(HNM) - Hà Nội cần có thêm giải pháp để bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng không khí. Đây là nhận định của Ban Đô thị, HĐND thành phố Hà Nội sau khi kết thúc đợt giám sát về việc thực hiện chính sách pháp luật bảo vệ môi trường không khí trên địa bàn.
Theo kết quả giám sát vào tháng 3-2023 của Ban Đô thị, HĐND thành phố Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có nhiều nguồn khí thải lớn ra môi trường, từ phương tiện giao thông, sản xuất làng nghề, hoạt động tại các cụm công nghiệp… Trong khi đó, một số địa phương chưa vào cuộc quyết liệt nên tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch, tái sử dụng bếp than tổ ong, đốt rác thải sinh hoạt… vẫn tiếp diễn. Đáng nói, ý thức bảo vệ môi trường của một số người dân còn hạn chế.
Ngoài ra, do quỹ đất hạn hẹp, một số địa phương chưa có điểm trung chuyển, phải sử dụng điểm tập kết rác thải ở mặt đường, gây cản trở giao thông. Một số huyện gặp khó khăn trong công tác thu gom, vận chuyển rác thải do hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, đường ngõ hẹp, nên vẫn còn tình trạng đổ rác và đốt rác thải không đúng nơi quy định. Đặc biệt, tình trạng các phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng không che chắn, phát tán bụi ra môi trường khá phổ biến. Việc kiểm soát khí thải của phương tiện giao thông (nhất là xe máy) cũng gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, mặc dù các lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử lý, song tình trạng đổ trộm đất, phế thải, lôi kéo đất cát, vi phạm vệ sinh môi trường… chưa được giải quyết triệt để.
Đơn cử, thời gian gần đây, người dân phường Đại Kim, quận Hoàng Mai liên tục phản ánh với cơ quan chức năng về tình trạng xe chở rác thải xây dựng, rác thải sinh hoạt đổ bừa bãi tại khu vực Dự án khu đô thị Tây Nam Kim Giang I, gây ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, tại quận Hoàng Mai, các trạm trung chuyển rác thải sinh hoạt chưa được đầu tư đúng kỹ thuật; vẫn còn hộ gia đình sử dụng bếp than tổ ong, đốt chất thải không đúng nơi quy định. Ngoài ra, các sông tiêu, thoát nước của thành phố (Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu) chưa được xử lý nước thải triệt để nên phát sinh khí thải ô nhiễm ra môi trường.
Để bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng không khí, các địa phương, đơn vị đã đề xuất một số giải pháp cụ thể. Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Đỗ Thanh Tùng đề nghị, thành phố chỉ đạo các sở, ngành liên quan nghiên cứu phương án xử lý ô nhiễm môi trường ngay tại nguồn các sông tiêu thoát nước thải của thành phố hiện đang bị ô nhiễm nghiêm trọng; đồng thời sớm xây dựng hệ thống cống bao tách nước thải ở Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở để xử lý. Đối với tình trạng đổ trộm phế thải ở khu vực Dự án khu đô thị Tây Nam Kim Giang I, ông Đỗ Thanh Tùng cho biết, UBND phường Đại Kim đã phối hợp với các ngành chức năng rào chắn cứng tại lối vào khu vực đổ trộm chất thải.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Huy Toàn kiến nghị, thời gian tới, UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành sớm hướng dẫn việc thực hiện, để đẩy nhanh tiến độ di dời các đơn vị sản xuất, kinh doanh đang được thành phố giao đất, cho thuê đất thuộc 17 ngành nghề gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp quy hoạch trên địa bàn huyện Thanh Trì. Ngoài ra, thành phố cũng cần hướng dẫn việc thu gom, xử lý đối với các loại rác thải như chăn, đệm, bàn ghế, tủ cũ hỏng... do hiện nay các bãi rác của thành phố không tiếp nhận các loại rác thải này.
Tổng Giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội Nguyễn Thanh Nam cho biết, đơn vị hiện có khoảng 1.100 xe buýt các loại. Theo Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các bon và khí mê tan của ngành Giao thông - Vận tải, lộ trình đến năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Việc chuyển sang vận hành phương tiện năng lượng sạch là tất yếu, nhưng trên thực tế, quá trình triển khai chủ trương này còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là chi phí đầu tư cao. Thời gian tới, nếu thành phố có cơ chế bù chi phí đơn giá phương tiện giữa xe buýt diesel và xe buýt điện thì Tổng công ty sẵn sàng tham gia vận hành xe buýt điện.
Theo Phó Trưởng ban Đô thị, HĐND thành phố Đoàn Việt Cường, một trong những giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường không khí tại Hà Nội mà Sở Tài nguyên và Môi trường cần sớm tham mưu cho thành phố là hoàn thiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí và tiếp tục di dời các cơ sở ô nhiễm môi trường không khí ra khỏi nội đô. Cùng với đó, Sở Giao thông - Vận tải đẩy mạnh thực hiện đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường; có hình thức khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng...
Kết thúc đợt giám sát, ban đô thị sẽ tham mưu với hđnd thành phố ban hành các cơ chế, chính sách nhằm tăng cường nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường không khí nói riêng.