cầu ngói chợ lương ở xã hải anh (huyện hải hậu, tỉnh nam định) là 1 trong 3 cây cầu ngói cổ đẹp nhất việt nam, cùng cầu ngói thanh toàn xứ huế và cầu chùa biểu tượng phố cổ hội an.
Không chỉ mang trong mình những giá trị văn hóa tinh thần truyền thống, cầu Ngói chùa Lương còn được biết tới như một cái nôi của cách mạng trong thời kỳ kháng chiến của quân dân Nam Định.
Trải qua hơn 500 năm, cầu Ngói chùa Lương vẫn vẹn nguyên vẻ đẹp cổ kính, mộc mạc mà cuốn hút mọi du khách mỗi khi ghé qua vùng đất ven biển này.
Một cây cầu với kiến trúc cổ, mái ngói, được xây dựng từ đầu thế kỷ XVI, nằm cạnh ngôi chùa Phúc Lâm, người địa phương gọi là chùa Lương.
Cây cầu bắc ngang sông Trung Giang. Cả khu vực rộng lớn xung quanh cụm di tích cầu Ngói - chùa Lương là không gian chính tổ chức lễ hội truyền thống vào tháng Ba âm lịch hàng năm của địa phương.
Lễ hội chùa Lương vào giữa tháng Ba âm lịch hàng năm luôn thu hút rất đông du khách thập phương. Cầu Ngói là địa điểm lý tưởng nhất để ngắm toàn cảnh đoàn rước lễ nên thường rất đông người. (Ảnh tư liệu)
Cầu vừa là công trình giao thông, vừa là công trình văn hóa cộng đồng của làng xã, nơi dân làng dừng chân nghỉ ngơi, trò chuyện mỗi khi đi chợ, đi lễ chùa, hoặc đi làm đồng về.
“Cây cầu này có từ rất lâu rồi, là niềm tự hào của người dân xã Hải Anh chúng tôi. Mỗi khi nhắc đến cầu Ngói là tôi lại nghĩ về tuổi thơ của mình, cứ trưa hè nắng nóng là ra đây ngủ. Mái che, trụ cầu, lan can đều làm bằng gỗ, cầu bắc trên dòng sông thoáng đãng nên gió rất mát. Đến tận bây giờ, cây cầu vẫn là điểm dừng chân lý tưởng của nhiều người khi đi qua đây”.
Cầu dựng trên 18 cột đá vuông, mỗi cạnh 35cm xếp thành 6 hàng cột để gánh 6 vì và đỡ toàn bộ 9 gian nhà cầu.
Cầu được dựng trên 18 cột đá vuông, mỗi cạnh rộng 35cm xếp thành 6 hàng cột, đỡ 9 gian nhà cầu. Trên mỗi cột đá là hệ thống các xà bằng gỗ lim to để đỡ các dầm, sàn…
Mùa hè, hoa phượng nở đỏ thắm, điểm tô sắc màu vào nét cổ kính của cây cầu, tạo nên một khung cảnh thôn quê bình yên, dân dã mà hấp dẫn lạ kỳ.
Lòng cầu rộng 2m, được sắp xếp bởi các thanh gỗ lim. Bằng sự khéo léo vốn có, những nghệ nhân làm cầu từ xa xưa đã tạo nên một đường cong hoàn hảo. Mặt sàn cầu được khéo léo tạo những gờ gỗ chạy ngang, tránh trơn trượt khi di chuyển lên hoặc xuống dốc, nhất là những ngày mưa.
Những khối đá xếp với tảng gỗ nhìn chênh vênh nhưng thật ra rất chắc chắn qua sự tính toán rất chi tiết của người xưa.
Hai bên thành cầu là dãy hành lang vững chắc cũng được uốn cong một cách tinh tế. Hành lang là nơi mà khách bộ hành có thể an toàn ngắm cảnh vật sông nước mênh mông, thơ mộng, yên bình của một vùng quê thôn dã.
Cuốn thư trước cầu đề 4 chữ “Quần Phương xã kiều” (cầu xã Quần Phương). Mỗi đầu cầu đều có 4 con nghê chầu, dáng vẻ vừa thân thuộc vừa lộ vẻ uy nghiêm. Ý nghĩa đặt 4 con nghê ở đây được câu ca dân gian hé mở: “Bốn con nghê đực chầu về tổ tông”.
Trải qua 500 năm, cầu Ngói chợ Lương Nam Định vẫn giữ nguyên dáng vẻ vốn có thuở ban đầu. Với sự bào mòn của thời gian, cây cầu nhiều lần được duy tu, sơn sửa, nhưng nét kiến trúc độc đáo riêng có vẫn giữ được và không lẫn với bất cứ cây cầu ngói nào trên cả nước.