Anh M.S (45 tuổi) đến khám ở BV Tai Mũi Họng TP.HCM trong tình trạng thủng màng nhĩ, viêm tai giữa mãn tính, sức nghe của tai trái kém nhiều. Anh bị viêm nhiễm ở tai từ nhỏ nhưng không điều trị, khi thấy tai có triệu chứng ù, đau nhức đầu, kèm chảy mủ thì mới đi khám. Bác sĩ phải nạo xương viêm, rồi vá màng nhĩ lại để cải thiện sức nghe của anh S.
Theo BS Nguyễn Thành Lợi, Trưởng khoa Tai đầu mặt cổ, BV Tai Mũi Họng TP.HCM, tai có 2 chức năng dẫn truyền âm thanh và giữ thăng bằng tiền đình để đi đứng thoải mái không chóng mặt, chao đảo. Tai chia làm 3 phần: tai ngoài, tai giữa và tai trong; màng nhĩ là màng mỏng ngăn cách tai ngoài và tai giữa. Không khí, nước gặp màng nhĩ sẽ bị ngăn lại không vào được bên trong. Khi sóng âm đi vào tai, màng nhĩ rung, rồi đến tai trong và dẫn lên não để nghe. Trong màng nhĩ có ống thông qua vòm mũi. Màng nhĩ được ví như "biên giới" kiểm soát những vi khuẩn, vi trùng, bụi bẩn xâm nhập vào tai. Khi màng nhĩ bị tổn thương sẽ ảnh hưởng nhiều đến khả năng nghe.Bác sĩ đang khám cho một bệnh nhân bị thủng màng nhĩ - Ảnh: H.Minh |
Thông thường thủng màng nhĩ ít được để ý, vì nó diễn biến từ từ. Mức độ nghe sau thủng màng nhĩ sẽ giảm nhẹ, chỉ rõ rệt khi kéo dài nhiều năm, nhưng việc rách màng ngăn cách tai ngoài và tai giữa lại khiến vi trùng, vi khuẩn dễ xâm nhập vào tai. Chính điều này làm tai dễ bị nhiễm trùng, dễ bị viêm tai xương chũm, sau đó vùng viêm có nguy cơ lan rộng. Những biến chứng nặng nề do thủng màng nhĩ gây viêm tai giữa dẫn đến viêm màng não, viêm tĩnh mạch, viêm thần kinh mặt gây liệt mặt.
Khả năng hồi phục sau điều trị tổn thương thủng màng nhĩ, tốt nhất cũng chỉ đạt 70-80%. Bác sĩ khuyên, cần giữ tai sạch để tránh viêm nhiễm, gây thủng màng nhĩ và bảo vệ chức năng nghe của tai; để tránh bị viêm tai giữa, cần giữ sạch, ấm vùng mũi, họng, hỉ mũi đúng cách (không bịt cả hai lỗ mũi lúc hỉ); với trẻ em còn bú thì cần cho trẻ ngồi bú, hạn chế bú bình nhằm tránh ọc sữa; tránh ngoáy sâu vào tai dễ gây thủng màng nhĩ.
AloBacsi.vn Theo Thanh niên