Tử vi sức khỏe hôm nay

Tử vi sức khỏe

TP.HCM: Đóng góp ngày càng tăng nhưng tỷ lệ ngân sách được giữ lại ngày càng giảm

Trong 20 năm qua, tỷ trọng đóng góp vào kinh tế cả nước của TP.HCM không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, tỷ lệ ngân sách để lại cho thành phố đầu tư phát triển ngày càng giảm. TP.HCM hiện là địa phương giảm nhiều nguồn lực ngân sách nhất cả nước.

Thông tin này được Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết tại hội nghị lần thứ 42 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM lần thứ 10 diễn ra ngày 7.7.

Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, lâu nay TP.HCM được coi là đầu tàu kinh tế cả nước nhưng cái đó không tự nhiên mà có, mỗi giai đoạn đều phải nỗ lực mới giữ được vai trò. Trước hết, ông Nhân cho rằng phải xác định xem quy mô kinh tế của TP.HCM tăng trưởng như thế nào và đóng góp vào nền kinh tế cả nước ra sao.

Trong giai đoạn 1996 - 2000, kinh tế TP.HCM chiếm 17% kinh tế cả nước; 2001 - 2010 là 20% và 2011 - 2019 là hơn 22%. Như vậy, nói đến vai trò đầu tàu kinh tế, có thể thấy tỷ trọng đóng góp vào kinh tế cả nước của TP.HCM trong 25 năm qua không ngừng tăng lên.

Với tăng trưởng kinh tế như vậy, cường độ kinh tế của TP.HCM/km2 so với cả nước không ngừng tăng lên. Giai đoạn 1996 - 2000, trên 1km2 TP.HCM đã tạo ra giá trị gia tăng gấp 27 lần so với bình quân cả nước; giai đoạn 2001 - 2010 là 31 lần và giai đoạn 2011 - 2019 gấp 35 lần. Trên cùng một diện tích mà gấp 35 lần, có nghĩa là sau 3 năm giá trị gia tăng tạo ra trên 1 đơn vị diện tích của TP.HCM bằng cả nước trong 100 năm.

Ngoài ra, TP.HCM cũng duy trì năng suất lao động cao hơn cả nước, có năm 2,7 lần và năm 2019 là 2,9 lần. Đối với thu hút vốn đầu tư xã hội và vốn đầu tư nước ngoài, Nghị quyết Đại hội 10 của Đảng bộ TP.HCM đặt mục tiêu thu hút khoảng 30% tổng sản phẩm nội địa. Đến nay, qua 4 năm mức này là 36% đã đạt và vượt.

“TP.HCM giữ vị trí đầu tàu không chỉ là tăng trưởng mà đóng góp vào ngân sách cả nước. Cụ thể, thu ngân sách của TP.HCM giai đoạn 2001 - 2010 bình quân đóng góp 26% ngân sách cả nước; giai đoạn 2011 - 2019 là khoảng 27,6%. Như vậy, tỷ trọng đóng góp ngân sách tiếp tục tăng. Đây là yếu tố chỉ rõ TP.HCM là vị trí đầu tàu kinh tế cả nước, tiếp tục được giữ vững và tiếp tục được khẳng định”, ông Nhân nói.

Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng mức vượt trội về tốc độ tăng trưởng của TP.HCM so với cả nước giảm. Theo đó, giai đoạn 2001 - 2019 tốc độ tăng trưởng thành phố bằng 1,6 lần tốc độ tăng trưởng cả nước; giai đoạn 2011 - 2019 còn 1,2 lần. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là 20 năm qua, tỷ lệ ngân sách để lại cho TP.HCM đầu tư phát triển ngày càng giảm. Cụ thể, năm 2000 tỷ lệ ngân sách để lại TP.HCM 33% tổng thu trên địa bàn; giai đoạn 2017 - 2020 giảm còn 18%. TP.HCM là địa phương giảm nhiều nhất nguồn lực ngân sách trong 20 năm qua.

Đáng chú ý, ông Nhân cũng phân tích việc công nghiệp - dịch vụ TP.HCM chiếm rất lớn trong cơ cấu kinh tế (nông nghiệp chỉ chiếm gần 1%) nhưng đất đai dành cho công nghiệp, dịch vụ (không kể dịch vụ bất động sản) chỉ khoảng 10.000ha, chiếm gần 5% quỹ đất TP.HCM.

“Hầu như cả nhiệm kỳ 5 năm, diện tích đất các khu công nghiệp không tăng, trong khi xuất khẩu vẫn như vậy. Nếu dành quỹ đất lớn hơn thì nhà đầu tư vào sẽ dễ hơn”, ông Nhân nói, và đề nghị các đại biểu thảo luận, tính toán làm sao để thu hút các nhà đầu tư vào TP.HCM.

Phan Diệu

Mạng Y Tế
Nguồn: Một thế giới (https://motthegioi.vn/tin-tuc-su-kien-c-179/tphcm-dong-gop-ngay-cang-tang-nhung-ngan-sach-duoc-giu-lai-ngay-cang-giam-140591.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY