Quốc gia này trước đó cho biết họ muốn gia nhập CPTPP khi cạnh tranh về lĩnh vực điện tử và nông nghiệp từ các đối thủ như Việt Nam và Malaysia gia tăng.
Tuy nhiên, các đảng đối lập và một số nhóm kinh doanh nước này phản đối việc Thái Lan gia nhập CPTPP.
Bà Auramon Supthaweethum, Vụ trưởng Vụ Đàm phán Thương mại Thái Lan, cho biết rằng nếu gia nhập CPTPP, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thái Lan sẽ tăng lên 0,12%, tương đương 13,3 tỷ baht, với mức đầu tư tăng 5,14% và xuất khẩu tăng 3,47%.
Trái lại, nền kinh tế sẽ mất 26,6 tỷ baht, tương đương 0,25% GDP, với đầu tư giảm 0,49% và xuất khẩu giảm 0,19%, bà trích dẫn nghiên cứu của Bộ về tư cách thành viên CPTPP.
"Sau đại dịch Covid-19, các quy tắc thương mại và đầu tư sẽ thay đổi ... Thái Lan cần phải tìm kiếm các đối tác hoặc hiệp định thương mại mới, như CPTPP, để cạnh tranh thương mại và hấp dẫn đầu tư", bà Auramon nói.
Nghiên cứu sẽ được trình bày trong nội các để quyết định liệu Thái Lan sẽ tham gia hiệp ước hay không, bà Auramon cho hay. Nội các họp vào thứ Ba hàng tuần, nhưng phiên họp tuần này sẽ không tranh luận về vấn đề trên.
Nếu Thái Lan quyết định tham gia, họ sẽ thành lập một ủy ban để đàm phán các quy tắc và điều kiện. Quyết định sau đó sẽ cần sự chấp thuận từ quốc hội, bà Auramon bổ sung thêm.
Những người phản đối nước này trở thành thành viên CPTPP bao gồm nhà lãnh đạo phe đối lập Move Forward Pita Limjaroenrat, người đã nói rằng nó sẽ có tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Các quốc gia thành viên, bao gồm Nhật Bản và Canada, đã ký thỏa thuận CPTPP năm 2018 mà không có Hoa Kỳ.
Thỏa thuận với 12 thành viên ban đầu, được gọi là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đã bị rơi vào tình trạng bấp bênh vào đầu năm 2017 khi Tổng thống Donald Trump quyết định rút Mỹ không tham gia.
Chủ đề liên quan:
đại dịch COVID 19 gia nhập hiệp định cptpp tạm hoãn cptpp thái lan thành viên cptpp virus corona