Ngắm ngẫm nghĩ hôm nay

Tổng thống Nga Putin gặp khó khi chống Covid-19

Dmitry Volodin không biết lấy tiền đâu để tiếp tục trả lương cho nhân viên và thuê mặt bằng khi quán của ông phải đóng cửa vì Covid-19.

"Họ yêu cầu trả lương cho nhân viên, nhưng không ai giải thích số tiền đó phải lấy từ đâu. Lĩnh vực nhà hàng và quán bar sẽ bị tiêu diệt. Nhiều doanh nghiệp không thể tồn tại nổi", Volodin, đồng sở hữu một vài quán bar ở Moskva, Nga, đề cập tới mệnh lệnh của chính phủ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần trước thông báo đợt nghỉ làm tại nước này sẽ kéo dài đến hết tháng 4 nhằm ngăn nCoV lây lan, nhưng chủ lao động vẫn phải trả lương cho nhân viên. Trong khi đó, nhiều khu vực đã bị phong tỏa, khiến hàng quán phải ngừng hoạt động và cư dân ở yên trong nhà.

Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì cuộc họp qua video về các biện pháp chống Covid-19 tại khu Novo-Ogaryovo, ngoại ô Moskva, Nga hôm 7/4. Ảnh: Sputnik.

Tình huống này khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ vô cùng tức giận. Họ cảnh báo nguy cơ phá sản hàng loạt trong những đơn kiến nghị gửi lên chính phủ. Một trong số đó thu thập được hơn 250.000 chữ ký, đề cập đến những "cơn gió ngược" mà Putin phải đối mặt khi cố gắng ngăn chặn đại dịch.

Tỷ lệ tín nhiệm của ông chủ Điện Kremlin vẫn cao. Tuy nhiên, con số này tháng trước giảm từ 69% xuống 63%, gần bằng mức tín nhiệm trước khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014, sự kiện giúp tỷ lệ ủng hộ ông tăng vọt, theo Trung tâm Levada, tổ chức phi chính phủ thường tiến hành các khảo sát tại Nga.

Cơn thịnh nộ từ các doanh nghiệp trong nước cùng việc giá dầu lao dốc diễn ra đúng thời điểm quan trọng với Putin. Tổng thống Nga đang thúc đẩy cải cách hiến pháp để có quyền tái tranh cử. Nếu được thông qua, ông có khả năng tiếp tục lãnh đạo Nga đến năm 2036.

"Đây là một thử thách chính trị vô cùng nghiêm trọng với Putin. Những người làm việc trong lĩnh vực tư nhân và môi trường cạnh tranh có lẽ sẽ không ủng hộ ông ấy nữa", Andrei Kolesnikov, nhà phân tích chính trị tại Trung tâm nghiên cứu Moskva Carnegie, nhận định.

Hồi cuối tháng 3, Putin tuyên bố cho người dân nghỉ một tuần nguyên lương từ ngày 28/3 đến 5/4, nói thêm rằng các doanh nghiệp nhỏ được cắt giảm phí bảo hiểm quốc gia cho nhân viên và hoãn thanh toán thuế, một số trường hợp còn được "khất nợ" thêm 6 tháng.

"Đương nhiên mấy chính sách đó sẽ không cứu sống chúng tôi, mà chỉ giúp những doanh nghiệp đủ khả năng tồn tại dễ thở hơn. Điều chúng tôi cần là lệnh hoãn trả tiền thuê mặt bằng, nhưng không có", Volodin cho hay.

"Bộ Tài chính đang ngồi trên một đống tiền, trong khi các doanh nghiệp sắp phá sản và người dân ngày càng túng quẫn", bản kiến nghị trực tuyến, bao gồm hơn 250.000 chữ ký sau khi Putin ra lệnh kéo dài kỳ nghỉ, có đoạn.

Hôm 3/4, khi được hỏi về nỗi lo của các doanh nghiệp, Điện Kremlin cho biết tình huống hiện nay chưa từng xuất hiện và đang thay đổi nhanh chóng, nhưng các doanh nghiệp nên tận dụng những giải pháp đã được ban hành như hỗ trợ thuế kỳ nghỉ.

"Chính phủ đương nhiên đang theo dõi tình hình, không chỉ ở mức hàng ngày mà là hàng giờ. Phụ thuộc vào cách mọi thứ phát triển, các biện pháp hỗ trợ sẽ được xây dựng", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay.

Chính phủ Nga hôm 6/4 công bố một chương trình trị giá 150 tỷ rúp (gần 2 tỷ USD), theo đó các ngân hàng sẽ cung cấp những khoản vay không lãi suất cho doanh nghiệp nhỏ để họ trả lương nhân viên.

Tuy nhiên, điều đó chưa đủ để xoa dịu những người như Dariya Kaminskaya, chủ một cửa hàng sửa chữa ôtô không còn bóng khách. Bà đã phải bỏ tiền túi để trả lương cho 7 nhân viên. "Viễn cảnh tương lai thật khổ sở", Kaminskaya nói.

Theo Vnexpress

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/bon-phuong/tong-thong-nga-putin-gap-kho-khi-chong-covid-19-20200409112941169.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY