáo thị trường tiền tệ tuần của Trung tâm Phân tích và tư vấn đầu tư của Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết, nguồn cung dồi dào từ các ngân hàng thương mại lớn khiến lãi suất trên liên ngân hàng tiếp tục giảm. Chốt tuần ở mức 2,16%/năm với kỳ hạn qua đêm và 2,52%/năm với kỳ hạn 1 tuần. Chênh lệch lãi suất VND - USD tiếp tục thu hẹp từ mức 0,9%/năm xuống 0,53%/năm với kỳ hạn qua đêm.

Trên thực tế, thanh khoản của hệ thống ngân hàng từ đầu năm đến nay vẫn khá dồi dào. Những lo ngại về rủi ro dịch bệnh đã khiến dòng tiền tìm điểm trú chân an toàn là gửi tiết kiệm. Cộng với việc nhiều ngân hàng duy trì lãi suất tiền gửi hấp dẫn đã hút được dòng vốn về khá lớn.

Chuyên gia tài chính- ngân hàng, Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ cho rằng, lãi suất huy động duy trì như hiện tại đang đảm bảo lãi suất thực dương cho người gửi tiền. Tỷ giá sẽ không có nhiều biến động nhờ cung cầu ngoại tệ vẫn tiếp tục ổn định, nhất là nguồn cung dồi dào.

Đồng quan điểm trên, Báo cáo của SSI cũng đưa ra nhận định, diễn biến dịch bệnh và chênh lệch lãi suất VND-USD trên liên ngân hàng thu hẹp có thể tạo sức ép tâm lý nhất định lên tỷ giá. Tuy nhiên, cán cân cung cầu ngoại tệ vẫn chưa bị ảnh hưởng nhiều vì việc nhập khẩu hàng hóa cho sản xuất và tiêu dùng cũng đang chậm lại. Nhìn về dài hạn, các công cụ hỗ trợ ổn định tỷ giá vẫn còn nhiều dư địa và vì vậy chưa có cơ sở để lo lắng về sự mất giá của VND.

Duy trì chính sách tiền tệ ổn định

Lo ngại trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh ảnh hưởng tới sản xuất trong nước và xuất khẩu, đã có những ý kiến cho rằng NHNN nên xem xét nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, theo quan điểm của một số chuyên gia tài chính, nền kinh tế Việt Nam hiện tại có manh nha khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng vẫn đi theo xu hướng tăng trưởng với lực đẩy của năm 2019 và sự nỗ lực của Chính phủ và các bộ ngành với quyết tâm không hạ mục tiêu tăng trưởng. Việc nới lỏng tiền tệ có thể ảnh hưởng tới lạm phát, tỷ giá, qua đó ảnh hưởng tới mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. TS. Lê Xuân Nghĩa- Chuyên gia tài chính cho rằng, với bối cảnh kinh tế thế giới hiện tại, nhiều ngân hàng trung ương đã nới lỏng chính sách tiền tệ hết cỡ, chẳng hạn Nhật Bản để lãi suất âm, châu Âu lãi suất bằng 0, hay Mỹ có lãi suất rất thấp... Tuy vậy, việc tăng trưởng vẫn chưa được giải quyết, bởi những vấn đề mà các quốc gia này gặp phải có tính dài hạn, chu kỳ, trong khi Việt Nam không như vậy.

Việt Nam hiện tăng trưởng kinh tế khá ổn định, tiềm năng phát triển kinh tế khá vững trên nền tảng kinh tế vĩ mô tích cực và triển vọng ổn định trong dài hạn. “Đây là một trong những yếu tố khiến nhà đầu tư nước ngoài tích cực đầu tư vào Việt Nam, nhà đầu tư trong nước tích cực sản xuất - kinh doanh, người tiêu dùng tích cực tiêu dùng… Bởi vậy, Việt Nam không có lý do để nới lỏng chính sách tiền tệ”- ông Nghĩa bày tỏ.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, NHNN không nên giảm lãi suất mà nên duy trì chính sách tiền tệ ổn định như hiện nay, hỗ trợ các ngân hàng ổn định lãi suất, các ngân hàng giúp nhau để ổn định thanh khoản, duy trì hoạt động bình thường của thị trường liên ngân hàng và trên nền tảng đó đưa ra những chính sách tiền tệ mang tính hỗ trợ có chọn lọc cho một số mục tiêu như xử lý nợ xấu cho doanh nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản và thuỷ - hải sản.

Trước đó, Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 1/2020 của Chính phủ cũng nêu rõ các bộ, ngành địa phương cần thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất, kinh doanh, nỗ lực phấn đấu đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội đề ra; đề xuất giải pháp, đối sách phù hợp để hạn chế các tác động do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được Chính phủ giao nhiệm vụ tiếp tục theo dõi sát diễn biến, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối; tiếp tục tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất, kinh doanh; chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới để ổn định sản xuất kinh doanh, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân vay vốn bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19

Thùy Linh

Mạng Y Tế
Nguồn: Công thương (https://congthuong.vn/ta-c-do-ng-tu-covid-19-chua-de-n-mu-c-pha-i-no-i-lo-ng-chi-nh-sa-ch-tie-n-te-132948.html)
Từ khóa:

Chủ đề liên quan:

chính sách Covid 19

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY