(HNM) - Hệ thống bệnh viện là nơi tiêu tốn nguồn lực nhiều nhất trong công tác chăm sóc sức khỏe. Chính vì vậy, tăng cường nhập viện hợp lý vừa góp phần giảm quá tải bệnh viện, tạo điều kiện nâng cao chất lượng dịch vụ, vừa tiết kiệm các khoản chi không cần thiết. Đặc biệt, trong bối cảnh các bệnh viện phải dồn sức phòng, chống dịch Covid-19, tăng cường và tập trung quản lý nhập viện hợp lý sẽ tăng tính chống chịu của hệ thống y tế trước đại dịch.
Ảnh: Vân HòaTheo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có 20-40% nguồn lực chăm sóc sức khỏe toàn cầu bị lãng phí. Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do nhập viện không hợp lý. Tỷ lệ nhập viện không phù hợp cũng được công bố tại nhiều quốc gia, như: Italia là 27%, Hàn Quốc 24,2%, Hà Lan 20%, Trung Quốc 18,3%.
Còn tại Việt Nam, theo Tiến sĩ Nguyễn Khánh Phương, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế), hệ thống bệnh viện nước ta đang tiêu tốn tới 80% tổng chi cho y tế. Đây là một con số khá lớn khi so sánh với tổng chi cho bệnh viện ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 60%, Mỹ là 31,4% và châu Âu là 39%. Ngoài ra, trong 80% chi cho hệ thống bệnh viện ở nước ta có hơn 50% chi cho dịch vụ điều trị nội trú. Đặc biệt, so với các nước trong khu vực, số ngày điều trị trung bình ở nước ta cao hơn. Cụ thể, số ngày điều trị trung bình của bệnh nhân nội trú tại Việt Nam là 6,1 ngày, trong khi ở Thái Lan là 4 ngày và Philippines là 4,9 ngày.
Giám đốc Trung tâm Giám định Bảo hiểm y tế và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Dương Tuấn Đức cho biết, tỷ lệ điều trị nội trú và ngày điều trị bình quân ở Việt Nam tăng là do các cơ sở khám, chữa bệnh tự chủ tài chính và tiền lương nằm trong giá tiền giường, chiếm 54-56%. Tức là càng nhiều bệnh nhân vào điều trị nội trú, thì tiền lương cho nhân viên y tế càng tăng. Có những bệnh điều trị ngoại trú là phổ biến (chiếm tỷ lệ 95%), nhưng vẫn được chỉ định điều trị nội trú, như các bệnh liên quan đến đường hô hấp trên, răng miệng, da, xương khớp, mắt... Ở Thái Lan, mổ đục thủy tinh thể dưới 6 giờ không tính là điều trị nội trú. Thế nhưng, ở Việt Nam, phẫu thuật đơn giản này vẫn phải nằm viện từ 3 ngày trở lên, thậm chí có bệnh nhân phải nằm viện đến 6 ngày.
Các nước trên thế giới đang sử dụng bộ công cụ AEP để đánh giá chỉ định nhập viện với 20 tiêu chí, chia làm hai nhóm: Mức độ điều trị tích cực và mức độ bệnh lý của bệnh nhân. Khi chỉ định cho bệnh nhân nhập viện, bác sĩ phải ghi đầy đủ trong bệnh án lý do, chứng minh quyết định này phù hợp. Tuy nhiên, theo ông Dương Tuấn Đức, nước ta không có quy trình kỹ thuật hướng dẫn và tiêu chuẩn chỉ định nhập viện chặt chẽ. Chính vì vậy, bác sĩ có thể điều trị và chỉ định nhập viện một cách thoải mái.
“Khi chỉ định nhập viện không phù hợp sẽ làm tăng số lượt điều trị nội trú, kéo theo việc sử dụng quá mức nguồn lực chăm sóc sức khỏe, dẫn đến lãng phí. Đến khi số lượng bệnh nhân tăng lên, gây quá tải bệnh viện, thì chất lượng điều trị bị ảnh hưởng và chi phí chăm sóc sức khỏe sẽ leo thang, làm ảnh hưởng đến mục tiêu của hệ thống y tế”, Tiến sĩ Nguyễn Khánh Phương phân tích.
Hiện tại, nước ta có 1.420 bệnh viện được phân theo 3 tuyến: Trung ương, tỉnh và huyện, với 28,5 giường bệnh/vạn dân.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) Phan Lê Thu Hằng, quy mô giường bệnh tại nước ta đang tăng nhanh chóng. Trong 5 năm tới, có những bệnh viện quy mô giường bệnh tăng tới 20-50%, nhất là các bệnh viện tuyến cuối. Để tránh phải sử dụng dịch vụ bệnh viện một cách không cần thiết, giải pháp đưa ra hiện nay là nâng cao chất lượng dịch vụ hệ thống y tế cơ sở nhằm giải quyết 80% nhu cầu khám, chữa bệnh thông thường của người dân.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các bệnh viện phải dồn sức, tập trung cho điều trị, quản lý số lượng lớn bệnh nhân Covid-19 tăng đột biến. Do đó, vấn đề quản lý nhập viện hợp lý càng có ý nghĩa quan trọng, nhằm tăng tính chống chịu của hệ thống y tế trước đại dịch và bảo đảm duy trì dịch vụ chăm sóc y tế cho tất cả các nhóm bệnh khác, nhất là 20 nhóm bệnh nền, như: Tim mạch, đái tháo đường, ung thư…, giảm nguy cơ T* vong khi đồng thời mắc Covid-19.
“Tăng cường nhập viện hợp lý, vừa góp phần giảm quá tải bệnh viện, tạo điều kiện nâng cao chất lượng dịch vụ, vừa tiết kiệm các khoản chi không cần thiết. Một trong những giải pháp cần tập trung là quản lý theo dõi bệnh không lây nhiễm đang gia tăng tại tuyến y tế cơ sở, đồng thời xây dựng bộ tiêu chí rà soát, đánh giá tiêu chuẩn nhập viện thực hiện tại các bệnh viện hoặc áp dụng phương pháp điều trị phù hợp, nhằm giảm thời gian nằm viện của người bệnh...”, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.
Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:
Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.