Theo ông Nguyễn Văn Mẫn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Tiền Giang toàn tỉnh Tiền Giang có hơn 63.000 ha cây ăn trái cho trái. Trong đó, diện tích đã cho thu hoạch phục vụ tết khoảng gần 8.100 ha, sản lượng 82.157 tấn.
Hiện diện tích trái cây lớn đang cho trái để phục vụ nhu cầu sau tết khoảng 18.500 ha, dự kiến sản lượng cho thu hoạch trong tháng 2 khoảng 169.100 tấn gồm: Sầu riêng 50.000 tấn, mít 29.000 tấn, thanh long 21.200 tấn, khóm 23.400 tấn, bưởi da xanh 11.800 tấn, xoài cát Hòa Lộc 3.370 tấn… Cây ăn trái cho thu hoạch trong tháng 3 khoảng 103.500 tấn gồm: Sầu riêng 20.000 tấn, mít 16.200 tấn, thanh long 12.800 tấn, khóm 21.700 tấn, bưởi da xanh 11.000 tấn, xoài cát Hòa Lộc 3.400 tấn…
Tiền Giang tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại trong nước và thị trường nước ngoài nhằm tháo gỡ khó khăn, giải quyết đầu ra cho các mặt hàng nông sản, trong đó có trái thanh long |
Ngay sau Tết, tình hình tiêu thụ một số loại trái cây rất khó khăn, nhất là các mặt hàng phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc như: Thanh long, sầu riêng, mít, dưa hấu, mận…
Thời gian qua, XK trái cây, trong đó thanh long, một trong những loại cây ăn trái đặc sản của Tiền Giang, chủ yếu tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc (chiếm khoảng hơn 80% sản lượng), sầu riêng khoảng 70% (được tiêu thụ thông qua thương lái), 1% xuất sang các nước khác, còn lại tiêu thụ trong nước… Do dịch bệnh nCoV diễn biến phức tạp, tình hình xuất khẩu (XK) trái cây sang Trung Quốc bị ảnh hưởng do đơn hàng bị huỷ.
Theo ghi nhận thực tế, hiện nay, giá thanh long ruột đỏ tại Tiền Giang chỉ còn 4.000 - 5.000 đồng/kg, giảm 26.000 - 30.000 đồng/kg so với trước tết; thanh long ruột trắng 5.000 - 7.000 đồng/kg, giảm 5.000 - 10.000 đồng/kg so với trước tết; các loại trái cây khác như sầu riêng, mít, bưởi... giảm 10.000 - 40.000 đồng/kg so với trước tết, thậm chí một số nhà vườn không tìm được thương lái để tiêu thụ.
Trước diễn biến này, nhiều DN đã đẩy mạnh thu mua, dự trữ và tìm đầu ra cho loại trái cây này ở thị trường trong nước, cũng như XK bằng con đường chính ngạch sang các nước có tiềm năng. Đồng thời kiến nghị tỉnh Tiền Giang cần có chính sách hỗ trợ về điện để DN dự trữ kho lạnh, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, chiếu xạ trái cây, tư vấn pháp lý… để DN mạnh dạn XK sang những thị trường lớn, hạn chế rủi ro vì quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Tiềng Giang đẩy mạnh sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để nâng cao chất lượng nông sản nói chung và trái thanh long nói riêng trong thời gian tới |
Trước tình hình giá các loại nông sản giảm mạnh, XK sang Trung Quốc gặp khó khăn do dịch bệnh nCoV, ông Đoàn Văn Phương - Giám đốc Sở Công Thương Tiền Giang cho biết, ngành Công Thương cũng đã khảo sát tình hình thực tế tại các địa phương, làm việc với một số DN thu mua nông sản lớn trên địa bàn và liên hệ với các cửa hàng, hệ thống siêu thị nhằm tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân nhân.
“Hiện tại, hệ thống siêu thị Big C Việt Nam đã khảo sát thị trường thanh long và dự kiến mua 15 tấn trái thanh long/tuần. Ngoài ra, Big C Việt Nam còn đang nghiên cứu để mua thêm sầu riêng và mít. Cùng với đó, Sở Công Thương cũng đã gửi công văn đến các tỉnh, thành phố lớn trên cả nước nhằm đưa nông sản của Tiền Giang đến tiêu thụ” - ông Đoàn Văn Phương cho hay.
Để hỗ trợ và đẩy mạnh XK nông sản chủ lực của Tiền Giang, trong thời gian tới, Sở tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại thị trường trong và ngoài nước có tiềm năng, đồng thời thúc đẩy cơ hội mua bán, tiêu thụ. Qua đó, giúp giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa nói chung, trái thanh long, sầu riêng Tiền Giang nói riêng.
Liên quan đến vấn đề trên, tại cuộc họp bàn giải pháp tiêu thụ cũng như hỗ trợ nông sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, diễn ra ngày 5/2 mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang - Lê Văn Hưởng, đã chỉ đạo Sở Công Thương và các ngành liên quan, khẩn trương tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên với sự tham gia của doanh nghiệp (DN), nhằm kết nối các hệ thống siêu thị, các chợ, các DN ngoài tỉnh nhằm hỗ trợ thu mua và tiêu thụ các mặt hàng nông sản của Tiền Giang. Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện nhanh việc xúc tiến thương mại ở những thị trường nước ngoài có có tiềm năng như: EU, Ấn Độ…
Ngoài ra, Chủ tịch UBND Tiền Giang cũng yêu cầu Sở Tài chính phối hợp với Sở Công thương, Sở NNPTNT soạn ngay công văn để UBND tỉnh ký, xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương trong việc hỗ trợ thu mua, cũng như có chính sách giúp nông dân, DN giảm bớt khó khăn trước thực trạng nông sản rớt giá và khó đầu ra.
Chủ đề liên quan:
c tiến thương mại dịch bệnh nCoV nCoV ng sản ng Thương Tiền Giang nông sản Tâm dịch thương thương mại tiền giang xúc tiến thương mại