Kinh tế xã hội hôm nay

Một nhà nghiên cứu văn hóa nghiêm túc và tâm huyết

Ông Ðoàn Văn Chúc là trường hợp khá hi hữu trong nghiên cứu và giảng dạy khoa học văn hóa ở nước ta. Một người chỉ mới qua trình độ văn hóa phổ thông...
Ông Ðoàn Văn Chúc là trường hợp khá hi hữu trong nghiên cứu và giảng dạy khoa học văn hóa ở nước ta. Một người chỉ mới qua trình độ văn hóa phổ thông, không học hàm, học vị chuyên môn nào, nhưng đã trở thành cán bộ nghiên cứu ở một cơ quan Trung ương rồi giảng dạy đại học. Hơn nữa ông còn được các viện nghiên cứu văn hóa - nghệ thuật liên tục mời tới giúp bồi dưỡng kiến thức văn hóa cho cán bộ ở bậc trên đại học.

Tôi may mắn có thời gian được công tác cùng ông Chúc trong Vụ Văn hóa quần chúng, Bộ Văn hóa. Đó là vào cuối những năm 60, đầu những năm 70 của thế kỷ trước, khi ông cùng các sĩ quan quân đội, theo chủ trương của Đảng và Nhà nước chuyển ngành sang làm công tác văn hóa. Nghe nói ông Chúc đã ý thức nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa ngay từ những năm 1957-1958.

Phải nói rằng, nhận thức về văn hóa trong xã hội ta bấy giờ nhìn chung còn hạn chế. Không ít người quan niệm đơn giản coi văn hóa chỉ là việc cờ, đèn, kèn, trống... và tâm lí thường chạy theo thành tích được tính theo số liệu phong trào nặng tính hình thức, bề nổi như: có bao nhiêu đội văn nghệ quần chúng? có bao nhiêu nhà văn hóa - câu lạc bộ? bao nhiêu đội thông tin lưu động, tuyên truyền được bao nhiêu buổi? v .v. Với ông Chúc thì quan niệm về văn hóa lại khác, nên trong các cuộc tranh luận chuyên môn trong cơ quan nhiều khi những ý kiến giữa ông và đồng nghiệp ít gặp nhau. Có người cho rằng, quan điểm văn hóa của ông chưa thực tế, thậm chí còn nói ông chịu nhiều ảnh hưởng của lý luận phương Tây. Trong những trường hợp ấy ông Chúc không cố ra sức bảo vệ ý kiến của mình. Có người khuyên ông thay đổi nhưng ông cám ơn rồi vẫn lặng lẽ đi theo con đường nghiên cứu mà mình đã chọn. Ông quan niệm, sự khác biệt và tranh luận trong học thuật là chuyện thường tình và phải có thời gian. Văn hóa trước hết là phải biết tôn trọng và lắng nghe nhau.

Lợi thế của ông Chúc là giỏi tiếng Pháp. Ông học tiếng Pháp từ khi còn nhỏ và sau này khi có điều kiện ông lại tiếp tục nâng cao trình độ. Ngôi nhà ông giản dị, thanh bạch nhưng lại có vẻ sang trọng vì tủ sách, và phần lớn đều là sách tiếng Pháp, in tại nước ngoài mà ông nhờ mua hoặc được bạn bè biếu, tặng. Đáng chú ý, đó lại đều là sách của các tên tuổi lớn, những bậc thầy về nhân học, dân tộc học, tâm lí học và đặc biệt là xã hội học... trên thế giới nhưng vẫn còn hết sức xa lạ ở nước ta lúc bấy giờ như: Taylor, Morgan, Fraser, Freud, Levi Strauss.v.v... Tôi biết ông không chỉ đọc nhiều, mà còn mất công dịch một số cuốn sách. Ông quan niệm, dịch là để có dịp càng hiểu rõ hơn ý của tác giả... Khi nghiên cứu về văn hóa, ông Chúc luôn phải tham khảo sang cả những lĩnh vực khác, mà xem ra có vẻ không mấy liên quan như các vấn đề về dân tộc học, dân tộc chí, xã hội học, nhân học, ngôn ngữ học, khảo cổ học, sử học, tâm lí học... Tôi hỏi, liệu như vậy có xa vời và viển vông quá chăng? Thì được ông giải thích: “Muốn nghiên cứu các biểu thị của văn hóa thì người ta cần phải hiểu và biết sử dụng nhiều khoa học khác nhau. Nhiều môn khoa học tưởng rất xa vời, nhưng lại không thể thiếu. Lĩnh vực văn hóa học rất rộng, có nhiều tầng nghĩa và phải hiểu hết nó thì mới hiểu văn hóa, nếu không ta sẽ chỉ hiểu nó rất phiến diện mà như thế thì dễ làm, nhưng không đúng bản chất của văn hóa. Thậm chí còn là phản văn hóa”.

Tôi đã được đọc một số công trình nghiên cứu về văn hóa của ông Đoàn Văn Chúc. Tuy những công trình nghiên cứu được công bố của ông Chúc không phải đã thật nhiều và chủ yếu là về văn hóa dân gian. Như nhiều nhà nghiên cứu sau này nhận xét, vấn đề văn hóa dân gian thì không bao giờ là lạc hậu, thậm chí nếu được tiếp tục bổ sung, hoàn thiện thì nó lại luôn mới với xã hội. Và phải nói, đó đều là những công trình có giá trị. Phương pháp nghiên cứu và cách tiếp cận vấn đề của ông là rất mới mẻ ngày ấy. Nếu không nói là đi đầu. Ông nghiêm túc, thận trọng ứng dụng các kiến thức mà ông chọn lọc tiếp nhận được từ các bậc thầy - thông qua sách báo, tài liệu - nhiều bộ môn khoa học cả trong nước và trên thế giới sao cho phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam. Một số bài nói chuyện, bài viết về văn hóa của ông Chúc sau này đã được Viện Văn hóa và Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin tập hợp in thành sách với tiêu đề là: “Văn hóa học”. Có lẽ đây là một trong những cơ sở lý luận văn hóa học cơ bản đầu tiên ở Việt Nam ngay từ những ngày ấy. Tiến sĩ Khoa học Đỗ Lai Thúy, người đã từng cộng tác với ông Chúc trong nhiều công trình nghiên cứu có nhận xét : “Chỉ riêng một số bài - mặc dù được ông Chúc khiêm tốn gọi là bài giảng nhưng thực ra là những công trình nghiên cứu rất công phu như - về biểu tượng, về lễ - tết - hội, về trò chơi..., được in trong tập Văn hóa học của ông Đoàn Văn Chúc là những nghiên cứu có tầm cỡ đặc sắc”. Có thể coi ông là người tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu với một phương pháp luận khoa học. Khi còn sống, Giáo sư Trần Quốc Vượng từng nói rằng, bản thân ông đã học được rất nhiều từ ông Đoàn Văn Chúc, nhất là trong vấn đề phương pháp nghiên cứu.

Các vấn đề về văn hóa được ông Đoàn Văn Chúc đề cập trong các cuộc hội nghị, hội thảo khoa học đã được nhiều người chú ý... Tiến sĩ Hoàng Vinh, khi còn là Trưởng khoa Văn hóa quần chúng - Đại học Văn hóa Hà Nội - đã gắng thuyết phục lãnh đạo nhà trường mời được ông Chúc, khi đó đang công tác ở Nhà văn hóa trung ương, về làm giảng viên. Và có lẽ môi trường này mới là điểm đến phù hợp nhất với ông Chúc... Khi ông Đoàn Văn Chúc trình bày sâu về bộ môn xã hội học văn hóa thì các sinh viên của nhà trường, các thế hệ sinh viên từ năm 1978 và những năm sau đó, mới dần được tiếp cận với những vấn đề cơ bản, sâu sắc về văn hóa qua những bài giảng của thầy Đoàn Văn Chúc, đặc biệt như: Văn hóa là môn học liên ngành; Nhu cầu và nhu cầu văn hoá; Biểu tượng; Lễ - Tết - Hội; Văn hóa dân gian; Trò chơi và đời sống; Thời kiểu (chữ của ông Chúc, thường được hiểu là mốt “mode”, hoặc thời trang); Văn hóa và phát triển văn hóa v.v...

Trong suốt nhiều năm, từ cuối những năm 50 đến tận khi qua đời, ông Đoàn Văn Chúc bền bỉ vừa làm việc, vừa học, vừa đọc, dịch, nghiên cứu, khảo sát điền dã và tiếp xúc với nhiều đối tượng khác nhau nhằm để tìm ra những lời giải thỏa đáng cho các vấn đề cần tìm hiểu sâu về văn hoá. Đi vào nghiên cứu khoa học, ông làm việc rất cẩn trọng. Mỗi bài viết, bài giảng của mình, ông Chúc luôn chỉnh sửa, tham khảo và bổ sung rất kỹ càng. Có khi chỉ một câu, một chữ cũng đủ làm ông trăn trở suốt nhiều ngày. Và ông luôn nhắc nhở các sinh viên của mình phải luôn biết vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo khi trở về địa phương. Ông Chúc mất cách nay đã 20 năm, vậy mà những lớp học trò của ông khi có dịp gặp gỡ vẫn thường ôn lại những ấn tượng sâu sắc khi được học và tiếp xúc với ông. Trong ký ức của họ luôn hiện lên hình ảnh một người thầy nghiêm túc, thông tuệ, say mê, tận tâm và tận lực...

Sự học, sự chuyên tâm và tình yêu của ông Đoàn Văn Chúc qua những đóng góp trong lĩnh vực nghiên cứu về văn hóa học ở nước ta đã từ trên dưới nửa thế kỉ nhưng đến nay vẫn còn những giá trị... Do giới hạn thời gian nên có những vấn đề ông Chúc chưa có điều kiện hoàn chỉnh hoặc có những vấn đề từng được ông nêu ra sẽ là những tiền đề quan trọng để những lớp người nghiên cứu sau này có cơ sở tiếp nối.

Và tôi luôn tin chắn rằng, với ông Đoàn Văn Chúc thì những công trình nghiên cứu đã được công bố của ông, tên tuổi ông, đức độ của ông sẽ không bao giờ đi vào quên lãng.

Bài và ảnh: Huy Thắng

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-mot-nha-nghien-cuu-van-hoa-nghiem-tuc-va-tam-huyet-15795.html)

Tin cùng nội dung

  • Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ) đã cho biết, có thể hạn chế xơ vữa động mạch bằng vitamin E sau khi họ đã tiến hành thử nghiệm thành công trên chuột.
  • Ngày 7/7/2015, Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) đã phê chuẩn Thuốc entresto (salcubitril/valsattan) cho điều trị suy tim.
  • Đối với người chưa có nguy cơ thật sự về bệnh tim mạch thì việc dùng aspirin dài hạn để phòng ngừa thì có hại hơn là có lợi
  • Đây là nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí S*x Research, Mỹ. Nghiên cứu đã được thực hiện để đánh giá phản ứng ánh mắt của mọi người khi xem hình người mẫu.
  • Khi quyết định ăn hay không, hãy lắng nghe dạ dày của bạn chứ đừng nhìn đồng hồ bởi răm rắp thực hiện ngày đủ 3 bữa chưa chắc đã tốt cho sức khỏe.
  • Những người bị máu nhiễm mỡ nên ăn những loại thực phẩm có chứa hàm lượng cholesterol thấp như rau xanh, các sản phẩm được làm từ đậu, nạc thăn...
  • Khi ăn dưa hấu, chúng ta thường vứt đi phần hạt của nó, và thường chỉ sử dụng khi chúng được “tái chế” thành hạt dưa sấy, ăn nhâm nhi như món ăn vặt.
  • Củ hành quen thuộc trong bếp làm gia vị thật tuyệt, nhưng tuyệt hơn nữa là nó mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
  • Từ mỡ lợn đến bơ, từ dầu hạt cải, dầu vừng đến “mốt” mới nhất là dầu dừa, dầu ôliu… đều được khẳng định là rất tốt cho sức khoẻ. Vậy nhưng chúng có thực sự là những loại chất béo tốt nhất dùng để nấu nướng?
  • Theo tiêu chí của Bộ VH-TTDL thì Nhà văn hóa - Khu thể thao được xây dựng nhằm thực hiện các nhiệm vụ: Xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động ngắn hạn, dài hạn trình UBND xã và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt;
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY