Cây thuốc quanh ta hôm nay

Thuốc nam trị phong thấp

Là các loại Thuốc chữa các chứng đau ở khớp do viêm nhiễm, thoái hóa hay chỉ đau do dây thần kinh, đau các cơ. Tất cả những chứng đau này y học cổ truyền gọi là chứng “tý”.

Đối với y học hiện đại, phong thấp là một loại bệnh viêm và dị ứng với 4 triệu chứng: co cứng, đau nhức, xung ứ và đặc biệt là gây lo sợ cho bệnh nhân khi thấy bệnh cứ dần dần tiến triển với hình xương dị dạng và sự hạn chế lao động vì đau nhức do tái đi tái lại từng hồi từng lúc theo thời tiết,…

Những Thuốc thường dùng trị phong thấp có rất nhiều, nhưng có các tính chất dược lý chung như sau:

Chống viêm nhiễm (kháng sinh hay các loại cortison).

Chống co cứng (kiểu decontractyl).

Chống sung huyết đau nhức (kiểu papaverin, amidopyrin, aspirin).

Chống sưng tấy (kiểu các loại Thuốc đắp dán).

Chống viêm thần kinh (kiểu B1, B6).

Ngoài ra còn có Thuốc chống dị ứng và những Thuốc bồi bổ cơ thể nói chung, không thể thiếu.

Những vị Thuốc nam thường dùng

Trong chứng phong thấp có rất nhiều loại Thuốc được sử dụng vì yêu cầu trị liệu rất đa dạng (chống viêm, làm giảm đau, làm hoạt huyết tiêu ứ…) cho nên tùy theo kinh nghiệm của từng thầy Thuốc có thể chọn những cây cỏ nào thích hợp với chứng trạng thì sử dụng. Tuy nhiên, những cây cỏ sau đây được dùng nhiều nhất: chìa vôi, cỏ xước, cốt khí, bưởi bung, chân chim, muồng hòe, cành dâu, cây duối, dây đau xương, thiền liền, dây gấc, hy thiêm, ké đầu ngựa, ớt rừng, lá lốt, phụ tử, thiên niên kiện, tầm gửi, cành thông, vòi voi, quế chi…

Cà gai leo

Cách sử dụng

Bài Thuốc chung

Y học cổ truyền cho rằng phong thấp có 5 dạng thể lâm sàng: thể phong, thể hàn, thể thấp, thể nhiệt, thể kiêm chứng hư. Do đó, bài Thuốc cơ bản cũng được cấu tạo theo tính chất trên để tùy theo chứng trạng trội lên mà gia giảm cho thích hợp.

Phong chứng: lá lốt; cà gai leo.

Hàn chứng: quế chi; thiên niên kiện

Thấp chứng: cỏ xước; thổ phục linh

Nhiệt tý: vòi voi; sài đất.

Bổ âm: hà thủ ô; sinh địa.

1. Nếu là nhiệt tý, với các triệu chứng:

- Sưng, nóng đỏ đau tại khớp.

- Đau kiểu nung mủ.

- Tiến triển nhanh.

- Tiểu đỏ, táo bó, rêu lưỡi vàng.

Cách trị phải thanh nhiệt là chủ yếu, cần thêm thổ phục linh, mã đề, thạch cao, rễ trinh nữ, tang bì; vẫn giữ các Thuốc trừ thấp, bổ âm, trừ phong.

2. Nếu là phong tý, với các triệu chứng:

- Đau di chuyển từ khớp này sang khớp khác.

- Đau phần trên của cơ thể.

- Kèm mẩn ngứa, sợ gió.

- Dễ chuyển sang nhiệt tý.

Cách trị phải khu phong. Dùng các vị Thuốc phòng phong, tầm gửi, kinh giới, lá lốt, cà gai leo, cỏ xước. Vẫn giữ những Thuốc tán hàn, trừ thấp, thanh nhiệt và bổ âm.

3. Nếu là hàn tý:

Không sưng nhưng màu da tại khớp tái nhợt, đau thường ít di chuyển, không sốt, không nóng, chườm nóng vào chỗ đau thấy dễ chịu, khớp thường hay biến dạng.

Cách trị phải tán hàn bằng các vị Thuốc như gừng khô, quế chi, phụ tử, thiên niên kiện.

4. Nếu là thấp tý:

- Đau cố định không di chuyển.

- Đau mà muốn đấm, muốn xoa.

- Đau sưng ở phần dưới cơ thể (mắt cá, gót chân, bàn chân).

- Hay đổ mồ hôi chân tay, có cảm giác kiến bò trong da, gân khớp như lỏng lẻo, nhão mềm, biến dạng.

Cách trị là phải trừ thấp bằng các vị Thuốc trạch tả, phục linh, râu bắp, cỏ xước, ý dĩ, thương truật, vẫn giữ Thuốc thanh nhiệt, trừ phong.

Điều trị phong thấp thường kết hợp với Thuốc rượu xoa bóp bên ngoài (quế vụn 20g, ráy dại 10g, địa liền 20g, long não 5g, rượu 600ml, ngâm trong 3 ngày).

BS.CKII. HUỲNH TẤN VŨ

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/thuoc-nam-tri-phong-thap-n166231.html)
Từ khóa: phong thấp

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY