Tại Hội nghị, theo GS Thành, những kinh nghiệm dân gian của ông cha ngày xưa như đốt bồ kết, ăn tỏi, bôi dầu tràm… giúp bảo vệ niêm mạc, có tác dụng tăng sức đề kháng trước các bệnh do virus chứ không có bằng chứng khoa học có thể diệt được virus corona. Một lần nữa, GS Thành khẳng định, những biện pháp hiện nay chỉ nhằm mục đích dự phòng. Nếu không có nguy cơ nhiễm, phơi nhiêm với người nhiễm, mọi biện pháp chỉ tăng sức đề kháng với nCoV.
“Việc đốt bồ kết giúp làm ấm không khí làm ngăn cản virus, ngậm muối để bảo vệ niêm mạc tại chỗ. Dân gian cũng hay uống nước gừng, quất mật ong, cánh hoa hồng… để bảo vệ niêm mạc, đỡ kích thích niêm mạc. Những phương pháp này giúp tăng sức đề kháng chứ không có bằng chứng khoa học có thể diệt virus corona”, PGS.TS Phạm Như Hải – Phó Chủ nhiệm khoa Y dược chia sẻ.
Về đeo khẩu trang như thế nào đúng cách, ThS.BS Phạm Thị Kim Thoa – Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện E cho hay, những nhân viên y tế thực hiện khám và điều trị cho bệnh nhân, người trực tiếp chăm sóc người bệnh nghi nhiễm hoặc nhiễm nCoV trong môi trường bệnh viện cần đeo khẩu trang y tế. Mọi người trong cộng đồng chỉ cần đeo khẩu trang vải và giặt hằng ngày, chưa cần tới mức đeo khẩu trang y tế tránh tình trạng khan hiếm như hiện nay.
Nhiều băn khoăn về việc, làm sao phân biệt cúm thông thường và người mắc virus corona để không xảy ra tình trạng kỳ thị với người có triệu ho, hắt hơi, sổ mũi, GS Thành khuyến cáo, nếu người dân có biểu hiện cúm mà đến từ vùng dịch, đi qua Trung Quốc, sân bay cần phải lưu ý sàng lọc cách ly. Đối tượng thứ hai là nhóm y, bác sĩ làm việc trong môi trường bệnh viện. “Cúm thông thường sẽ có triệu chứng nhẹ. Nếu có diễn biến nhanh như sốt, khó thở, rối loạn khác thì cần phải lưu ý”, GS Thành nói.