Môi trường hôm nay

Ô nhiễm môi trường

Tin thế giới 22/8: Mỹ yêu cầu LHQ tái cấm vận Iran

Tin quốc tế 19/6: Bắc Kinh tìm thấy lượng lớn virus Corona chủng mới tại chợ đầu mối

Mỹ yêu cầu LHQ tái cấm vận Iran

Hãng CNN đưa tin ngày 20/8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã chính thức khởi động cơ chế yêu cầu Liên Hợp Quốc tái áp đặt tất cả lệnh trừng phạt đối với Iran, với lý do Tehran đã vi phạm thỏa thuận hạt nhân đã ký với các cường quốc trên thế giới vào năm 2015 (JCPOA).

Giới chuyên gia nhận định điều này có thể phá hủy hoàn toàn thỏa thuận hạt nhân 2015 và khiến châu Âu phản đối.

Quy trình đảo ngược này cho phép bất kỳ nước nào trong nhóm P5+1 tham gia ký thỏa thuận hạt nhân 2015 với Iran có quyền đề xuất áp lại các lệnh trừng phạt của LHQ đối với Tehran nếu như nước này không tuân thủ các điều khoản đã nhất trí trong thỏa thuận.

Sau lời đề nghị chính thức của Mỹ, các nước thành viên còn lại trong Hội đồng Bảo an sẽ có thời gian 10 ngày để đưa ra quyết định. Nếu không đi tới được thống nhất, các biện pháp trừng phạt sẽ tự động được áp đặt trở lại sau 30 ngày kể từ khi Mỹ chính thức đưa ra đề nghị.

Trong thư chuyển tới nước Chủ tịch luân phiên của HĐBA trong tháng 8 là Indonesia, Ngoại trưởng Pompeo thông báo về việc Iran không tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân 2015, là nguyên nhân khiến Mỹ quyết định khởi động “quy trình đảo ngược”.

Tuy nhiên, đến nay không có quốc gia thành viên nào trong nhóm P5+1, bao gồm Anh, Đức, Pháp, Nga và Trung Quốc ủng hộ yêu cầu tái áp đặt lệnh trừng phạt Iran do Mỹ đề xuất, cho rằng Washington không có quyền pháp lý yêu cầu khôi phục các lệnh trừng phạt đối với Iran vì đã rút khỏi JCPOA từ năm 2018.

Hồi tháng 5/2018, Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran nhưng chính phủ của Tổng thống Donald Trump vẫn cho rằng họ có quyền khởi động cơ chế này.

Việc kích hoạt cơ chế này được coi là động thái quyết liệt nhất của Mỹ nhằm trừng phạt Iran tới cùng, sau khi HĐBA LHQ khước từ đề xuất gia hạn lệnh cấm vận vũ khí với Tehran do Mỹ đưa ra. Là một thành viên thường trực của HĐBA, Mỹ có quyền phủ quyết bất cứ nghị quyết nới cấm vận nào với Iran, khiến không ai có thể cản được cơ chế trừng phạt.

Cộng đồng quốc tế gây sức ép lên phe đảo chính tại Mali, kêu gọi lặp lại trật tự

Sức ép quốc tế đối với lực lượng đảo chính tại Mali gia tăng sau khi Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita buộc phải tuyên bố từ chức và giải tán Quốc hội ở quốc gia Tây Phi này chỉ vài giờ sau khi bị các binh sĩ bắt giữ.

Cộng đồng kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS) đã đóng cửa biên giới và dừng tất cả các giao dịch tài chính với Mali, nhằm phản ứng trước cuộc binh biến hôm 18/8.

Algeria, Bờ Biển Ngà, Canada... là những quốc gia mới nhất lên án cuộc đảo chính ở Mali. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Algeria khẳng định lập trường phản đối bất kỳ sự thay đổi chính phủ nào đi ngược lại Hiến pháp.

Trong khi đó, Bộ Tài chính Bờ Biển Ngà ra chỉ thị đình chỉ toàn bộ quan hệ kinh tế và tài chính với Mali. Từ Ottawa, Ngoại trưởng Canada Francois-Philippe Champagne lên án mạnh mẽ vụ đảo chính ở Mali, đồng thời, kêu gọi các lực lượng an ninh Mali và các đối tượng tham gia đảo chính tuân thủ trật tự Hiến pháp và tôn trọng quyền của tất cả người dân nước này.

Trong tuyên bố mới nhất, LHQ đã lên án mạnh mẽ cuộc đảo chính quân sự ở Mali. HĐBA LHQ cũng lặp lại những lời kêu gọi tương tự của các cơ quan khu vực về việc trả tự do ngay lập tức cho tất cả các quan chức chính phủ và khôi phục trật tự hiến pháp.

Tổng thống Pháp Macron cho biết, Pháp lên án cuộc đảo chính tại Mali và mong muốn Mali chuyển sang chế độ dân sự nhanh nhất có thể. Pháp sẽ duy trì các hoạt động quân sự tại quốc gia Tây Phi này để không làm gián đoạn các chiến dịch chống Kh*ng b*.

Trong khi đó, lực lượng đảo chính - nhóm binh lính tự xưng là Ủy ban Quốc gia về bảo vệ người dân (CNSP) cho biết đã hành động để ngăn đất nước rơi vào tình trạng hỗn loạn hơn nữa. Nhóm này cũng tuyên bố nắm quyền lãnh đạo Mali và sẽ tổ chức bầu cử trong thời gian tới.

LHQ cảnh báo về một cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có tại Mali, với 3,9 triệu người cần được trợ giúp, liên quan những bất ổn an ninh, chính trị và suy thoái kinh tế. Bên cạnh đó, Mali đang đối mặt tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và không đủ nguồn lực để ứng phó.

Mali, một đất nước rộng lớn trải dài đến sa mạc Sahara, là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới và đã trải qua một số cuộc đảo chính quân sự. Mali hiện đang chiến đấu để ngăn chặn làn sóng tấn công từ phiến quân và bạo lực sắc tộc.

Cuộc đua vào Nhà Trắng ngày càng quyết liệt

Việc cựu Phó tổng thống Joe Biden chính thức được đề cử đại diện đảng Dân chủ tham gia chạy đua vào Nhà Trắng vào tháng 11 tới cũng như tuyên bố lịch sử chính thức nhận đề cử ứng viên phó tổng thống liên danh từ bà Kamala Harris đang khiến cuộc đua vào Nhà Trắng nóng dần lên.

Tối 20/8 (giờ địa phương), ông Biden có bài phát biểu trực tuyến tiếp nhận đề cử của đảng Dân chủ, chính thức trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng này tham gia cuộc đua vào Nhà trắng sẽ diễn ra vào tháng 11 tới. Đây cũng là ngày làm việc cuối cùng của Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ. Ông Biden nhấn mạnh, nếu trở thành tổng thống, chương trình nghị sự của ông sẽ ưu tiên kiểm soát dịch Covid-19 và tái thiết nền kinh tế, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân Mỹ.

Vị Tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ Obama cảnh báo, nền dân chủ của Mỹ có thể bị chùn bước nếu Tổng thống Trump tái đắc cử. “Tôi đã hy vọng, vì lợi ích của đất nước, ông Donald Trump có thể cho thấy sự nghiêm túc trong công việc và có thể cảm thấy sức nặng của trọng trách và thể hiện sự tôn trọng với nền dân chủ mà ông ấy phải gánh vác. Nhưng ông ấy chưa bao giờ làm như vậy”, cựu Tổng thống Obama phát biểu từ Bảo tàng Cách mạng Mỹ ở Philadelphia bang Pennsylvania.

Sự trở lại của ông Obama với bài diễn văn chính trị lớn, điều mà ông đã không thực sự làm trong 4 năm qua, nhanh chóng khiến dân mạng sục sôi chia sẻ như bài phát biểu của vợ ông, bà Michelle Obama, trong đêm đầu tiên của đại hội.

Theo Ủy ban Bầu cử liên bang Mỹ, trong tháng 7, ông Biden đã chi hơn 46 triệu USD cho các quảng cáo trên truyền hình và phương tiện truyền thông, tăng 60% so với khoản chi trong tháng 6. Chiến dịch quảng cáo của ông Đ.Trăm trong tháng 7 tiêu tốn khoảng 44 triệu USD. Các ứng cử viên đều có kế hoạch tăng chi tiêu quảng cáo và cuộc đối đầu có thể trở thành cuộc bầu cử tốn kém nhất trong lịch sử Mỹ.

Cuộc đua đến Nhà Trắng cũng đang nóng dần lên với những tranh cãi quanh việc bỏ phiếu qua bưu điện. Do đại dịch Covid-19, một lượng lớn cử tri Mỹ dự kiến bỏ phiếu qua bưu điện trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào đầu tháng 11 tới, điều mà Tổng thống Trump phản đối khi cho rằng, quá trình này sẽ làm bùng nổ tình trạng gian lận và sẽ có lợi cho đảng Dân chủ.

Trong động thái mới nhất, ban vận động tái tranh cử của Tổng thống Trump đã kiện 3 hạt gồm Woodbury, Linn và Johnson của Iowa về việc mở rộng quyền bỏ phiếu qua bưu điện và bỏ phiếu vắng mặt.

Mai Bùi

Mạng Y Tế
Nguồn: Công luận (https://congluan.vn/tin-the-gioi-22-8-my-yeu-cau-lhq-tai-cam-van-iran-post92657.html)

Chủ đề liên quan:

bầu cử mỹ cấm vận iran

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY