Thẩm mỹ hôm nay

Thẩm mỹ trực tiếp thúc đẩy tâm lý, làm tăng năng suất lao động, nhưng nó còn tham gia nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, vai trò chủ yếu của nó vẫn là làm giàu có cho đời sống tinh thần của con người.. Vai trò của những thước đo thẩm mỹ trong đời sống tinh thần cũng tương tự như vai trò của những thước do đạo đức trong đời sống xã hội.

Tìm đồng đội trên đất triệu voi

Nơi rừng thiêng núi thẳm của nước bạn Lào, cán bộ chiến sĩ quy tập vẫn miệt mài lật từng tấc đất đề đưa từng chiến sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam về quê cha đất mẹ. Đó thực sự là cuộc chiến với thời gian, bởi nếu không gấp rút, xương thịt các anh sẽ hòa chung vào đất, thì sao có thể tìm và đưa các anh về?

Cơm nắm, cá khô vượt rừng thiêng đi tìm đồng đội

Tháng 10 hàng năm, khi mùa khô ở Lào bắt đầu cũng là lúc Đội Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An) lên đường, tiếp nối hành trình đi tìm liệt sỹ đã ngã xuống trên đất Triệu Voi. Từ năm 1984 đến nay, đã có 12.000 hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất bạn Lào được quy tập, cất bốc về nước.

“Mùa khô 2019-2020 là một mùa khô đặc biệt bởi đây là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát và hoành hành trên khắp thế giới. Chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn cho nước bạn thực hiện các biện pháp cách ly. Thời gian tìm kiếm cũng bị rút ngắn lại gần 1 tháng so với kế hoạch do vậy kết quả không được như kỳ vọng. Mùa khô 2019-2020 chúng tôi chỉ đưa được 57 bác về”, Thượng tá Nguyễn Văn Nam - Đội trưởng Đội tìm kiếm, quy tập Nghệ An thông tin.

Suốt cuộc trò chuyện, hầu như họ không nhắc tới những vất vả mình trải qua bởi so với sự hy sinh của các bậc cha anh, sự vất vả của họ có sá gì? Với họ, tìm và đưa các anh, các bác trở về là trách nhiệm, là nghĩa vụ, là tấm lòng tri ân với những đồng đội đã ngã xuống.

Do yêu cầu nhiệm vụ đặc thù, cán bộ, chiến sỹ của đội chỉ có 2 mùa: mùa tìm kiếm, quy tập và mùa huấn luyện. Phần lớn thời gian họ ở bên Lào, len lỏi trong những khu rừng rậm, hoang vu của 3 tỉnh Xiêng Khoảng, Viêng Chăn và Xây Xổm Bun (Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào).

Hành trang của họ là cuốc thuổng, xà beng, là những lá cờ Tổ quốc đỏ thắm với hy vọng sẽ tìm kiếm và đưa được nhiều liệt sỹ trở về. Hành trang của họ là những vắt cơm và túi cá khô mặn chát để có thể vượt chặng đường hàng ngày trời trèo trên những vách đá cheo leo, là những bữa cơm nấu vội trên đường, là những giấc ngủ chập chờn và trách nhiệm cao nhất của những “bộ đội con đi tìm bộ đội cha”.

“Công việc tìm kiếm, quy tập ngày càng khó khăn do mở rộng vào các địa hình sâu trong các khu rừng, có khi phải mất hàng ngày đi đường trèo đèo, leo vách đá. Ở những nơi đó xa khu dân cư, bom đạn chiến tranh còn sót lại, dù có sự giúp đỡ của chính quyền và nhân dân nước bạn nhưng cũng hết sức khó khăn, gian khổ. Những khó khăn, gian khổ và cả hiểm nguy chúng tôi không sợ mà chỉ sợ thời gian quá lâu, địa hình địa vật đã có những thay đổi, quan trọng nhất là những nhân chứng trực tiếp tham gia chôn cất hoặc biết vị trí chôn cất các liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hầu hết đã già, trí nhớ không còn mình mẫn, nhiều người đã qua đời nên thông tin về phần mộ ngày càng khó khăn”, Thượng tá Nguyễn Văn Nam tâm sự.

Với anh cũng như các đồng đội, công cuộc tìm kiếm, cất bốc, đưa các liệt sỹ về với quê hương bản quán không khác nào một cuộc chiến mà ở đó, mỗi người lính phải giành giật với thời gian, với khắc nghiệt của thời tiết, với muôn vàn khó khăn, gian khổ khác. Và họ, cứ mỗi mùa khô đến, bước chân lên đường với nặng trĩu tâm tư, bởi có thể chuyến đi này không thể đón được nhiều bác về với Tổ quốc như những năm trước....

Bộ hài cốt thứ 8 và viên gạch khắc tên liệt sĩ

Tìm và đưa hài cốt liệt sỹ trở về không hẳn đã hết nhiệm vụ mà phải xác định được tên tuổi, địa chỉ để đưa các anh về với người thân. Bởi vậy, ngoài các di vật khẳng định là bộ đội tình nguyện và chuyên gia Việt Nam như tăng, võng, thắt lưng, cúc áo, đế giày..., bất kỳ kỷ vật nào được chôn cất cùng liệt sỹ đều được đội quy tập thống kê, đánh dấu, bảo quản kỹ càng để giao lại cho các cơ quan chức năng. Tiếc rằng không có nhiều di vật có nhiều giá trị thông tin. Hiện phần lớn việc xác định danh tính liệt sỹ hiện vẫn đợi kết quả lấy mẫu và giám định ADN. Dù Đảng, Chính phủ, Nhà nước, Quân đội và ngành Lao động - Thương binh - Xã hội đã rất cố gắng trong triển khai nhưng hiện nay số lượng liệt sỹ được quy tập về chưa xác định được tên tuổi vẫn chiếm số lượng lớn.

Trong số hơn 12.000 hài cốt quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh ở nước bạn Lào được Đội tìm kiếm, quy tập Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An đưa về nước chỉ có gần 1.000 liệt sỹ xác định được tên tuổi, quê quán địa chỉ. Gần 11.000 liệt sỹ đang được an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ quốc tế Việt - Lào, Nghĩa trang liệt sỹ huyện Đô Lương và Nghĩa trang liệt sỹ huyện Nghi Lộc với dòng chữ buốt nhói “liệt sỹ chưa biết tên”. Bởi vậy, dẫu đưa được nhiều đồng đội trở về nhưng niềm vui của họ vẫn chưa trọn vẹn bởi chưa thể đưa các anh về với cha mẹ, gia đình.

Bốn năm làm công tác quy tập, mỗi hành trình là một chuyến đi đáng nhớ nhưng với Thượng tá Nam, câu chuyện tìm và đưa liệt sỹ Nguyễn Đình Quảng (quê Ninh Bình) về với người thân đọng mãi trong tâm trí anh. Đó là mùa khô 2017-2018, tại một khu vực chôn cất liệt sỹ tình nguyện Việt Nam ở thị xã Bôn-Xa-Vẳn, tỉnh Xiêng Khoảng. Theo sơ đồ mộ chí, khu vực này an táng 8 liệt sỹ, năm 2016 đã cất bốc được 7 hài cốt.

“Các hài cốt thường được an táng theo hàng ngang, đầu hướng vào núi, chân đạp xuống suối. Các chuyến đi trước, anh em “xăm” đất, phát hiện, cất bốc được 7 bác. Nhiều lần anh em xăm đi xăm lại không có kết quả nhưng vị già bản khẳng định có 8 người an táng ở khu vực này, thỉnh thoảng vẫn mơ thấy một bộ đội Việt Nam về xin gạo, xin muối, chúng tôi càng củng cố thông tin còn một phần mộ chưa được tìm thấy nên quyết định tiếp tục tìm kiếm.

Đúng như thông tin vị già bản cung cấp, sau nhiều lần nỗ lực tìm kiếm, chúng tôi cũng tìm được hài cốt thứ 8. Thực ra đó là một phần hài cốt không còn nguyên vẹn do trúng bom, thi thể được gói trong chiếc bọc nhỏ, trong phần mộ có viên gạch khắc chữ Quảng, có thể là tên của liệt sỹ”, Thượng tá Nam kể.

Liệt sỹ cùng viên gạch có khắc chữ Quảng được đưa về địa điểm tập trung cùng hơn 85 hài cốt đã tìm thấy trước đó để chờ thời điểm di chuyển về Việt Nam. Mấy ngày sau, Đội đón hai vị khách, đó là một cựu đại tá quân đội và một phụ nữ. Theo giới thiệu thì đây là em trai và con gái của liệt sỹ Nguyễn Đình Quảng, lặn lội từ Ninh Bình sang đây tìm thân nhân. Sau khi trình bày thông tin, nguyện vọng với đoàn quy tập, hai người vào thắp hương cho các liệt sỹ.

“Nhìn thấy viên gạch có khắc chữ Quảng, hai người bật khóc, bảo người thân của họ đây rồi. Sơ đồ mộ chí liệt sỹ Nguyễn Đình Quảng mà gia đình có hoàn toàn trùng khớp với sơ đồ tìm kiếm của chúng tôi cũng như vị trí an táng thực tế vừa phát hiện, cất bốc. Hài cốt liệt sỹ sau đó được đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ huyện Nghi Lộc (Nghệ An). Gia đình liệt sỹ Quảng có đơn gửi Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ (Ban Chỉ đạo 515), Bộ tư lệnh quân khu 4 và các cơ quan liên quan xin không giám định ADN, đồng thời cung cấp các tài liệu khẳng định đây chính hài cốt liệt sỹ Nguyễn Đình Quảng, xin đưa liệt sỹ về quê nhà an táng, thờ phụng”, Thượng tá Nam kể.

Ngày 18/7/2018, liệt sỹ Nguyễn Đình Quảng trở về quê hương Ninh Bình trong vòng tay của người thân ruột thịt. Không phải ai cũng may mắn đón được thân nhân của mình trở về đoàn tụ dù âm dương cách biệt. Những phần mộ “chưa biết tên” trong các nghĩa trang liệt sỹ luôn ám ảnh những người lính quy tập. Các anh là ai? Làm sao để xác định được danh tính để đưa anh về với mẹ cha, về nơi chôn nhau cắt rốn? Câu hỏi ấy vẫn luôn đau đáu trong tâm trí của Thượng tá Nam và các đồng đội cũng như của những người có trách nhiệm.

Chỉ một thông tin nhỏ về liệt sĩ cũng phải tìm cho bằng được

Tìm kiếm, quy tập hài cốt các liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất bạn Lào là một nhiệm vụ cực kỳ đặc biệt, đè lên vai người lính quy tập trách nhiệm nặng nề. Đó không đơn thuần là những cuộc hành quân tìm kiếm mà mỗi chuyến đi là một trận đánh. Trận đánh đẩy lùi gian khó, trận đánh vượt qua nguy hiểm, trận đánh với chính bản thân mình bởi trách nhiệm nặng nề phía trước.

Trận đánh ấy dẫu gian khó nhưng khi đưa được những người con thân yêu của Tổ quốc trở về, với họ, không có phần thưởng nào cao quý hơn. Trong cuộc chiến đó, 9 cán bộ, chiến sỹ của Đội tìm kiếm, quy tập Bộ CHQS Nghệ An đã ngã xuống, nhiều người mang thương tích suốt đời bởi vướng phải bom mìn, bởi những hiểm nguy trên đường...

Bước chân những người lính quy tập Nghệ An chắc hẳn đã quen từng lối mòn, từng hốc đá, từng hang sâu ở Xiêng Khoảng, Xây Xổm Bun, Viêng Chăn bởi ở đó có thể là nơi đồng đội của họ nằm xuống, đang chờ được tìm thấy và đưa về quê hương. Không phải lúc nào họ cũng có sơ đồ mộ chí để tìm kiếm. Nhiều trường hợp là do người dân bản địa báo tin và không phải lúc nào việc chôn cất các liệt sỹ cũng theo quy luật bố trí hàng ngang, đầu hướng về núi, chân đạp suối.

Tại bản Pợp - Khệt - Lạt - Buộc, huyện Mường Pẹt, tỉnh Xiêng Khoảng, Đội quy tập nhận được thông tin có hài cốt quân tình nguyện Việt Nam được an táng tại đây. Sau đó, 3 phần mộ đều đã được cất bốc và đưa về Việt Nam trong các mùa quy tập trước. Với người lính quy tập, ngoài thông tin được cung cấp và sơ đồ mộ chí, dường như họ có trực giác rất nhạy bén. Mùa khô 2017-2018, trên đường mở rộng khu vực tìm kiếm, hướng số 2 quay lại khu vực này. Tại thời điểm này 3 hố tìm kiếm đã được đánh dấu. Anh em tổ chức xăm khóa 4 phía khu vực các huyện mộ cũ nhưng không phát hiện được gì.

“Lúc này cũng đã trưa, anh em thấm mệt nên quyết định nghỉ. Bất giác tôi nhìn vào gờ đất giữa 2 huyệt mộ cũ, dù bề ngang rất nhỏ. “Thử đào xuống ở đây xem sao?”, tôi động viên anh em. Thật bất ngờ, ngay khoảng giữa 2 huyện mộ cũ là hài cốt của 1 bác. Cũng tại khu vực này, sau đó đội cũng tìm thấy 1 bác nữa, được chôn cất ở vị trí xiết góc so với các huyệt mộ cũ. Nếu không thận trọng, tỉ mỉ, nhẫn nại và trách nhiệm, có thể chúng tôi sẽ bỏ sót các bác. Cũng có những địa điểm chúng tôi phải quay lại tìm kiếm nhiều lần bởi dẫu chỉ có 1 thông tin nhỏ thôi cũng phải tìm cho bằng được. Để các bác ở lại bên đó là mình có tội với tiền nhân, với người thân của họ ở quê nhà”, Thiếu tá Nguyễn Công Sơn, nói.

Thượng tá Nguyễn Văn Nam cho tôi xem tấm Bằng Tổ quốc ghi công photo mang tên liệt sỹ Nguyễn Văn Dần (Gia Lâm, Hà Nội). Gia đình liệt sỹ Dần đã tìm đến đơn vị nhờ hỗ trợ tìm kiếm nhưng thời điểm đó thượng tá Nam đi công tác nên họ gửi lại tấm Bằng này. Phía sau tấm Bằng là thông tin thân nhân liệt sỹ cung cấp về đơn vị chiến đấu, mặt trận và khu vực an táng. Theo thông tin gia đình cung cấp, liệt sỹ Dần được an táng vào ngày 12/4/1970 tại điểm cao 1300 (Vành Khăn), khu vực Sảm Thông, Long Chẹng, tỉnh Xiêng Khoảng.

“Không có nhiều phần mộ có thông tin cụ thể như thế. 50 năm trôi qua, để xác định được đúng vị trí cũng không phải đơn giản nhưng với 1 thông tin dù rất nhỏ chúng tôi vẫn quyết tâm tìm kiếm để đưa các bác về với quê hương, với gia đình. Chúng ta không còn nhiều thời gian nữa bởi thời gian, khí hậu bào mòn tất cả, nếu không gấp rút, xương thịt các bác hòa tan vào đất, làm sao để tìm thấy và đưa về?”, Thượng tá Nam trăn trở.

NguồnDân Trí

Link bàigốc

Copy linkhttps://dantri.com.vn/xa-hoi/tim-dong-doi-tren-dat-trieu-voi-20200724174809006.htm

Mạng Y Tế
Nguồn: Khỏe 365 (http://khoe365.nguoiduatin.vn/tim-dong-doi-tren-dat-trieu-voi-71198.html)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY