Với mong muốn tiếp nhận thêm những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, giới văn nghệ sĩ trong và ngoài nước để hoàn thiện dự thảo chiến lược phát triển văn hóa việt nam đến năm 2030 với tính khả thi cao, báo điện tử tổ quốc giới thiệu bài viết của bà hoàng thị hoa- phó chủ nhiệm ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của quốc hội khóa xiv.
Bà Hoàng Thị Hoa- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa XIV
Tăng trưởng kinh tế là tăng gdp và sản phẩm bình quân đầu người từ năm này qua năm khác. nói tăng trưởng kinh tế chủ yếu là nói về sự tăng sản phẩm trong khả năng và nỗ lực sản xuất vật chất của xã hội. tăng trưởng kinh tế là điều kiện thiết yếu để nâng cao mức sống của con người, có vị trí rất quan trọng vì nó thể hiện khả năng đáp ứng nhu cầu vật chất rất đa dạng ngày càng cao của con người.
Như vậy đối với mỗi quốc gia để đạt được mục tiêu phát triển, đáp ứng nhu cầu vật chất của xã hội, về cơ sở vật chất kỹ thuật và công nghệ và đó cũng là điều kiện, là cơ sở cho sự phát triển văn hóa, đó là quy luật khách quan. tuy nhiên, thời gian qua đã xuất hiện quan niệm chỉ lo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, không giải quyết đúng mối quan hệ giữa tăng trưởng với phát triển và cho rằng, kinh tế và khoa học công nghệ là nhân tố quyết định toàn bộ sự phát triển, còn các yếu tố về văn hóa không đóng góp trực tiếp cho sự phát triển.
Với quan niệm lệch lạc này, những nhân tố quan trọng về văn hóa - nền tảng của xã hội đã bị bỏ qua hoặc không được quan tâm, phát huy đúng mức, đúng với vai trò, sức mạnh của nó. sai lầm trong quan niệm này là ở chỗ, coi tăng trưởng kinh tế tự nó sẽ giải quyết các vấn đề về văn hóa và xã hội. hậu quả là cùng với tăng trưởng kinh tế, nhưng xã hội lại suy thoái về đạo đức, lối sống, xuống cấp về văn hóa và đời sống tinh thần của con người, của cộng đồng. người ta gọi đó là sự tăng trưởng thô bạo, tăng trưởng mất gốc hay tăng trưởng bất chấp tương lai. ở một số quốc gia đã tạo ra xung đột xã hội hay sự bất bình yên trong đời sống tinh thần của xã hội, sự giảm sút nghiêm trọng về lối sống, đạo đức, nhân cách, tình người tạo ra những "người nghèo không gốc rễ và người giàu không lý tưởng", từ đó có thể dẫn tới nguy cơ làm đảo lộn xã hội về chính trị, về đời sống tinh thần và văn hóa của cộng đồng.
Ở nước ta, từ khi bước vào thời kì đổi mới tới nay đã nhiều lần khẳng định tư tưởng về sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, song trong thực tiễn, tư tưởng trên ở nhiều nơi chưa được quán triệt và thực hiện tốt, cho nên mới tập trung nhiều cho đổi mới và tăng trưởng kinh tế, đó chính là nguyên nhân sâu xa của tình trạng nảy sinh nhiều vấn đề bức xúc về văn hóa, đạo đức, làm cho những người hoạt động sáng tạo văn hóa, văn học nghệ thuật, cảm nhận không được coi trọng như trước, từ đó làm giảm sút niềm tin, tâm huyết, nhiệt tình và năng lực sáng tạo của họ. chủ nghĩa thực dụng kinh tế đang có chiều hướng phát triển và nguy cơ thực sự của sự phát triển không bền vững, của sự sa sút trên lĩnh vực tinh thần, đạo đức, sáng tạo văn hóa, văn học nghệ thuật. vậy ở đây có sự liên quan giữa tăng trưởng và phát triển là khái niệm rộng hơn, sâu hơn, toàn diện hơn, khái niệm tăng trưởng nội hàm của phát triển bao hàm và chỉ rõ sự tiên tiến, tiến bộ về mặt chất lượng của xã hội, của phẩm chất, giá trị con người, trong đó bao gồm cả việc gia tăng về sản lượng và cơ cấu kinh tế, đồng thời cả yêu cầu nâng cao mức sống toàn dân và gắn chặt với phát triển hài hòa, toàn diện con người, phát triển văn hóa của toàn xã hội.
Nhìn từ yêu cầu phát triển có thể xảy ra hiện tượng có sự tăng trưởng nhưng không phát triển, vì chất lượng cuộc sống của con người không đảm bảo, vì sự sa sút về văn hóa, vì sự không bình yên trong cuộc sống con người… như vậy, dù mức sống, đời sống vật chất có được nâng lên thì cũng chưa phải là đạt được mục tiêu cao nhất của sự phát triển, đó là chất lượng cuộc sống cả về vật chất và tinh thần. đây là vấn đề vừa rất cơ bản, vừa rất thời sự đang đặt ra khi đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế thì đi liền với nó là chính sách về văn hóa xã hội tương xứng để đảm bảo phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ xã hội và hạnh phúc của con người. nếu chỉ lo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, thậm chí tăng trưởng bất kỳ giá nào, phải hy sinh cả văn hóa và xã hội sẽ dẫn tới nguy cơ trực tiếp là phá vỡ sự phát triển bền vững, tạo ra những rối loạn xã hội.
Chiến lược phát triển văn hóa cần chú ý phát triển các ngành công nghiệp văn hóa như một ngành kinh tế, đây là kết quả của quá trình kinh tế trong văn hóa (ảnh minh họa)
Đó là một mối quan hệ biện chứng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đã từng xuất hiện tư duy trong thời gian dài quan niệm rằng: Văn hóa chỉ là hệ quả của kinh tế hoặc văn hóa là yếu tố đứng ngoài kinh tế, phụ thuộc vào kinh tế, đó là lĩnh vực "phi sản xuất", "không sinh lợi". Quan niệm đó vẫn còn tác động không nhỏ đến thực tiễn đời sống hiện nay, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển văn hóa, đồng thời còn đe dọa đến sự bền vững của tăng trưởng kinh tế.
Văn hóa không phải là sản phẩm thụ động của kinh tế mà có tác động trực tiếp đến quá trình kinh tế. Vì vậy, kinh tế không tự mình phát triển nếu thiếu nền tảng văn hóa, sự phát triển thực sự năng động, hiệu quả và bền vững phải là sự phát triển trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa kinh tế và văn hóa. Quan điểm này đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI khẳng định "Tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân". Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nền kinh tế tri thức chứa đựng các sản phẩm kinh tế là tỉ trọng các chất xám ngày càng lớn và điều đó có nghĩa là tỉ trọng các yếu tố văn hóa ngày càng giữ vai trò quyết định.
Trong quá trình kinh tế, quá trình chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, chỉ có nắm được con người và bản sắc văn hóa, tập quán, phong tục mới có thể thực hiện thành công quá trình kinh tế đó. Trước những yêu cầu ngày càng cao, đa dạng và mang tính cá thể của người tiêu dùng, đối với nhiều sản phẩm kinh tế, dịch vụ, có thể nói nếu thiếu bản sắc văn hóa trong các sản phẩm đó thì khả năng cạnh tranh của nó sẽ suy giảm rõ rệt. Điều đó cho thấy ngày nay, các lực lượng sáng tạo nghệ thuật như hội họa, mỹ thuật công nghiệp, kiến trúc, nghệ thuật dân gian, thời trang, điện ảnh…đang tham gia ngày càng trực tiếp và sâu vào quá trình kinh tế, kết quả kinh tế làm đậm sâu nhân tố giá trị văn hóa trong các sản phẩm đó. Và như vậy là văn hóa trong kinh tế và điều đó trở thành một đặc điểm ngày càng phổ biến của quá trình gắn liền văn hóa với phát triển. Gắn văn hóa với kinh tế là chiến lược của nhiều quốc gia trên thế giới. Nhiều quốc gia phát triển đã thành công trong việc tăng đầu tư cho văn hóa như ngành điện ảnh, băng hình của Mỹ đã có giai đoạn xếp vào hàng thứ hai trong các mặt hàng xuất khẩu ra thế giới, đặc biệt là có bộ phim doanh thu là 1,23 tỉ USD.
Chiến lược phát triển văn hóa cần chú ý phát triển các ngành công nghiệp văn hóa như một ngành kinh tế, đây là kết quả của quá trình kinh tế trong văn hóa: công nghiệp điện ảnh, xuất bản, phát thanh truyền hình, vui chơi giải trí… đang phát triển trở thành ngành kinh tế đặc thù gắn chặt văn hóa với kinh tế, không chỉ tạo ra các sản phẩm văn hóa hiện đại mà còn tạo ra giá trị kinh tế lớn. Kết quả thực hiện Chiến lược công nghiệp văn hóa đã xuất hiện nhiều mô hình mới như các doanh nghiệp, doanh nhân kinh doanh trên lĩnh vực văn hóa, cá biệt có bộ phim doanh thu 200 tỉ đồng. Rõ ràng là xu hướng sản xuất, tiêu dùng văn hóa theo phương thức, phương pháp công nghiệp là xu hướng khách quan của xã hội. Đó là dấu hiệu, đặc điểm mới của quá trình văn hóa trong kinh tế và kinh tế trong văn hóa.
Cần bảo vệ và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp
Nhận thức về xây dựng con người Việt Nam, vấn đề nhân tố con người và phát triển con người gắn liền với nhiều lý thuyết khác nhau, nhưng có một cách tiếp cận là lý thuyết về vốn con người, về nguồn nhân lực. Nhiều quốc gia đã coi đầu tư vào vốn con người là một trong các chính sách ưu tiên. Vốn con người là tổng hợp các năng lực sản xuất của người lao động đồng thời là các khoản chi phí của nhà nước, của doanh nghiệp, của từng con người cho việc hình thành và thường xuyên hoàn thiện những năng lực đó.
Thực tiễn sự phát triển của thế giới hiện đại và những năm đổi mới đất nước, đã làm sáng rõ một kết luận rằng đầu tư vào vốn con người, vào giáo dục là đầu tư cho sự phát triển, là đầu tư có hiệu quả nhất. Đề cập vốn con người là cuộc cách mạng trong tư duy kinh tế nhờ đó, chúng ta đã coi con người là nhân tố hàng đầu, là yếu tố đầu vào của mọi quá trình sản xuất. Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước chúng ta tiếp tục khẳng định phát triển nguồn nhân lực trọng tâm là giáo dục đào tạo là một trong 3 khâu đột phá để làm chuyển động tình hình kinh tế xã hội. Mục tiêu cao nhất của đột phá này là kết quả của nó chính là con người nhằm nâng cao nhân lực và tạo cơ hội cho mọi người đều có thể phát huy hết khả năng, tham gia vào quá trình phát triển và thụ hưởng thành quả của sự phát triển. Thước đo của phát triển văn hóa chính là sự phát triển con người.
Nói đến công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa phải nói đến sự phát triển văn hóa ngay trong đơn vị nhỏ nhất như gia đình, làng xã, cơ quan, đơn vị. Bởi lẽ sự trưởng thành hay phát triển của mỗi nhân cách trải qua quá trình hoạt động văn hóa, các hoạt động trong toàn bộ đời sống và nhân cách đó trở thành các giá trị định hình bền vững. Nghĩa là để có nhân cách văn hóa phải quan tâm tới toàn bộ các hoạt động đa dạng, phong phú của con người. Trong những năm qua chúng ta đã quan tâm đến xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp phong phú chính là xuất phát từ quan điểm phát triển con người. Quá trình đó đã tạo ra các giá trị văn hóa trong nhân cách mỗi người.
Vấn đề quan trọng của nhân cách văn hóa là lối sống được thể hiện ở lẽ sống, nếp sống, mức sống, chất lượng cuộc sống và tinh thần của con người, của một cộng đồng cũng như của xã hội. trên thực tế có thể mức sống chưa cao nhưng nhờ có lẽ sống tốt đẹp, nếp sống lành mạnh, con người và xã hội có thể trở thành con người có văn hóa, xã hội có điều kiện phát triển và tiến bộ. đất nước chúng ta trong giai đoạn chiến tranh, kinh tế còn nghèo, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn. chúng ta đã quan tâm việc xây dựng lối sống và lẽ sống đẹp cho con người và xã hội, không phải chờ khi có mức sống vật chất tốt hơn. chính những năm đó, một lối sống tốt đẹp, một đời sống tinh thần lành mạnh, trong sáng, sự đoàn kết gắn bó yêu thương nhau,… tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn, những giá trị cao đẹp và sâu sắc trở thành nguyên nhân quan trọng làm nên chiến thắng vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.
Xây dựng con người toàn diện để tạo nên một thế hệ con người Việt Nam mới "truyền thống - hiện đại"
Trong những năm đổi mới, vấn để lối sống được đặc biệt quan tâm từ đó khẳng định tư tưởng, đạo đức và lối sống văn hóa lành mạnh là những lĩnh vực then chốt của văn hóa và được Đảng ta xác định là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách. Trong thời gian qua, kết quả đạt được còn nhiều hạn chế những vấn đề bức xúc mới lại được đặt ra, vì thế cần làm rõ hơn bài học quan trọng từ thực tiễn đó là phát triển kinh tế chưa đồng bộ với phát triển văn hóa, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, những vấn đề về đạo đức, lối sống của một bộ phần cán bộ Đảng viên đang làm nhân dân bất bình, lo lắng. Vấn đề lối sống, quan hệ giữa lối sống và mức sống đã và đang trở thành vấn đề lớn trong đời sống xã hội. Nhiều câu hỏi mới phức tạp hơn, sâu sắc hơn cần được làm rõ.
Vấn đề xây dựng con người Việt Nam đang đứng trước 3 yêu cầu lớn và thách thức gay gắt: bảo vệ và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, tỉnh táo vượt qua những hạn chế lịch sử của con người Việt Nam và nuôi dưỡng, chăm lo sự phát triển những giá trị mới do công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế tạo ra. Không thể né tránh bất cứ yêu cầu nào, để tạo nên một thế hệ con người Việt Nam mới "truyền thống - hiện đại" đây là cuộc đấu tranh vô cùng tinh tế, phong phú và sâu sắc. Cái hiện đại chưa có chuẩn xác định, nhưng đang hình thành và phát triển mạnh, cái giá trị và cái phản giá trị, giả giá trị… Nhưng quy luật hình thành thế hệ mới là tất yếu. Vấn đề đặt ra là nhận biết khoa học, tỉnh táo định hướng chuẩn xác và điều chỉnh cần thiết để chăm lo một cách chủ động cho sự hình thành thế hệ đó. Toàn bộ những nội dung này thuộc về toàn xã hội trong đó khẳng định nhiệm vụ trọng tâm của văn hóa là đúc rút và xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam, đồng thời đặt ra yêu cầu cao và mới đối với những người lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực hiện. Trên cơ sở đó, đề xuất nhiệm vụ xây dựng văn hóa và con người Việt Nam là một trong các khâu đột phá chiến lược của Đảng trong giai đoạn tới.
Từ những luận giải trên, trong thời gian tới, chiến lược phát triển văn hóa cần phải nâng cao nhận thức về vai trò ngày càng quan trọng của văn hóa, con người, để văn hóa việt nam xứng đáng là sức mạnh nội sinh quan trọng của sự phát triển bền vững đất nước trong giai đoạn tới./.
Hoàng Thị Hoa- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa XIV
Chủ đề liên quan:
bản sắc dân tộc bảo vệ tổ quốc bộ văn hóa chiến lược phát triển đại hội đại biểu toàn quốc đời sống tinh thần khoa học công nghệ tăng trưởng kinh tế văn hóa việt nam văn nghệ sĩ