Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Tình trạng viêm sụn vành tai tăng cao ở người trẻ, hoá ra là vì thói quen này

Gần đây, hiện tượng người trẻ phải nhập viện bởi tình trạng viêm sụn tai đang gia tăng đáng báo động. Dù là bệnh lý có thể xảy ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng các bác sĩ điều trị khẳng định, phần lớn giới trẻ mắc tình trạng này đều là vì thói quen sau đây.

Theo y văn, sụn vành tai là phần sụn thuộc phần tai ngoài, bao gồm những phần lồi lõm để thu nhận và định hướng âm thanh. Vành tai gồm có da, sụn, tổ chức dưới da, phần mô cơ và dây chằng. 

Trong khi đó, viêm sụn vành tai là tình trạng viêm lan tỏa (không nhất thiết là nhiễm trùng), gây sưng - tấy đỏ, đau vành tai hoặc áp xe các tổ chức thuộc vành tai - đặc biệt là phần sụn và màng sụn.

Các vi khuẩn hay gặp trong viêm sụn vành tai thường là những vi khuẩn yếm khí, tụ cầu (staphylococcus), pseudomonas aeruginosa, liên cầu (streptococcus),…

Thói quen gây ra tình trạng viêm sụn vành tai phổ biến ở người trẻ

Dạo gần đây, đeo nhiều phụ kiện trang sức cũng được xem là một xu hướng của thời trang. Ngoài những phụ kiện như vòng cổ, vòng tay, khuyên tai cũng được giới trẻ yêu thích vô cùng. Khi trào lưu bấm nhiều khuyên lên sụn và vành tai trở nên phổ biến, cũng là lúc tỷ lệ viêm nhiễm vành tai tăng cao chóng mặt - đây được xem là nguyên nhân phổ biến nhất cho tình trạng viêm sụn vành tai ở người trẻ. 

Theo một thống kê tại bệnh viện Tai Mũi Họng (TP. Hồ Chí Minh) vào năm 2020, trong số 81 trường hợp viêm sụn vành tai phải nhập viện điều trị, có đến 62 trường hợp là do bấm lỗ tai (chiếm gần 80%). Đa số các trường hợp bấm lỗ tai là các bạn trẻ trong độ tuổi từ 16 – 30, trong đó có 70% các trường hợp là nữ (Ảnh: Internet)

Các bác sĩ cho biết, việc xỏ nhiều khuyên tai lên những phần nhạy cảm như vậy sẽ khiến tình trạng viêm sụn vành tai trở nên nghiêm trọng hơn. Đã có nhiều trường hợp khi đến khám thì bệnh đã tiến triển thành áp xe vành tai, phải rạch dẫn lưu mủ, thậm chí có khoảng 25% trường hợp sụn vành tai bị hoại tử do viêm, phải phẫu thuật để nạo vét sụn hoại tử. Điều này có thể dẫn tới nguy cơ vành tai bị biến dạng, thậm chí có thể nguy hiểm tính mạng nếu gặp biến chứng nặng như nhiễm khuẩn huyết,…

Những nguyên nhân khác có thể gây ra viêm sụn vành tai

1. Viêm sụn vành tai do vệ sinh tai không đúng cách

Phần tai thường hay bị chúng ta bỏ quên nhất khi thực hiện vệ sinh cá nhân hoặc tắm rửa. Đặc biệt là phần trong và sau của phần sụn tai. Và chính các yếu tố như bụi bẩn, vi khuẩn, chất tiết đọng lại ở vành tai và sau tai sẽ  khiến vành tai gặp tình trạng viêm nhiễm.

Khi gặp trường hợp viêm nhiễm, bạn nên vệ sinh vành tai liên tục bằng nước muối sinh lý hoặc thuốc sát trùng nhẹ. Ở giai đoạn này, vành tai được chăm sóc đúng cách sẽ tự khỏi mà không cần can thiệp thêm (Ảnh: Internet)

2. Viêm vành tai do viêm mô tế bào

Viêm vành tai do viêm mô tế bào xuất phát từ tình trạng viêm bởi tụ cầu hoặc liên cầu gây nên, nguyên có thể vì gãi hoặc khi sinh hoạt, vận động, va chạm gây trầy xước ở vành tai, hoặc sau khi phẫu thuật tai. Tình trạng viêm này sẽ dẫn tới hiện tượng tách màng sụn từ cả 2 mặt của sụn tai, do quá trình cấp máu nuôi dưỡng sụn là bởi màng sụn nên khi gặp viêm sẽ làm hoại tử sụn, biến dạng vành tai (vành tai súp lơ) trong vài tuần. 

3. Viêm sụn vành tai do côn trùng cắn đốt

Vành tai cũng là một trong các vị trí côn trùng hay đậu vào và cắn đốt gây viêm tấy, phù nề, đau nhức. Từ vị trí đốt, cắn của côn trùng, vi khuẩn xâm nhập vào vành tai làm cho vành tai viêm mủ, apxe sụn vành tai, hoại tử sụn nếu không điều trị kịp thời. 

Viêm tấy sụn vành tai do côn trùng đốt, với những trường hợp này cần xử trí sớm bằng cách lau rửa vết cắn bằng nước sạch ấm sau đó bôi thuốc chống dị ứng, trung hòa acid do nọc côn trùng đốt tiết ra. Dùng các thuốc loại giảm đau, giảm viêm chống phù nề tại chỗ.

Cần phòng ngừa viêm sụn vành tai bằng cách nào?

Vì bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là mất mạng nếu không được điều trị kịp thời, mỗi người đều phải có ý thức và chủ động phòng ngừa bệnh. Hãy ghi nhớ những lưu ý sau để ngăn bệnh viêm sụn vành tai xảy ra:

1. Thường xuyên vệ sinh vành tai, bạn nên dùng khăn tắm, bông tẩy trang lau sạch các vùng xung quanh tai và hạn chế để nước tràn vào bên trong tai. Sau đó lau lại bằng khăn sạch và khô một lần nữa, cần nhẹ nhàng để tránh trầy xước.

2. Không đưa tay bẩn sờ vào tai hoặc gãi tai làm nhiễm khuẩn vành tai.

3. Hãy giữ tai ấm khi trời lạnh.

4. Nên ở trong môi trường thoáng, sạch sẽ để bảo vệ tai, phòng ngừa bị côn trùng cắn đốt.

5. Không xâu khuyên tai hoặc bấm nhiều lỗ khuyên tai trên vùng vành và sụn tai, hoặc tiêm các chất vào vành tai, dái tai để hạn chế nhiễm khuẩn, viêm sụn vành tai, biến dạng vành tai gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ và nguy hiểm tính mạng nếu biến chứng nặng như nhiễm khuẩn huyết…

Có thể thấy, việc xỏ khuyên tai để làm đẹp sẽ trở nên rất nguy hiểm nếu không được thực hiện đúng cách. Cần tránh xỏ khuyên tại các khu vực nhạy cảm của tai và nên tìm đến những cơ sở làm đẹp uy tín để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân, tránh được những nguy cơ viêm sụn vành tai và nhiễm các bệnh lây qua đường máu, cũng như là các di chứng của bệnh. Ngoài ra, khi có các dấu hiệu nghi ngờ viêm sụn vành tai (như đỏ da vành tai, sưng đau hoặc đọng ít mủ quanh lỗ bấm tai) thì nên đến ngay các cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng để được thăm khám và xử trí kịp thời.

Xem thêm: 5 lợi ích tuyệt vời của chế độ ăn Địa Trung Hải đối với sức khoẻ chúng ta

 Quỳnh Giang

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/tinh-trang-viem-sun-vanh-tai-tang-cao-o-nguoi-tre-hoa-ra-la-vi-thoi-quen-nay-35668/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY